+
Aa
-
like
comment

Cuộc nói chuyện ‘Sự trỗi dậy của Trung Quốc’ còn mang nặng tư tưởng nhà Hán?

Nam Phong - 20/09/2019 15:19

Hôm qua 19/9, cuộc nói chuyện chuyên đề: ‘Sự trỗi dậy của Trung Quốc’, do Khoa quan hệ quốc tế Trường Đại học Khoa học, xã hội và nhân văn TP.HCM tổ chức, quy tụ nhiều học giả và giới nghiên cứu quan tâm chủ đề này như Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng, Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương – tác giả quyển sách “Bàn về Trung Quốc trỗi dậy”, Tiến sĩ Bùi Hải Đăng – Trưởng khoa quan hệ quốc tế tham gia và phát biểu.

Có nhiều ý kiến của các học giả đưa ra rất xác đáng, nhưng tôi lại thấy có 1 số vấn đề liên quan đến góc nhìn mà theo tôi là còn mang nặng tư tưởng nhồi sọ của lịch sử nhà Hán.

Tôi đồng ý với Tiến sĩ Bùi Hải Đăng rằng trong tình hình hiện nay, mọi sự chuyển biến, thay đổi và các vấn đề liên quan đến Trung Quốc đều tạo nên sự tác động mạnh mẽ có quy mô toàn cầu. Tôi cũng đồng ý trong mối quan hệ địa chính trị đặc biệt của Việt Nam và Trung Quốc, việc nghiên cứu tìm hiểu lẫn nhau là rất cần thiết.

Tuy nhiên, với ghi nhận của Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng cho rằng từ mạng xã hội và nhiều nguồn khác nữa, “tôi cảm nhận hình như có một diễn ngôn là chống Trung Quốc, chống bất cứ thứ gì của Trung Quốc” thì không hoàn toàn đúng.

Tại sao ư? Thực tế là có quá nhiều điều xấu xa mà Trung Quốc đang gây ra cho đất nước Việt Nam ta từ trên biển lẫn đất liền, từ kinh tế đến chính trị, từ đối nội đến đối ngoại, từ văn hóa đến quân sự, từ nông thôn đến thành thị, từ trung ương đến địa phương, có thể nói là mọi ngóc ngách đời sống xã hội của đất nước ta đều dễ nhìn thấy sự chèn ép, ngang ngược, vô lý, nguy hiểm mà Trung Quốc đã gây ra cho chúng ta. Đó là chưa kể đến hàng ngàn bài học trong suốt chiều dài lịch sử đất nước mà cha ông ta phải trả bằng xương máu mới có được ngày hôm nay.

Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng
Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng

Thưa Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng, cần phải nhìn nhận đúng đắn rằng, không phải bất cứ thứ gì thuộc Trung Quốc, chúng ta cũng chống! Thực tế đã chứng minh, nhiều người dân chúng ta vẫn đang xem phim tàu, nhiều người dân vẫn học hỏi những điều hay của Nho giáo, Đạo giáo, vẫn sang Trung Quốc du lịch và làm ăn, vẫn ăn những món ăn ngon của Trung Quốc,….

Còn chúng ta chống cái gì? Người dân chúng ta chỉ chống những hành vi ngang ngược của nhà cầm quyền Trung Quốc, đã xâm phạm đến quyền lợi, lợi ích chính đáng và an ninh, chủ quyền quốc gia Việt Nam. Chống các hành vi phá hoại, chèn ép, vô lý của Trung Quốc đang xảy ra hàng ngày hàng giờ trên đất nước Việt Nam. Nó xảy ra nhiều đến nỗi ngài Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng tưởng chừng như “chống bất cứ thứ gì của Trung Quốc”.

Vâng tôi cũng đồng ý với quan điểm của Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng là “Trung Quốc vẫn có nhiều thứ để ta nghiên cứu”. Nhưng trước khi nghĩ đến điều này thì xin hỏi là có bao giờ các ngài tổ chức cuộc nói chuyện về đề tài “Việt Nam vẫn có nhiều thứ để nghiên cứu” chưa? Khi mà thanh niên Việt Nam thuộc lịch sử Trung Quốc hơn lịch sử Việt Nam?

Thưa Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng, tôi đồng ý với ngài về thực trạng là các nhà nghiên cứu bị hạn chế về tư liệu và cần cẩn trọng trong trao đổi và kết luận về vấn đề nào đó. Nhưng tôi không đồng ý quan điểm của Tiến sĩ cho rằng, nên phân biệt hai thái độ rõ ràng: Thái độ của nhân dân đối với Trung Quốc; và thái độ của cộng đồng học thuật đối với Trung Quốc. Vì điều này là sai lầm! Tôi khẳng định là rất sai lầm!

Tiến sĩ đã quá coi thường sức mạnh, kiến thức của nhân dân, nên nhớ rằng chính các học giả, cộng đồng học thuật cũng từ nhân dân mà ra đấy! Đã rất nhiều người dân còn lưu giữ các sách cổ, tài liệu cổ, các thư tịch cổ có giá trị nghiên cứu lịch sử đấy thưa Tiến sĩ. Các vị vua nhà Trần vì thiếu tài liệu nghiên cứu để là ra các bộ sử, nên đã kêu gọi nhân dân hiến cho triều đình nhà Trần và các sử thần rất nhiều tài liệu qúy giá để làm nên các bộ sử cho quốc gia đấy!

Vì sao lại phân biệt thái độ của nhân dân ta với thái độ của cộng đồng học thuật đối với Trung Quốc chứ? Thái độ của nhân dân ta đối với Trung Quốc đâu phải tự nhiên mà có, nó được kinh qua, tôi luyện, va đập và trả giá khắp mọi mặt của cuộc sống, trong suốt chiều dài lịch sử. Đâu đâu cũng có tai mắt của nhân dân, đâu đâu cũng có máu và nước mắt của nhân dân đã đổ xuống!  Cộng đồng học thuật, đại diện cho giới tinh hoa có đầy đủ được những thứ này không thưa Tiến sĩ Dũng ?

Đó là chưa kể những gì hình thành nên thái độ của nhân dân ta ngày nay là những minh chứng sống động nhất, trung thực nhất, đầy đủ nhất, hơn bất cứ mớ tài liệu nghiên cứu sách vở nào trên bàn của cộng đồng học thuật, chứ không phải là thứ mà Tiến sĩ cho là suy đoán.

Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương (trái) chia sẻ về sự trỗi dậy của Trung Quốc sáng 19-9 - Ảnh: L.Điền
Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương (trái) chia sẻ về sự trỗi dậy của Trung Quốc sáng 19-9 – Ảnh: L.Điền

Ngài Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương đã chia sẻ đồng cảm với Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng về mối quan hệ với Trung Quốc. Vâng thưa Tiến sĩ Trương, tôi đồng ý với Tiến sĩ quan điểm “không phải đến bây giờ chúng ta mới bắt đầu chuẩn bị cho câu hỏi: Khi Trung Quốc vươn lên nhất thế giới thì ta làm gì?”, nhưng Tiến sĩ dựa vào đâu mà nói “vào thời Đường, tổng sản lượng Trung Quốc chiếm 58% thế giới; thời Tống, tổng sản lượng Trung Quốc chiếm đến 80% tổng sản lượng của thế giới”? Nếu Tiến sĩ chỉ dựa vào các tài liệu thống kê lịch sử của Trung Quốc cổ đại thì quá sai lầm!

Tiến sĩ có sống thời điểm đó để biết trên cái quả đất với 5 châu lục rộng mênh mông này thì Trung Quốc cổ đại lúc đó chỉ là 1 đốm nhỏ trên địa cầu này không? Các số liệu thống kê lúc đó của phần còn lại của thế giới này (lớn rất nhiều lần Trung Quốc cổ đại) Tiến sĩ đã thống kê chưa? Cả Châu Mỹ cổ đại với chủ nhân là người Anh Điêng da đỏ, cả Châu Phi cổ đại, cái nôi của loài người, cả Ấn Độ cổ Đại, Trung Đông, Trung Á, Châu Âu cổ đại, Châu Đại Dương cổ đại,…… Tiến sĩ đã thống kê chưa? Chắc rằng Tiến sĩ làm gì có số liệu mà thống kê!

Chả thế, mấy ông Vua cai quản diện tích Trung Quốc cổ đại chỉ là một góc Đông Á, rất nhỏ so với lục địa châu Á chứ chưa nói toàn cầu, vậy mà dám cả gan tự nhận là Thiên tử (con trời), còn dân Trung Quốc gọi là Thiên hạ (dưới trời). Thế thì các ông vua chúa cai quản đất đai khắp toàn quả địa cầu, 5 châu 4 bể, lớn hơn hàng mấy chục lần Trung Quốc thì gọi là gì ? Bớt dùng lịch sử Trung Quốc đi mà hãy dùng tư duy logic để phân tích thưa Tiến sĩ !

Vâng tôi đồng ý với Tiến sĩ Dũng là cần phải khảo sát, tìm hiểu kỹ Trung Quốc và xem sự trỗi dậy của Trung Quốc có những yếu tố đe dọa đến an ninh và chủ quyền lãnh thổ. Nhưng Tiến sĩ Dũng mong sinh viên đi theo hướng của tiến sĩ Lê Vĩnh Trương đã vạch ra mà chỉ dựa vào số liệu phần lớn nguồn gốc từ Trung Quốc thì e rằng sinh viên Việt Nam lại đi vào lối mòn mù quáng chỉ biết có lịch sử Trung Quốc mà không mở rộng tầm nhìn ra thế giới bao la ngoài kia.

Cuối cùng Tiến Sĩ Dũng phát biểu xanh rờn rằng “Tôi thích một câu tiếng Anh mà tôi nghĩ có khi bắt nguồn từ Trung Quốc: cần phải ôm thật chặt người bạn thân của mình, nhưng ôm kẻ thù chặt hơn”

Chưa bàn về ý nghĩa câu nói đó nhưng ngài Tiến sĩ lại cho rằng câu tiếng Anh đó bắt nguồn từ Trung Quốc thì ngài dựa vào đâu mà khẳng định như vậy? Ngài có quá khinh thường các dân tộc khác trên thế giới? Chẳng lẽ họ không biết đúc kết các triết lý cuộc sống? Chẳng lẽ chỉ người Trung Quốc mới đúc kết các triết lý đó?. Hay ngài chỉ biết thế giới này chỉ có Trung Quốc, giống như gần đây mấy ông học giả Trung Quốc tự nhận vơ vào rằng, Tiếng Anh bắt nguồn từ Tiếng Trung Quốc?

Nam Phong

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều