Cuộc sống ‘nghẹt thở’ của một công nhân mất việc
Cầm trên tay 3 triệu đồng tiền lương rồi nghỉ việc, Hà bật khóc từ công ty về tới nhà. Đó là khoản thu nhập cố định duy nhất để cô đưa con đi chữa ung thư máu.
Chuyến xe đưa đón công nhân công ty giày da ở Thị xã Nghi Sơn (Thanh Hoá) dừng đầu làng Đồng Minh, xã Thanh Thủy 17h30 mỗi chiều. Đỗ Thị Hà đứng nhìn những đồng nghiệp bước xuống xe. Hà mất việc từ tháng 4. Hôm đó, quản lý tập hợp hơn 200 công nhân, giãi bày những ảnh hưởng của Covid. Công ty phải cắt giảm lao động, “mong công nhân hiểu và nếu ổn định, sẽ tuyển lại”. Hà phải giao lại thẻ công nhân, cầm 3 triệu tiền lương cho hai mươi ngày công và rời nhà máy. Cô mới vào công ty này hồi tháng 3, chưa được ký hợp đồng lao động, nằm trong nhóm công nhân bị cắt giảm đầu tiên.
Covid-19 đã khiến gần 900.000 lao động lâm vào cảnh thất nghiệp như Hà, 30 triệu người khác “bị ảnh hưởng tiêu cực” tới việc làm, giảm sâu thu nhập.
“Kiếm đâu ra tiền hàng tháng đưa con đi viện”, câu hỏi luẩn quẩn trong đầu nữ công nhân. Một ngày sau mất việc, Hà đi khắp khu công nghiệp tìm công việc mới, nhưng không có kết quả. Cô rời bỏ ruộng đồng, đi làm công nhân từ năm 2017. Những tháng lương công nhân là món tiền duy nhất người mẹ 30 tuổi trông cậy, để hàng tháng đưa con trai cả Phùng Nhật Minh đi bệnh viện. Cậu bé 11 tuổi phát hiện ung thư máu bảy năm nay, điều trị ngoại trú tại Viện huyết học truyền máu Trung ương.
Chiều hôm trước khi vợ mang con ra Hà Nội tái khám, anh Phùng Minh Tú vét nốt số tôm trong ao, bán được 700 nghìn, góp tiền cho vợ đưa con đi viện. Mười bảy năm bốc vác, phụ hồ, bóc hạt điều, lái xe tải, người đàn ông có vẻ ngoài già hơn tuổi 32.
Năm 2016, anh va quệt giao thông làm chết người, vướng lao lý cùng khoản bồi thường gần 200 triệu đồng. Sự kiệt quệ khiến anh sợ hãi bỏ nghề lái xe tải chở cát công trình. Tháng 8/2019, Tú vay ngân hàng 50 triệu, thuê ao nuôi tôm thẻ chân trắng và cá nước ngọt. Đồng Minh quê anh là vùng đất cuối kênh đào, nơi cạn nước mùa khô, cũng là rốn nước mùa mưa bão. Trồng lúa không đạt năng suất một tạ trên sào. Vùng đất này chưa đón một trận mưa nào suốt tháng qua, ruộng đồng nứt nẻ, những vuông tôm cạn nước dần. Hai lần anh Tú thả con giống, một tháng sau tôm chết ngửa trắng bụng.
Cha chồng của Hà bị tai biến đã sáu năm, phần lớn sinh hoạt của ông do cô đảm nhận. Mẹ chồng cô bị ung thư gan, đã qua đời vào hai năm trước.
Bữa cơm tối lúc 20h của một nhà bốn người và ba đứa cháu, trên vuông sân vốn là phòng khách.
Cuối năm 2013, Nhật Minh 4 tuổi trải qua những đợt điều trị ung thư máu đầu tiên, sức khoẻ yếu dần. Vợ chồng Hà khi đó vẫn ở chung với gia đình anh trai. Tú bàn với vợ, vay mượn cất một mái nhà cấp bốn bên cạnh, “thằng bé có mệnh hệ gì, còn có nơi để”. Căn nhà bảy năm chưa xây trát, chưa có phòng khách, hiện có một buồng ngủ, công trình phụ như bếp, nhà vệ sinh.
Vợ chồng xếp các loại giấy tờ chuẩn bị đưa con đi tái khám. Tú dúi vào tay Hà một tờ giấy gấp đôi, bên trong có 4,2 triệu đồng lộ phí. Khoản tiền 1,5 triệu tiết kiệm, 700 nghìn bán tôm và 2 triệu đi vay của anh trai.
Nhật Minh chống chọi với bệnh đã bảy năm. Cậu bé chuẩn bị lên lớp Năm, chậm so với bạn bè vì học hai lần lớp Một. “Vợ chồng không mong con giỏi giang như con nhà người ta, chỉ cần nó khỏe mạnh, đến trường chơi vui vẻ với bạn bè là tốt rồi”, Tú nói.
Hà hay thở dài, nghĩ về những biến cố ồ ạt ập đến. Căn bệnh của Nhật Minh khiến lòng cô canh cánh về cậu con trai thứ Phùng Minh Thắng. Thằng bé 5 tuổi thi thoảng sốt cao, chân tay đau không có lý do – những biểu hiện năm xưa cậu anh từng gặp trước khi phát hiện bệnh. Hà muốn đưa con nhỏ đi xét nghiệm, nhưng đang phải dồn điều trị cho con lớn.
Hà đang mang bầu hơn bốn tháng. Đứa con thứ ba đến khi khốn khó bủa vây tứ bề, nhưng nghĩ về căn bệnh của Nhật Minh, cô lại an ủi mình “có con là có thêm hy vọng”.
1h30 sáng 22/7, Tú đưa vợ ra đầu quốc lộ cách nhà 6 km, bắt xe đi Hà Nội.
Mẹ con có mặt ở Viện Huyết học Truyền máu Trung ương lúc 5h. Hà nhận số thứ tự, đợi đến 6h30 bệnh viện làm việc. Nhật Minh gà gật trên vai mẹ ngủ tiếp.
Nhật Minh lấy máu xét nghiệm, theo dõi các chỉ số trong máu. Bảy năm, cậu bé đi khắp bệnh viện từ Nam ra Bắc, di cư theo công việc của bố mẹ. Minh hiện điều trị ngoại trú, cách 1 – 2 tháng ra Hà Nội kiểm tra một lần.
Minh được chẩn đoán hồng cầu nhỏ, biểu hiện của tan máu bẩm sinh, khả năng do di truyền. Bác sĩ khuyến cáo Hà nếu muốn sinh thêm con thì phải xét nghiệm sàng lọc. Biết tin Hà mang bầu, bác sĩ yêu cầu cô lấy máu xét nghiệm ngay. Hà nhận kết quả chiều 23/7, gần một ngày sau xét nghiệm: hồng cầu bình thường, nhưng nghi nhiễm giun sán. Bác sĩ đề nghị cô khám làm xét nghiệm tìm ký sinh trùng.
Sau một hồi đắn đo, mẹ con Hà quyết định rời bệnh viện lúc 17h để kịp bắt chuyến xe về quê.
Hà muốn nhanh tìm một công việc mới, tích cóp tiền, chuẩn bị cho lần tái khám vào tháng 9. Cô sẽ bàn với chồng, đưa cả nhà đi xét nghiệm, trong lần tái khám của Nhật Minh sau hai tháng nữa.
Thanh Huế – Hoàng Phương/VNE