Cựu Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh có dám chịu trách nhiệm?
Thông báo kết quả kiểm tra của UB Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang chẳng khác nào thách đố dư luận xã hội, xem thường cảm xúc của không ít thí sinh bị thiệt thòi về quyền lợi liên quan trong vụ việc tiêu cực thi cử này.
Những ngày qua, câu chuyện làm nóng dư luận nhất chính là câu chuyện về vụ sửa điểm thi ở Hà Giang, đặc biệt là bản danh sách kỷ luật những người có liên quan lại không có tên ông Triệu Tài Vinh – cựu Bí thư tỉnh ủy Hà Giang.
Câu hỏi: Sao không có tên ông Triệu Tài Vinh trong danh sách kỷ luật
Theo đó, tổng số cán bộ, đảng viên bị xử lý tính đến thời điểm báo cáo ngày 30/9/2019 là 151 trường hợp. Trong số đó có 46 cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật (42 trường hợp bị khiển trách, 1 trường hợp bị cảnh cáo, 3 trường hợp bị khai trừ Đảng); 29 cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật thì yêu cầu “kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm”.
Đáng chú ý, trong danh sách xử lý kỷ luật, vẫn không thấy có tên Bí thư tỉnh ủy Triệu Tài Vinh ở thời điểm xảy ra vụ việc, người có con gái nằm trong số “bị” nâng điểm thi. Tức là điều mà dư luận mong đợi nhất lại không thấy, không đến. Thế nhưng, trong số 29 cán bộ, đảng viên bị yêu cầu “kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm” lại có tên bà Phạm Thị Hà – vợ ông, hiện là Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nhìn vào bản danh sách xử lý kỷ luật do UB Kiểm tra Tỉnh ủy công bố, không chỉ riêng bà Hà, mà còn rất nhiều vị khác “điều động” cả mẹ, vợ hoặc chồng ra làm “bia đỡ đạn”. Và điều dư luận bất ngờ, trong danh sách trên có 29 người có con liên quan đến gian lận điểm thi chỉ nhận hình thức kỷ luật, yêu cầu kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Liên quan đến vấn đề này, ĐB Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền nhận xét thế này: “Tôi chỉ có cảm giác một số đối tượng là quan chức có liên quan đến gian lận thi cử bỗng dưng trở thành nạn nhân. Hóa ra vợ ông Triệu Tài Vinh là nạn nhân trong vụ gian lận điểm thi? Vậy ai là nạn nhân của ai”.
Nói gì thì nói, chuyện nâng điểm thi ở Hà Giang cuối cùng đã được làm rõ, con gái ông Triệu Tài Vinh cũng nằm trong danh sách được nâng điểm. Nhưng mà chuyện nội bộ gia đình ông Vinh lại làm người dân “rối não” với hàng loạt những câu hỏi không biết hỏi ai, dù rằng sự thật nó ở ngưỡng trước mắt.
Nghĩ về trách nhiệm người đứng đầu
Về mặt lý thuyết cũng như quy định của pháp luật, ai cũng thừa nhận trách nhiệm của những người lãnh đạo, nhất là những người đứng đầu một ngành, một địa phương, một cơ quan, tổ chức hay đơn vị. Nói nôm na là mọi thứ hay dở tốt xấu cũng đều có “bóng dáng” của người đứng đầu.
Từ năm 1950 trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gian khổ tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hổ Chí Minh đã đích thân ký Sắc lệnh số 76/SL ban hành “Quy chế công chức Việt Nam”.
Đến năm 1998 Thường vụ Quốc hội mới ban hành “Pháp lệnh cán bộ công chức”. Pháp lệnh cán bộ, công chúc của Nhà nước ta kể cả sửa đổi vào năm 2002 quy định những việc cán bộ, công chức không được làm cả về tư cách, đạo đức và quan hệ nhân thân trong công vụ khi anh là người đứng đầu đơn vị.
Hay, Điều 10 của Luật Cán bộ, công chức có quy định riêng nghĩa vụ của cán bộ, công chức là người đứng đầu, bao gồm “Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống quan liêu, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chịu trách nhiệm về việc để xảy ra quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị…”. Luật Phòng, chống tham nhũng cũng có quy định, thậm chí có cả nghị định cụ thể hóa việc xử lý người đứng đầu với những chế tài cụ thể, mạnh mẽ..v..v.
Điều đó cho thấy không phải chúng ta thiếu các quy định, thiếu cơ sở để xử lý. Tuy nhiên thực tế có quá nhiều lý do khiến cho việc xử lý người đứng đầu không hề đơn giản.
Điều khó nhất trong xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính là những khó khăn từ việc xác định trách nhiệm và điều này chưa thấy có dấu hiệu gì được khắc phục. Như thế câu hỏi vì sao người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm ít bị xử lý có lẽ vẫn còn tiếp tục trong thời gian dài nữa.
Ngoài ra có một mâu thuẫn rất rõ nữa ngay trong cách quy định về trách nhiệm của người đứng đầu. Đó là một mặt, pháp luật quy định họ có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý sai phạm, tham nhũng, mặt khác lại quy định phải chịu trách nhiệm với các mức độ khác nhau khi để xảy ra sai phạm trong cơ quan, tổ chức đơn vị mình phụ trách.
Vậy thì dại gì mà người đứng đầu phát hiện xử lý, để rồi chính mình cũng chịu trách nhiệm và có thể bị xử lý? Đó là chưa kể tâm lý “đóng cửa bảo nhau”, không “vạch áo cho người xem lưng”, lo mất thành tích cá nhân và đơn vị…
Nói cách khác, khi đặt trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị được quy định một cách rõ ràng, chúng ta có quyền hy vọng góp phần đẩy lùi tiêu cực một bước. Tuy nhiên phải thấy hết mọi khía cạnh của sự việc. Cái gì cũng có mặt trái của nó, phải tiên liệu để hạn chế mặt trái.
Nhiều khi người đứng đầu vì sợ trách nhiệm, khi có “sự cố”, bằng mọi giá bưng bít, ém nhẹ, rất sợ phát huy dân chủ, sợ những ai nói thật, bịt miệng các đối tượng bị cho là nguy cơ rò rỉ thông tin… thực hiện thủ đoạn chia đều cùng nhau hưởng “thành quả thu hoạch không chính đáng”.
Trong cuốn sách nhập môn của những người cách mạng, tập hợp các bài giảng của Bác Hồ cho lớp thanh niên yêu nước, bài đầu tiên là Tư cách của một người cách mệnh, thực hành ba mối quan hệ: “Tự mình phải”, “Đối người phải”, “Làm việc phải”, trong đó việc thứ mười mỗi người phải thực hiện là “Nói thì phải làm”.
“Nói thì phải làm” là một biểu hiện của đạo làm gương, một giá trị của văn hóa phương Đông, một tiêu chuẩn để trở thành người trung thực, một người đáng tin cậy. Ca ngợi tấm gương của Lênin, Bác Hồ nói “đối với người phương Đông chúng tôi, một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Người không chỉ “nói đi đôi với làm”, “nói thì phải làm”, mà nói ít làm nhiều, thậm chí không cần nói, diễn thuyết bằng những phát ngôn ấn tượng mà bằng hành động, bằng những việc làm cụ thể, bằng chính phong cách nêu gương để giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến.
Nói ra những điều đó để một lần nữa thấy rằng, vụ việc nâng điểm thi ở Hà Giang gây bức xúc dư luận, gây hậu quả nghiêm trọng, làm giảm lòng tin của người dân thì việc xử lý cán bộ, đảng viên liên quan đến gian lận thi cử cũng phải đủ nghiêm khắc để răn đe.
Người viết cũng xin dẫn lại lời của cựu Bí thư tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh khi ông từng tâm tư: “Tôi nói như vậy chắc là nhiều người nghĩ tới chuyện năm 2013, trên Facebook nói về gia đình làm quan và các đồng chí nghĩ đến vừa rồi là gian lận thi cử. Việc đó không sao, phải đối mặt với thực tế, vượt qua nó”.
Nếu những “sóng gió” mà cá nhân ông đã và đang trải qua đúng như lời ông Vinh nói thì ông quả là một lãnh đạo có bản lĩnh tuyệt vời. Và sẽ tuyệt vời hơn khi ông với tư cách là người đứng đầu dám đứng ra nhận trách nhiệm trước những sai phạm diễn ra ở địa phương mình.
Sông Trà