Cuộc sống người dân nhiều địa phương bị đảo lộn vì triều cường
Triều cường dâng cao khiến cuộc sống người dân ở TP Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Sóc Trăng, Tiền Giang bị đảo lộn hoàn toàn.
Cuộc sống người dân TP HCM bị đảo lộn vì triều cường
Triều cường lên cao khiến nhiều tuyến đường thuộc các quận, huyện vùng trũng tại TPHCM như: quận 2, quận 7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh,.. bị ngập nặng. Cuộc sống của người dân đảo lộn, việc buôn bán ế ẩm.
Như mọi năm, cứ vào tầm cuối tháng 9 thì TPHCM lại vào “mùa triều cường”, các vùng trũng thấp như quận 2, quận 7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh,.. bị ngập nặng. Trong đó có nhiều tuyến đường thường xuyên bị ngập sâu khiến cuộc sống của người dân đảo lộn, giao thông hỗn loạn.
Anh Trần Văn Vương, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng gần chân cầu Kênh Ngang số 3 (thuộc đường Mễ Cốc, phường 15, quận 8, TPHCM) cho biết, đây là đợt triều cường mạnh nhất từ đầu năm đến nay. Chiều ngày 29/9 một đoạn bờ bao bị vỡ khiến mực nước dâng cao đột ngột nên ngập hết đồ đạc, gia đình bị thiệt hại khoảng trên 50 triệu đồng do không kịp kê các vật liệu xây dựng như xi măng, bột bả,… lên cao.
“Từ đầu năm đến giờ đợt triều cường này là triều cường mạnh nhất. mực nước rất là lớn, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân. hàng quán đồ đạc trong nhà bị ngập hết ước tính thiệt hại năm bảy chục triệu”, anh Vương cho hay.
Còn tại đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè), Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (quận 7) cũng bị ngập nhiều đoạn do triều cường làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống mưu sinh của nhiều người dân. Anh Lê Văn Hiệp ngụ tại ấp 1 xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè cho biết, mấy ngày nay triều cường lên cao ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, con cái không đi học được.
“Ở đây tôi buôn bán, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày vậy đó, ngập như thế này có buôn bán được gì đâu nên mấy ngày nay cũng khó khăn. Xe chạy thì chết máy dắt bộ, hôm nay cho tụi nhỏ nghỉ học vì nước lớn như thế này cũng không đi được”, anh Hiệp nói.
Riêng tại Quận 2, đoạn đường Nguyễn Hoàng giao với đường Song Hành (thuộc phường An Phú) hay tại đường Nguyễn Văn Hưởng (phường Thảo Điền), từ khoảng 2h chiều đã bị ngập cục bộ do triều cường, các phương tiện đi lại khó khăn, nước tràn vào nhà khiến đồ đạc của người dân bị hư hỏng.
Chị Vũ Thị Liễu, ngụ tại phường Thảo Điền nói: “Chúng tôi phải che chắn kịp thời chứ không hỏng hết đồ đạc như tủ lạnh, máy giặt. mấy nhà bên cạnh trũng hơn nên bị hư hết ti vi, bàn ghế. Nước lên lớn khiến nhiều trẻ phải nghỉ học lắm”.
Bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, đây là đợt triều cường lớn nhất trong 3 năm trở lại đây. Từ thời điểm hiện tại đến cuối năm âm lịch, TPHCM sẽ đón thêm ít nhất 8 đợt triều cường nữa, trong đó sẽ có 3 đến 4 đợt thuộc tháng 9, 10 âm lịch sẽ gây ngập tại một số nơi như thời điểm hiện tại, gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân. Việc triều cường năm sau lớn hơn năm trước là do biến đổi khí hậu và con người khai thác mạch nước ngầm không theo quy hoạch.
Bà Lan nói: “Đợt triều cường lần này, chiều nay là đỉnh triều lớn nhất, chúng ta thấy cứ năm sau thì triều cường lớn hơn năm trước, ngoài những nguyên nhân về tự nhiên như triều cường thiên nhiên và gió chướng,… thì cũng do con người khai thác nước ngầm vô tội vạ làm cho sụt lún đất nền, chính vì vậy năm sau triều cường sẽ cao hơn năm trước”.
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, hôm nay 30/9, triều cường tại TP.HCM sẽ đạt đỉnh tại trạm Phú An là 1,75m, tại trạm Nhà Bè là 1,77m. Đến chiều cùng ngày, triều cường tại trạm Phú An là 1,71m, trạm Nhà Bè là 1,73m trên báo động III khoảng 0,23m. Mực nước trên báo động III sẽ duy trì hết ngày 03/10, đợt triều cường sẽ kéo dài đến hết ngày 4/10.
Tiền Giang: Nước tràn gây ngập, sạt lở trên diện rộng
Bờ Nam kênh Chợ Gạo tiếp tục xảy ra nhiều điểm sạt lở, triều cường làm ngập tuyến đường giao thông tràn vào nhà dân. Ngay đầu Vàm Kỳ Hôn thuộc xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo có nhiều điểm sạt lở “hàm ếch” đe dọa nhiều nhà ven sông. Tại các sông Ba Rài, sông Phú An (huyện Cai Lậy), sông Rạch Gầm, sông Phú Phong (huyện Châu Thành)… nước dâng cao làm sạt lở nhiều đoạn đê bao, nước xâm thực vào nhà và vườn cây ăn trái của người dân.
Đặc biệt, tại nhiều khu vực ven sông Tiền thuộc xã Tam Bình, Ngũ Hiệp, Tân Phong (huyện Cai Lậy) thủy triều tràn qua đê làm ngập úng vườn cây sầu riêng làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây.
Hiện nay, chính quyền và người dân vùng bị triều cường, sạt lở khẩn trương gia cố đê, khắc phục tạm thời sự cố do thủy triều gây ra.
Ông Ngô Tấn Lâm, nhà vườn xã Tam Bình, huyện Cai Lậy chia sẻ: “Năm nay nước lên đe dọa nhiều hoa màu. Chúng tôi phải chuẩn bị các phương án đối phó như việc tự đắp những bờ chắn bằng bao đất ngăn nước chảy vào”.
Các hộ dân ven sông Hậu của Trà Vinh bị thiệt hại nặng
Tại tỉnh Trà Vinh, triều cường dâng cao đột ngột, khiến diện tích cây ăn trái, ao cá và nhà dân tại nhiều xã ven sông Hậu gồm: Ninh Thới, Hòa Tân, An Phú Tân, Tam Ngãi thuộc Cầu Kè bị gập, thiệt hại nặng.
Trong đợt triều cường này, chỉ tính riêng xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè đã bị vỡ gần 20 đoạn đê bao ở các ấp An Bình, Hội An, An Lộc …với tổng chiều dài hơn 2km, làm gần 400 hécta vườn cây ăn trái, hàng trăm ao nuôi cá bị ngập trong biển nước. Triều cường còn gây ngập cục bộ và nhiều tuyến giao thông nông thôn bị sụp lún, gây khó khăn trong việc đi lại của người dân.
Ông Lê Quốc Thuận, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Tân cho biết: “Thật ra con nước này chưa bằng đỉnh lũ các năm trước, nhưng đỉnh triều dâng cao hết sức đột ngột. Từ đó những đoạn đê mà trước đây không bị tràn thì nay bị tràn toàn bộ. Mực nước dâng lên quá nhanh, gây ảnh hưởng năng suất cây ăn trái, các hộ nuôi thủy sản thì bị thiệt hại 100%, còn gia súc gia cầm cũng bị ảnh hưởng”.
Còn xã Ninh Thới và An Lộc, huyện Cầu Kè có trên 500 nhà dân bị ngập và hàng trăm hecta bưởi da xanh, sầu riêng đang cho trái bị ảnh hưởng nặng. Ước thiệt hại hơn 01 tỷ đồng.
Hiện ngành chức năng đang phối hợp với các địa phương bị ảnh hưởng tích cực huy động nguồn lực tại chỗ gia cố các điểm xung yếu; phân công lực lượng túc trực 24/24. Vì theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực, trên địa bàn Trà Vinh đỉnh triều còn tiếp tục dâng cao trong 2 ngày tới.
Sóc Trăng: Triều cường dâng cao gây thiệt hại nặng sản xuất nông nghiệp huyện Cù Lao Dung
Chiều tối ngày 29/9, triều cường dâng cao gây sạt lở một đoạn bờ bao của người dân ở ấp Nguyễn Công Minh B, xã An Thạnh Đông, chiều dài sạt lở khoảng 10m, sâu khoảng 3m, gây ngập, ảnh hưởng và đe dọa hơn 5ha diện tích đất nuôi tôm và trồng mía của người dân địa phương.
Anh Trương Văn Công, người dân có 2 ha ao nuôi tôm trong khu vực đoạn bờ bao bị sạt lở lo lắng, bên cạnh 4 ao nuôi tôm bị thiệt hại, hiện còn trên 10 ao nuôi tôm khác trong khu vực đang bị đe dọa, nếu không khắc phục kịp thời, khả năng triều cường dâng gây thiệt hại mức nặng nề hơn.
“Hiện nay thiệt hại tôm nuôi khoảng 400 triệu của anh em xung quanh. Nếu không khắc phục được chiều nay có thể thiệt hại tăng lên cả tỷ. Bây giờ anh em hùn tiền gia cố mà không biết đạt kết quả không”, anh Công cho hay.
Theo người dân địa phương, so với mỗi năm, triều cường năm nay lên nhanh và cao hơn những năm trước từ 10cm – 20cm. Nên dù trước đó đã chủ động gia cố bờ bao để ứng phó, song nhiều diện tích vẫn bị ảnh hưởng nặng.
Đứng nhìn hơn 3 công đất trồng ớt chuẩn bị thu hoạch bị nhấn chìm bởi triều cường, ông Đinh Văn Hiếu cùng ngụ xã An Thạnh Đông không khỏi xót xa. Ông Hiếu cho biết, ngoài diện tích trồng ớt, con nước dâng cao đợt này còn gây ngập 2 ao nuôi cá và tôm của gia đình, ước tổng thiệt hại hơn 100 triệu đồng.
“Ớt trồng đang phát triển tốt, còn cỡ 3 ngày nữa là thu hoạch, nhưng giờ nó bị úng hết rồi, ngập từ 3 hôm nay rồi. Tôm, cá thì trôi ra sông hết rồi”, anh Hiếu nói.
Theo ông Trần Thanh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung, đợt triều cường dâng lần này gây ảnh hưởng toàn huyện Cù Lao Dung. Theo thống kê ban đầu, có khoảng 40 đoạn bờ bao bị ngập và tràn, cùng nhiều tuyến lộ giao thông nông thôn… gây ngập nhiều nhà cửa, hoa màu và ao nuôi thủy sản của người dân địa phương.
“Những đoạn sạt lở, chính quyền địa phương đã tiến hành khắc phục tạm thời để làm sao giảm bớt tình hình thiệt hại cho bà con. Trên tinh thần đó thì phòng nông nghiệp đã chỉ đạo anh em trong phòng phối hợp cùng với xã rà soát lại tình hình triều cường trong thời gian vừa qua phối hợp với cùng với xã tuyên truyền vận động bà con làm thế nào để gia cố cũng như là khắc phục những đoạn bị tràn, bị sạt lở để làm giảm thiệt hại tình hình sản xuất cho bà con”, ông Tuấn cho hay.
Hiện nay, ngành chức năng huyện Cù Lao Dung đang tiếp tục thống kê các đoạn đê, bờ bao bị sạt lở, tràn ngập cùng các đoạn có nguy cơ bị vỡ để có biện pháp khắc phục kịp thời và ứng phó với các đợt triều cường sắp tới.
(Theo VOV)