+
Aa
-
like
comment

Cuộc họp đầu tiên của tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT

09/04/2021 21:57

Cuộc họp đầu tiên với lãnh đạo Chính phủ của ông Nguyễn Kim Sơn với tư cách Bộ trưởng Bộ GD-ĐT diễn ra sáng 9.4. Đây là cuộc họp bàn về việc chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.

Ông Nguyễn Kim Sơn trong buổi làm việc đầu tiên với tư cách Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. /// Ảnh Đình Nam
Ông Nguyễn Kim Sơn trong buổi làm việc đầu tiên với tư cách Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Theo trang tin của Chính phủ, sáng 9.4, dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, tại Văn phòng Chính phủ diễn ra cuộc họp bàn về công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Dự cuộc họp có ông Nguyễn Kim Sơn, tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT; ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục – Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Cuộc họp đầu tiên của tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT

Như vậy, sau khi được Quốc hội bỏ phiếu kín phê chuẩn bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ngày 8.4, sáng nay, 9.4, tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã có cuộc họp đầu tiên với lãnh đạo Chính phủ. Đây cũng là cuộc họp đầu tiên với một số thành viên Chính phủ liên quan tới lĩnh vực được phân công của ông Nguyễn Đắc Vinh với tư cách lãnh đạo một ủy ban của Quốc hội.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, báo cáo về những việc Bộ đã chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 như ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT; hướng dẫn tổ chức kỳ thi; kế hoạch tổ chức kỳ thi; xây dựng ma trận đề thi, đề thi tham khảo và bổ sung hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi; rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống phần mềm phục vụ quản lý, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh năm 2021.

Ông Độ cho biết: “Các bài học trong việc tổ chức kỳ thi những năm trước đều đã được xem xét, rút kinh nghiệm đưa vào trong quy chế, hướng dẫn tổ chức kỳ thi năm nay, đặc biệt là phương án ứng phó trong tình huống có dịch bệnh như trong năm 2020. Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã công bố đề tham khảo, được giáo viên, chuyên gia đánh giá là vừa đảm bảo tốt nghiệp, vừa đảm bảo độ phân hoá phù hợp, làm phong phú ngân hàng đề”.

Tại cuộc họp, các đại biểu cho rằng, kỳ thi năm 2021 phải tiếp tục được rà soát, cải tiến, rút gọn các khâu trong tổ chức kỳ thi, từ tổ chức ra đề, tập huấn coi thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra, đến xử lý các vi phạm, tình huống phát sinh… làm sao vẫn đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, an toàn, trung thực khách quan nhưng không gây căng thẳng, áp lực không cần thiết cho thí sinh và xã hội.

Quy chế thi chặt chẽ nhưng phải nhân văn, đứng về phía thí sinh, tạo điều kiện tối đa cho các em, xem xét kỹ càng, thấu đáo những trường hợp vi phạm quy chế thi.

Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục – Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn được quan tâm. Việc phân cấp địa phương tổ chức kỳ thi, chịu trách nhiệm trực tiếp là chủ trương đúng đắn. Bộ GD-ĐT cần hướng dẫn thật tốt, chi tiết các khâu, đặc biệt, bên cạnh thanh tra, kiểm tra chính thức, phải có kế hoạch đột xuất để phát hiện những trục trặc, xử lý kịp thời, nhanh chóng.

Về lâu dài, kỳ thi tốt nghiệp THPT phải làm sao tác động ngược trở lại để giúp nâng cao chất lượng, giúp hệ thống giáo dục phát triển lành mạnh, đồng thời bảo đảm quyền lợi được học lên bậc cao hơn của thí sinh sau khi tốt nghiệp THPT.

Ngay-lam-viec-dau-tien-cua-tan-bo-truong-Bo-GDDT
Ông Nguyễn Đắc Vinh lần đầu tiên làm việc với Chính phủ với cương vị mới Ảnh Đình Nam

Tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, ông sẽ dành sự quan tâm, trực tiếp làm việc với các cục, vụ, kiểm tra kỹ, rà soát tất cả các khâu để tránh sai sót, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi sắp tới, bảo đảm an toàn từ chuẩn bị đề, chấm thi, xác nhận kết quả, công bố điểm, đăng ký xét tuyển…

“Kế hoạch tổ chức kỳ thi năm nay cần có phương án tổng thể, kịch bản, lực lượng thường trực hỗ trợ, cơ sở vật chất… để có thể ứng phó toàn diện, đầy đủ, hiệu quả, tình hình dịch bệnh cũng như tình huống thiên tai, bão lũ. Không chỉ giới hạn trong quy chế, Bộ GD-ĐT cũng sẽ xem xét, nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa, toàn diện cho thí sinh”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.

Giảm áp lực, giảm căng thẳng trên mức cần thiết

Ngay-lam-viec-dau-tien-cua-tan-bo-truong-Bo-GDDT
Ông Vũ Đức Đam kết luận tại cuộc họp đầu tiên với tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn Ảnh Đình Nam

Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý Bộ GD-ĐT cần kế thừa những điểm đã làm tốt, tiếp tục hoàn thiện hơn nữa những điểm còn hạn chế, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho thí sinh.

Từ nay đến khi tổ chức thi, trên tinh thần cầu thị, Bộ GD-ĐT tiếp tục rà soát những chi tiết nhỏ nhất để đảm bảo kỳ thi được tổ chức tốt, đặc biệt những gì liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của thí sinh tốt hơn.

Phó thủ tướng nêu một ví dụ để cho thấy Bộ GD-ĐT đã có cải tiến tốt trong năm nay, là việc năm nay cho thí sinh đổi nguyện vọng nhiều lần sau khi biết kết quả thi. Nhưng theo Phó thủ tướng, Bộ cần tiếp tục xem xét các quy định sao cho thuận lợi nhất. Đơn cử như yêu cầu các thí sinh bảo lưu kết quả thi phải xin xác nhận từ nhà trường thì Bộ phải xem lại hệ thống công nghệ thông tin, nếu có đầy đủ thông tin của thí sinh thì không cần xác nhận, chỉ những trường hợp không có trong hệ thống mới cần xin xác nhận, giảm thiểu các nhiêu khê cho thí sinh.

Không để thí sinh thiệt thòi

Ông Vũ Đức Đam cũng lưu ý, trong xử lý vi phạm của thí sinh, kể cả những trường hợp nghi ngờ, biểu hiện không bình thường trong phòng thi, cũng phải có phương án dự phòng xử lý sao cho các thí sinh được tạo điều kiện tối đa để thi, cần có các bước xác minh, tuyệt đối không để trường hợp nào bị oan, mất quyền lợi không được thi. Các hội đồng thi, điểm thi, phòng thi phải có danh sách các đầu việc cần làm ở từng khâu, từng bước để cán bộ, giám thị tự đánh dấu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Ông Đam cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT tiếp tục hoàn thiện ngân hàng đề, bảo đảm trong tình huống xấu nhất về dịch bệnh, thiên tai, có thể tổ chức thi nhiều đợt. Tiếp tục làm tốt việc quy định trách nhiệm rõ của Bộ GD-ĐT và các địa phương.

Bộ GD-ĐT tiếp tục chịu trách nhiệm toàn diện của kỳ thi, cụ thể là xây dựng, ban hành quy chế thi, hướng dẫn tổ chức thi, ra đề, tổ chức hệ thống chấm thi tập trung (chấm thi bằng máy toàn bộ phần thi trắc nghiệm và công cụ cần thiết giám sát chấm bài thi tự luận), sao cho đảm bảo công bằng khách quan.

Liên quan tới việc tiếp tục giải pháp công khai điểm học bạ của các tỉnh, ông Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT có phân tích đánh giá, tỉnh nào chênh lệch điểm thi và học bạ để có uốn nắn, chấn chỉnh, việc nâng điểm học bạ không đúng thực chất, năng lực của học sinh. Thực hiện công tác thanh tra kiểm tra giám sát rõ ràng.

Phó thủ tướng cũng lưu ý, năm nay tình hình dịch bệnh vẫn còn rất khó lường. Vì vậy, tùy tình hình dịch, bên cạnh các biện pháp thuần túy về thi, Bộ GD-ĐT cần phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát để có hướng dẫn chi tiết tới tất cả các tỉnh có dịch bệnh.

Quý Hiên

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều