+
Aa
-
like
comment

Cuộc họp chất chứa thất vọng của đồng minh Tổng thống Macron

Đông Duy - 20/06/2024 15:02

Các thành viên nội các Pháp trong cuộc họp ở Điện Elysee bày tỏ nỗi bất bình, nhưng không ngăn được Tổng thống Macron quyết định giải tán quốc hội.

Cuộc họp của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với nội các tại Điện Elysee ngày 9/6.
Cuộc họp của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với nội các tại Điện Elysee ngày 9/6.

Soazig de la Moissonniere, nhiếp ảnh gia của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tuần trước đăng loạt ảnh đen trắng về hoạt động của ông chủ Điện Elysee hôm 9/6, ngày kết thúc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP). Kết quả tại Pháp cho thấy đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (RN) nhận 31,3% phiếu bầu, nhiều gấp đôi đảng Phục hưng theo đường lối trung dung của ông Macron.

Sau cuộc bầu cử, ông Macron tối 9/6 triệu tập cuộc họp nội các tại Điện Elysee để thảo luận về biện pháp giải tán quốc hội Pháp và tổ chức bầu cử sớm, nhằm chặn đà trỗi dậy của phe cực hữu trên chính trường. Ảnh đen trắng về cuộc họp đã bộc lộ phần nào nỗi lo lắng, bất bình và thất vọng của những người thân cận với Tổng thống Pháp với quyết định trên.

Việc bà Moissonniere, nhiếp ảnh gia chính thức của Điện Elysee, đăng ảnh lên Instagram là động thái có thể có chút bất thường, nhưng không ai phản đối việc nó đã phản ánh không khí lo lắng, căng thẳng trong nội các của ông Macron vào giờ phút quyết định, Politico bình luận.

“Đó là một bức ảnh đẹp, thể hiện tính nghiêm trọng của thời điểm, cho thấy vẻ choáng váng và bị sốc của các bộ trưởng”, Gaspard Gantzer, từng là cố vấn truyền thông của cựu tổng thống Pháp Francois Hollande, nói.

Trong hình, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal ngồi đối diện ông Macron, tay khoanh trước ngực. Ông Attal, 35 tuổi, được ông Macron bổ nhiệm hồi tháng 1 và trở thành ngôi sao sáng trong đảng Phục hưng, được kỳ vọng là người kế nhiệm Tổng thống Pháp.

Nhưng với quyết định bầu cử sớm mà Tổng thống Macron đưa ra, ông Attal có thể phải rời ghế Thủ tướng nếu đảng Phục hưng thất bại trong cuộc bỏ phiếu. Bên phải ông là Chủ tịch Quốc hội Pháp Yael Braun-Pivet đang ghi chú, bên trái là Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin chắp hai tay lên mặt.

“Bạn có thể nhận thấy cảm giác bị coi thường trong ánh mắt của ông Attal”, chuyên gia truyền thông chính trị Philippe Moreau Chevrolet, giảng viên Đại học Sciences Po, Paris, Pháp nói với Telegraph. “Cảm xúc của những người có mặt là chân thật, mãnh liệt và tiêu cực”.

“Thủ tướng trẻ tuổi nhất của Pháp hiểu rằng ông đã đến đỉnh cao sự nghiệp ở tuổi 35 và mọi thứ đã kết thúc”, theo ông Gantzer.

Bà Braun-Pivet được cho là đã nói với Tổng thống Macron rằng ông đã có một quyết định tồi tệ, cố thuyết phục lãnh đạo Pháp đổi ý. “Vẫn còn những cách khác”, bà cho biết. Suốt nhiều tháng qua, bà ủng hộ ý tưởng lập liên minh với phe cánh hữu.

“Có hai kiểu giải tán. Giải tán mang tính chính trị có thể tạo ra thế đa số mới, và giải tán mang tính lợi ích sẽ dẫn đến khủng hoảng chế độ”, Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire cảnh báo.

“Còn ông, Sebastien, ông nghĩ thế nào”, Tổng thống Macron hỏi Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu.

“Với tư cách bộ trưởng, tôi sẽ không trả lời câu hỏi vì ngài dường như đã suy tính kỹ”, ông Lecornu phản hồi. “Nhưng với tư cách nhà vận động, ngài đã thực hiện nghiên cứu nào cho thấy cuộc bầu cử này sẽ có kết quả tốt hơn so với bầu cử EP chưa?”.

“Không, chúng tôi chưa thực hiện cuộc thăm dò nào. Đây là một cuộc bầu cử mới, do đó sẽ mang đến động lực mới”, ông Macron nói.

Một khoảng im lặng xuất hiện.

“Chúng ta bắt đầu một cuộc bầu cử sớm. Lý do ngài đưa ra để kêu gọi cử tri sẽ cần phải được người dân hiểu rõ. Nếu không bắt đầu đúng cách, chúng ta sẽ không thể đưa mọi thứ đi đúng hướng được”, ông Lecornu tiếp tục.

Nhưng những lời khuyên đó không ngăn được quyết tâm của ông Macron.

“Các đảng cực hữu đang trỗi dậy ở mọi nơi tại châu lục. Tôi không thể khoanh tay đứng nhìn trước tình hình này”, Tổng thống Pháp thông báo sau cuộc họp. “Tôi không thể hành xử như mọi chuyện vẫn bình thường. Tôi quyết định sẽ trao cho người dân quyền lựa chọn. Đêm nay tôi sẽ giải tán quốc hội”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Suresnes, ngoại ô thủ đô Paris ngày 18/6.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Suresnes, ngoại ô thủ đô Paris ngày 18/6.

Sau quyết định tổ chức bầu cử sớm, với hai vòng vào ngày 30/6 và 7/7, các đồng minh của ông Macron ngày càng hoài nghi về triển vọng của liên minh cầm quyền. “Đất nước đang sa cơ lỡ vận”, tờ Le Figaro dẫn lời Bộ trưởng Le Maire hôm 12/6.

Ông Le Maire chỉ trích Tổng thống Macron đơn độc ra quyết định giải tán quốc hội, cho rằng lựa chọn này “đã tạo ra sự lo lắng, hiểu lầm, đôi khi là phẫn nộ trong người dân Pháp cũng như những người khác”. Đây được coi là động thái rất bất thường, bởi ông Le Maire vốn là đồng minh trung thành với ông Macron.

Thời điểm tổ chức bầu cử quốc hội còn tạo ra trở ngại cho các đồng minh của ông Macron, những người chưa sẵn sàng cho một cuộc đối đầu trực diện với phe cực hữu.

Tổng thống Macron đang trong nhiệm kỳ thứ hai và không thể tiếp tục tái tranh cử vào năm 2027, theo quy định hiến pháp. Điều này đồng nghĩa bà Marine Le Pen, lãnh đạo RN tại quốc hội, có cơ hội chạy đua vào vị trí tổng thống mà có thể không vấp phải đối thủ nặng ký nào.

Một số đối tác của ông Macron trong liên minh cầm quyền, trong đó có Thủ tướng Attal, cựu thủ tướng Edouard Philippe và Bộ trưởng Nội vụ Darmanin, từng nhắm đến mục tiêu vào Điện Elysee. Giờ đây, khi liên minh trung dung rạn nứt, họ có xu hướng tìm lối đi riêng, nghiêng về độc lập hơn.

“Liên minh của Tổng thống Pháp đang tan rã nhanh chóng, các đối tác dần xa rời”, Benjamin Morel, nhà khoa học chính trị tại Đại học Paris-Pantheon-Assas, Pháp, nhận định.

Theo Morel, bầu cử quốc hội Pháp khả năng cao sẽ củng cố cả phe cánh tả và RN hơn nữa, đưa họ trở thành lựa chọn thay thế những người trung dung. “Sau ông Macron, phe trung dung nguy cơ biến thành nơi các chính trị gia kết thúc sự nghiệp. Khi có ít chính trị gia, mạng lưới ủng hộ, một ứng viên trung dung sẽ khó chinh phục ghế tổng thống”, ông lưu ý.

Đông Duy

Bài mới
Đọc nhiều