Từ 0h ngày 13-3, Bình Thuận đã cách ly 2 tuyến đường để phòng chống dịch COVID-19 gồm: Hoàng Văn Thụ (đoạn từ số nhà 38 đến số nhà 48) và đường Ngô Sĩ Liên (đoạn từ số nhà 109 đến ngã ba giao nhau với đường Ngư Ông). Theo thông tin từ UBND phường Đức Thắng, TP Phan Thiết, hiện tuyến cách ly này đang có 25 hộ dân với 87 người sinh sống
Hai tuyến đường cách ly này có hai căn nhà của 4 bệnh nhân nhiễm dịch bệnh COVID-19. Từ khi phát hiện những trường hợp dương tính này, mỗi ngày lực lượng y tế đều thực hiện việc xịt thuốc khử trùng 2 lần
Song song việc xịt khử trùng, tất cả những người dân trong tuyến đường cách ly đều được đo thân nhiệt để kịp thời phát hiện những biến chứng biểu hiện của việc nhiễm bệnh
Các dụng cụ y tế khác như chai xịt rửa tay kháng khuẩn, khẩu trang… cũng được UBND phường Đức Thắng hỗ trợ đến người dân
Từng là khu vực sầm uất vì nằm sát khu vực buôn bán, con đường Hoàng Văn Thụ vắng tênh khi việc cách ly được thực hiện nghiêm ngặt. Các ngóc ngách có thể thông ra bên ngoài đều được lực lượng chức năng bố trí canh trực 24/24h nhằm tránh tình trạng người dân trong khu cách ly tự ý ra ngoài
Yêu cầu tiên quyết của việc cách ly là để bà con không thiếu các nhu yếu phẩm. Sáng 14-3, UBND phường Đức Thắng đã tiếp tục vận động nhiều nguồn để có gạo đủ phân phát cho các hộ dân trong tuyến dịch
Còn ngày trước đó, mỗi hộ gia đình cũng được hỗ trợ rất nhiều mì gói và thịt để có thể an tâm cách ly
Chưa kể, người dân trong khu cách ly được phát phiếu để có thể thoải mái liên hệ mua ngay những thứ nhu yếu phẩm đang cần. UBND phường Đức Thắng sẽ thực hiện trả số kinh phí đã được đặt mua
Đầy đủ mọi nhu yếu phẩm, người dân chỉ còn đối mặt duy nhất là… nỗi buồn
“Sáng nào tui cũng đi bộ mấy cây số hết trơn, mà hai sáng nay mấy ảnh ngăn lại không cho đi, chẳng biết làm gì”, cụ Hoàng Văn Chư, 90 tuổi, đứng trong cổng nhà gọi người “nói chuyện cho vui” khi thấy chúng tôi đi ngang
Đóng cửa hoài cũng ngột ngạt, bà Lê Thị Gái cùng cháu thi thoảng mở cửa trông ra đường cho đỡ buồn. “Cũng đầy đủ hết rồi. Mì tôm, nước, thịt cũng được cho. Chỉ có mất tự do thôi” – bà Gái nói
Hơn cả nỗi buồn, vợ chồng ông Nguyễn Cường sống dựa vào xe hủ tiếu buôn bán hằng ngày, nay phải xếp xó.
Ông Nguyễn Thọ, nhà ngay đầu tuyến đường cách ly, thì có nỗi buồn “nhẹ nhàng” hơn. Vốn quen chạy xe ôm đây đó, có chút đỉnh tiền xài. Nay ông chỉ có thể bắc ghế ra trước nhà ngồi nhìn người ta qua lại ngay trước mặt cho… đỡ buồn. “Cầu trời cho dịch qua mau, chứ ngồi không thế này rồi cũng đổ bệnh”, ông Thọ nói
Sơn Lâm/ TTO