+
Aa
-
like
comment

Cuộc ly khai ở Ukraine đang phủ mây đen lên nền kinh tế toàn cầu

Huy Hoàng - 29/09/2022 16:18

Sự xung đột dữ dội về mặt chính trị lại một lần nữa bùng lên ở “lục địa già” châu Âu, khi 4 vùng ly khai khỏi Ukraine (tương đương với 15% lãnh thổ Ukraine) tuyên bố sẽ sáp nhập vào Liên Bang Nga. Những gì đang và sắp diễn ra tiếp theo ở châu Âu tới đây, sẽ một lần nữa càn quét đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu…

4 tỉnh miền Đông Ukraine trưng cầu ý dân về việc sáp nhập Nga

Mâu thuẫn ở “lục địa già” ngày một sâu sắc

Trải qua hơn 6 tháng xung đột, kinh tế thế giới đang đi lại quỹ đạo phục hồi, chuỗi cung ứng đang dần được nối lại. Thế nhưng, mớ “hỗn độn” ở châu Âu sẽ làm chuỗi cung ứng mất thêm nhiều thời gian nữa mới có thể trở lại bình thường. Do các doanh nghiệp phải huy động nguồn lực để dịch chuyển nguồn cung từ Nga, Ukraine, EU sang các khu vực khác để hạn chế bất ổn. Thậm chí, có khi là đứt gãy cung cầu vĩnh viễn ở một số ngành hàng, do các lệnh trừng phạt hà khắc và đan xen nhau, áp lên không chỉ ở Nga mà còn đối với nhiều nước có ý định ủng hộ Nga. Gần như không ai có thể đoán được sự ảnh hưởng của nó sẽ lan đến đâu, khi ngày một nhiều quốc gia công khai đối đầu nhau.

Tâm điểm vẫn là ở Mỹ, tốc độ phục hồi chuỗi cung ứng càng chậm, đồng nghĩa lạm phát ở Mỹ càng dai dẳng lâu hơn dự kiến. Các nhà phân tích dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ sẽ chạm mức 2% vào năm 2024, thế nhưng nếu chiến sự ở Nga cứ leo thang, liệu dự báo đó có còn khả thi?

Nếu chuỗi cung ứng không kịp phục hồi ở Mỹ, sẽ dẫn tới sự thắt chặt quá tay của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), áp lực lên tỷ giá của các nước sẽ tiếp tục tăng. Khi đó thì không chỉ còn là suy thoái, khủng hoảng về kinh tế sẽ xuất hiện ở nhiều quốc gia. Nhiều nước sẽ vỡ nợ do không đủ ngoại hối, sản xuất đình trệ, nhu cầu sụt giảm, thất nghiệp leo thang… và tác động đa chiều đến Việt Nam.

Khủng hoảng kinh tế có xảy ra hay không sẽ còn phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của chuỗi cung ứng hiện nay, leo thang căng thẳng ở Ukraine có hạ nhiệt hay FED có nhẹ tay đi bớt hay không. Với Việt Nam, dù GDP quý 3 đã tăng trưởng vượt dự báo nhưng với tình hình ảm đạm chung hiện nay của thế giới, chúng ta cần theo dõi chặt chẽ và chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất.

Theo đó, như Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã chỉ thị, các bộ ngành địa phương cần quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo vệ kinh tế trong nước trước các tác động từ bên ngoài.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều