+
Aa
-
like
comment

Cướp giật trên đường: Đừng chấp nhận ‘của đi thay người’

14/11/2020 07:31

Ngoài cướp giật, kẻ gây án còn kéo lê nạn nhân giữa đường phố nhằm chiếm đoạt tài sản đến cùng. Những hình ảnh cướp giật táo tợn luôn gây ám ảnh, sợ hãi, bàng hoàng.

Cướp giật trên đường: Đừng chấp nhận của đi thay người - Ảnh 1.
Một nghi can cướp giật tài sản bị công an đuổi theo khống chế bắt được trên địa bàn phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân, TP.HCM) – Ảnh: NGỌC KHẢI

Và mọi người lại trấn an nhau: “Thôi! Coi như của đi thay người vậy”.

Cách nay mấy hôm, trên đường tuần tra, tổ trinh sát hình sự đặc nhiệm Công an TP.HCM đã bắt một thanh niên đi xe máy áp sát, giật chiếc iPhone 11 của một cô gái đang chụp hình trên vỉa hè tại đường Điện Biên Phủ, quận 10 rồi tăng ga tẩu thoát.

Chiều 9-11, tại xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, camera an ninh nhà người dân ghi lại hình ảnh 2 tên cướp giật dây chuyền của một người phụ nữ. Nạn nhân bị kéo đi một đoạn trước khi té sấp mặt xuống đất. Tối cùng ngày tại ngã sáu – điểm giao nhau giữa đường Trần Phú và Lê Mao, TP Vinh, hai thanh niên đi xe máy áp sát hai cô gái rồi giật mạnh túi xách khiến hai cô gái ngã nhào xuống đường.

Cũng trong tuần qua, cư dân mạng bất bình về một vụ cướp giật táo tợn khác ở TP.HCM. Chị H. (18 tuổi) đang đi bộ, cầm điện thoại trên tay, một nam thanh niên lái xe máy từ phía sau giật điện thoại rồi vọt đi. H. đã dùng hai tay nắm vào đuôi xe máy và bị kéo lê khoảng 500m trên đường đến khi H. buông tay rồi văng ra ngoài, kẻ cướp liền rồ ga và tẩu thoát.

Những vụ việc cướp giật trên đường diễn ra liên tục gần đây cho thấy kẻ gian hành động liều lĩnh và công khai. Và cũng thấy cả sự thiếu cảnh giác khi ra đường, hời hợt khi mang theo trang sức, điện thoại, túi xách. Một nguyên nhân khác là do kẻ gây án có sử dụng chất kích thích nên ra tay tàn nhẫn; nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều trường hợp sau khi bị cướp giật, nạn nhân va đập mạnh với mặt đất khiến chấn thương vùng đầu hay dẫn đến thương vong.

Kẻ gian gây án do sự ảnh hưởng văn hóa bạo lực trên phim ảnh, trò chơi điện tử cũng có, người có liên quan đến ma túy, thậm chí có tiền án về tội mua bán trái phép chất ma túy, từng trộm cắp tài sản. Ai cũng sợ nhưng rồi lại an ủi, trấn an nạn nhân bằng câu quen thuộc: “Thôi thì của đi thay người vậy!”. Nhiều người từng bị cướp giật cũng tự an ủi mình theo cách này, không ít trường hợp không trình báo.

Ai cũng nghĩ của cải mất đi có thể mua lại được, nhưng tính mạng thì không. Nếu xét đến mức độ nghiêm trọng từ những vụ cướp giật gần đây, nếu vẫn nghĩ là xui rủi tức là để yên khi kẻ gian ngày càng manh động. Có những vụ án cướp giật khi kẻ gian bị bắt, qua lời khai mới biết kẻ cướp từng thực hiện hàng chục vụ và cơ quan công an phải thông tin tìm nạn nhân. Cướp được một lần sẽ cướp được lần sau. Cướp những vật có giá trị thấp rồi đến những thứ có giá trị rất cao với sự vô cảm và mức độ táo bạo hơn lần trước.

Tự bảo vệ mình

Giữ an toàn người và tài sản khi đi trên đường cần sự quyết liệt của cơ quan chức năng, nhưng mỗi người cần nâng cao cảnh giác để tự bảo vệ chính mình và tài sản của mình. Chẳng hạn như không hớ hênh tài sản trên người hoặc không treo hờ hững trên xe, không nên dừng xe ban đêm ở khu vực vắng người qua lại. Nếu không may bị nạn, có thể truy hô, cung cấp thông tin nhân dạng, biển số xe của kẻ gây án để phục vụ công tác điều tra cũng là cách góp phần giữ yên cho cộng đồng.

Lắp đặt thêm camera an ninh, có đường dây nóng tại các địa phương để gọi hỗ trợ khi cần thiết là điều cần làm, ít nhất cũng khiến kẻ gian chùn tay. Cướp giật rồi kéo lê nạn nhân trên đường là hành vi tàn nhẫn. Cần những hình thức xử phạt nghiêm minh đối với loại tội phạm thiếu nhân tính này.

Thiệt hại từ những vụ cướp giật, dù là của hay người cũng phải quyết liệt ngăn ngừa. Đừng xem như một chuyện rủi ro. Khống chế nạn cướp giật để giữ bình an xã hội cần góp tay của cả cộng đồng.

PHẠM HẢI MIÊN/TTO

Bài mới
Đọc nhiều