Cứu bệnh viện là cứu dân
Suốt gần nửa tháng nay, thông tin các bệnh viện không còn đủ thuốc, thiếu trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh đã khiến rất nhiều người bệnh và thân nhân người bệnh lo lắng. Để nhanh chóng giải quyết những ách tắc, khó khăn cho các bệnh viện trong cả nước, công điện số 72/CĐ-TTg đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ngày 25/02/2023.
Thời điểm này, nếu ghé qua các khoa của bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức (TP.HCM), sẽ cảm nhận được sự lo âu, căng thẳng của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khi lịch mổ liên tục bị hoãn vì thiếu hóa chất, vật tư y tế; bệnh nhân phải cắn răng chịu đau chờ thuốc. Mọi nguồn lực đều tập trung cho các ca cấp cứu, hoặc các ca bệnh nguy kịch.
Chưa bao giờ, tình trạng khó khăn, thiếu thốn đủ thứ lại bủa vậy các bệnh viện trong cả nước nghiêm trọng như lúc này. Đây là hệ quả của các sai phạm có tính hệ thống trong công tác đấu thầu thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị y tế đã xảy ra liên tiếp hai năm gần đây. Sự bất cập của các quy định đấu thầu, cũng như việc quy trách nhiệm không rõ ràng khiến các cơ sở khám chữa bệnh thà không làm còn hơn làm mà lại không rõ khi nào sẽ bị tuýt còi.
Tâm lý tiêu cực này chỉ có thể được khắc phục khi nhiều bài toán liên quan đến cơ chế được làm minh bạch. Để có thuốc men, sinh phẩm, trang thiết bị cho các cơ sở khám chữa bệnh, không chỉ mỗi một ngành Y tế phải vận động, mà đòi hỏi sự phối kết hợp của rất nhiều ngành khác, như Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công an. Chính vì vậy, Công điện lần này chỉ rõ trách nhiệm chính, và trách nhiệm hỗ trợ của từng bộ ngành, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, kéo dài thời gian giải quyết vấn đề hay “treo” vấn đề cần giải quyết.
Sự quyết liệt của Công điện còn thể hiện rất rõ ở nội dung yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh “kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền về các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu, cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế.”. Đây là một yêu cầu quan trọng vì thời gian qua, nhiều lãnh đạo bệnh viện chỉ thụ động chờ được hướng dẫn, mà không chủ động lập dự án đấu thầu, gặp khó không quyết liệt yêu cầu được hướng dẫn, hỗ trợ, vì sợ bị quy chụp trách nhiệm. Do thuốc men không được bổ sung, trang thiết bị không được sửa chữa kịp thời kéo dài, tất yếu dẫn đến khiến tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế, càng ngày càng trở nên trầm trọng.
Lần này, Công điện yêu cầu nêu cao tinh thần hành động khẩn cấp, vướng mắc đến đâu, đưa giải pháp đến đấy, Không thể chậm trễ hơn được nữa, vì người dân đang phải chịu đựng đau đớn từng ngày, đặc biệt là bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo, bệnh nhân chuyển tuyến cần can thiệp bằng thuốc hoặc các biện pháp ngoại khoa khẩn cấp.
Còn hơn ba tuần nữa để chấm dứt tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế ở các cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước theo tinh thần Công điện 72/CĐ-TTg. Cuộc đua nước rút tìm đường vượt khó của các bệnh viện đã được khởi động. Tin rằng, lần này, với sự minh bạch về quyền và trách nhiệm của lãnh đạo bệnh viện, cùng sự chung tay quyết liệt của nhiều bộ ngành, công tác lập kế hoạch đấu thầu và đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế của các bệnh viện sẽ tiến hành suôn sẻ, kịp thời cứu lấy sức khỏe và tính mạng của người dân.
Phạm Khoa