Cuộc sàng lọc tự nhiên tàn khốc cho các doanh nghiệp
Bốn tháng đầu năm, cả nước có 86,4 nghìn doanh nghiệp rút lui; 81,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới, quay trở lại hoạt động. Khó khăn dường như vẫn đang hiện hữu…
“Gục ngã” sau thời kỳ khó khăn nhất
Trong 4 tháng đầu năm 2024, trung bình, mỗi tháng có 21,6 nghìn doanh nghiệp dừng hoạt động, cao gấp hơn 2 lần thời điểm 2021. Theo khu vực kinh tế, doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (2.458 doanh nghiệp), công nghiệp chế biến, chế tạo (702 doanh nghiệp), xây dựng (480 doanh nghiệp), và kinh doanh bất động sản (410 doanh nghiệp).
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cũng cho thấy, Việt Nam có gần 920.000 doanh nghiệp đang hoạt động, gần 98% doanh nghiệp thuộc nhóm siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Doanh nghiệp chưa kịp phục hồi hoàn toàn sau COVID-19, lại tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức do tác động của các bất ổn kinh tế, địa, chính trị thế giới.
Nhận định của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) trong báo cáo Thủ tướng về tình hình doanh nghiệp chỉ ra, doanh nghiệp đối diện với 5 khó khăn chính gồm: đơn hàng, dòng tiền, thực hiện các thủ tục hành chính và đáp ứng quy định pháp luật, nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế, tiếp cận vốn vay. Chính phủ cần có chính sách, kế hoạch thực hiện cụ thể để vực dậy các doanh nghiệp đang “chết lâm sàng” mà không thể làm thủ tục ngừng kinh doanh hoặc giải thể. Dù khó khăn vẫn tiếp diễn, nhưng khảo sát về triển vọng vĩ mô, tiếp cận vốn, thị trường, đánh giá hiệu quả hỗ trợ niềm tin của doanh nghiệp đã quay trở lại.
Thay đổi tư duy hỗ trợ doanh nghiệp
Quý I/2024, vốn đầu tư thực hiện từ khu vực tư nhân chỉ tăng 4,2%, bằng một nửa so với trung bình các năm trước. Trong khi đó, theo thống kê, đầu tư tư nhân lại chiếm 55 – 60% tổng đầu tư toàn xã hội. Chuyên gia cho rằng, sự “lép vế” từ khu vực tư nhân, cuộc sàng lọc tự nhiên chưa dừng lại trong khu vực doanh nghiệp cho thấy một số tín hiệu báo động,
TS. Nguyễn Đình Cung nhận định, đầu tư tư nhân vẫn chưa phục hồi trở lại, tăng trưởng chỉ bằng 30-50% trước đây. “Năm ngoái 1,3 doanh nghiệp gia nhập thị trường, thì có 1 doanh nghiệp rút lui. Sang tới năm nay, số liệu cho thấy, 1 doanh nghiệp gia nhập thị trường nhưng có tới 2 doanh nghiệp rút lui. Trong khi đó, trước đây, 4 doanh nghiệp gia nhập, mới có 1 doanh nghiệp bị đào thải. Số lượng doanh nghiệp rút lui cao ở hầu hết các ngành”, ông Cung phân tích và cho rằng, tình trạng này đặt ra nhiều vấn đề về sự ổn định và động lực phát triển của doanh nghiệp, cũng như cả nền kinh tế trong tương lai.
TS Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng bày tỏ lo ngại, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ vô cùng khó khăn, do yêu cầu tiên quyết là tài sản đảm bảo. Dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 4 lần hạ lãi suất cơ bản và mặt bằng lãi suất huy động giảm nhanh, song lãi suất cho vay vẫn khá cao.
Chính sách hỗ trợ 2% lãi suất vừa qua chưa phát huy được hiệu quả. Để gỡ khó cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, ông Hòe đề nghị sử dụng 20.000 tỷ đồng từ gói lãi suất 40.000 tỷ đồng (gói hỗ trợ bù lãi suất 2%) không giải ngân được để thành lập Quỹ bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bảo Trâm