+
Aa
-
like
comment

Cuộc sống khốn khó của người lao động thu nhập thấp ở Anh

Bảo Trâm - 16/01/2023 15:07

Không có điện và gas sinh hoạt – gần 400.000 người lao động có thu nhập thấp tại Anh đang phải sống trong tình cảnh này vì họ không thể kiếm đủ tiền để trang trải các hóa đơn nhiên liệu.

Giảng viên của 60 trường đại học ở Anh biểu tình

Báo cáo của Cục Thư báo công dân (CAB) cho biết, có gần 140.000 hộ gia đình ở Anh không đủ khả năng tài chính để thanh toán các hóa đơn tiền điện và gas hàng tháng, đồng nghĩa với việc họ không có điện và gas sinh hoạt. Thực tế này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống các hộ gia đình, đặc biệt là các em nhỏ và những người có vấn đề về sức khỏe.

Kết quả khảo sát của CAB cho thấy sinh hoạt trong tình trạng không có điện, không có hệ thống sưởi ấm trong thời tiết lạnh giá đã gây ra những tác động xấu cả về thể chất cũng như tinh thần cho người dân.

Có 60% người cho biết họ phải cố xoay xở trong ngôi nhà giá lạnh của mình, trong khi có 43% cho biết họ sống trong cảnh không đèn. Hơn 30% người thừa nhận họ không thể vệ sinh cá nhân, trong khi có 17% cho biết họ cảm thấy lo lắng, bức bối và tuyệt vọng.

CAB kêu gọi các cơ quan chức năng của Anh có các biện pháp hỗ trợ cần thiết và kịp thời đối với các hộ gia đình đã, đang thuộc diện này và những hộ có nguy cơ rơi vào cảnh khốn khó nói trên để giảm thiểu những nguy cơ cũng như các tác hại. Tuy nhiên, đến nay Chính phủ vẫn chưa có lời hồi âm nào. Đây cũng là lí do khiến các cuộc biểu tình, đình công diễn ra khắp nơi trên nước Anh thời gian qua.

Trước đó, Quỹ Lương tối thiểu (LWF) công bố kết quả khảo sát cho thấy những gia đình lao động nghèo nhất ở Anh đang vật lộn kiếm từng bữa ăn. Khoảng 37% cha mẹ trong các gia đình lao động có thu nhập thấp thường xuyên nhịn đói không có tiền và gần một nửa thu nhập của họ dùng để chi trả các hóa đơn sinh hoạt tối thiểu. Ngoài ra, có hơn 20% các gia đình trong số đó phải vay nặng lãi trả theo ngày để có tiền mua nhu yếu phẩm.

Nhiều nhà kinh tế nhận định, Anh đang phải đối mặt với “cuộc suy thoái sâu hơn và kéo dài hơn” so với bất kỳ quốc gia nào trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Những thông tin trên phần nào phản ánh cuộc sống khó khăn của một bộ phận người lao động Anh trong bối cảnh tỷ lệ lương tăng thấp hơn tỷ lệ lạm phát, buộc người lao động phải giảm chi tiêu. Xu hướng chi tiêu của các hộ gia đình trong năm nay được cho là không có cải thiện. Đó là chưa kể đến tình hình suy thoái còn đang nhấn chìm nước Anh trong năm 2023 tới.

Theo số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS), thu nhập khả dụng thực tế của các gia đình giảm 0,5% trong quý III/2022, là mức giảm thứ tư liên tiếp; chi tiêu hộ gia đình giảm 1,1%.

Thống kê từ Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Anh cho thấy, khoảng 85% người dân đã phải cắt giảm chi tiêu cho thực phẩm, trong khi tỷ lệ tiết kiệm ngoài lương hưu trong quý III/2022 tăng 1,8% so với mức 1,3% của quý liền trước. Ước tính, 20% trong tổng số 2,5 triệu gia đình thu nhập thấp không thể chi trả hóa đơn thực phẩm và nhiên liệu sưởi ấm trong mùa Đông.

Lạm phát ở Anh tăng cao nhất 41 năm

“Nước Anh đang gánh chịu cú sốc năng lượng tồi tệ như ở châu Âu, tỷ lệ lạm phát tồi tệ như ở Mỹ, đồng thời nước này còn đối mặt với vấn đề thiếu nguồn cung lao động sau Brexit và cuộc khủng hoảng y tế”, giáo sư Ricardo Reis tại Trường Kinh tế London nhận xét.

Nhà kinh tế học John Philpott, chuyên phân tích thị trường lao động độc lập nhận định: “Suy thoái kinh tế năm 2023 sẽ tồi tệ hơn nhiều so với tác động kinh tế của đại dịch Covid-19”.

Lực lượng lao động tại Anh thu hẹp đáng kể từ năm 2019 đến nay, gây thiệt hại cho các dịch vụ công. Riêng lực lượng lao động làm việc trong các lĩnh vực an sinh xã hội đã giảm 50.000 người trong năm 2022, do bất đồng về tiền lương và vấn đề sức khỏe, ghi dấu lần giảm đầu tiên trong một thập kỷ.

Hầu hết các nhà kinh tế cho rằng, nước Anh sẽ tiếp tục tụt hậu vì một số sai lầm trong chính sách tài khóa (cắt giảm thuế lớn, nhưng lợi ích chủ yếu dành cho các bộ phận người dân giàu có), khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn như năng suất kém, đầu tư kinh doanh yếu, dịch vụ công bị bỏ bê. Bên cạnh đó, thương mại bị ảnh hưởng do Brexit gây ra vẫn là lực cản đối với tăng trưởng kinh tế Anh trong năm nay.

Bảo Trâm

Bài mới
Đọc nhiều