Cuộc giải ngân 15,2 tỷ đầy hài hước của Hoài Linh
Đại diện của Hoài Linh thông báo ê-kíp đã giải ngân 15,2 tỷ đồng tiền cứu trợ bão lũ năm 2020. Hoài Linh đã để tiền từ thiện trong tài khoản cá nhân suốt hơn 6 tháng qua.
Chuyên gia truyền thông Lê Ngọc Sơn – Chủ tịch Berlin Crisis Solutions – đã gửi bài viết nhìn nhận về hàng loạt bê bối của giới giải trí thời gian vừa qua.
Trước phản ứng dữ dội của dư luận và truyền thông về việc chậm trễ giải ngân hơn 13 tỷ đồng tiền từ thiện, Hoài Linh đang cho thấy anh vội vã, gấp rút thực hiện công việc đó như thế nào, suốt mấy ngày qua.
Dưới góc nhìn của tôi, Hoài Linh đang cố gắng “chườm đá lên vết bỏng”. Khi “đám cháy” giận dữ của dư luận lan rộng, Hoài Linh vội vã chống chế, cử ngay đại diện đi giải ngân tức thời, mang tiền cứu trợ lũ lụt đến các tỉnh miền Trung dưới cái nắng gay gắt trên dưới 40 độ.
Giải ngân thần tốc và sự dỗi hờn hài hước
Hoài Linh đang quá vội. Anh chỉ đang cố chữa cháy, cố tìm cách xoa dịu dư luận, chứ chưa hề tính toán xem đồng tiền cứu trợ lũ lụt ấy được giải ngân theo cách như thế có ích lợi gì không? Đồng tiền quyên góp đang được sử dụng có đúng mục đích không?
Hoài Linh quên rằng, đồng tiền quyên góp phải được sử dụng có tính toán, chứ không phải dùng để xoa dịu dư luận. Nghệ sĩ hài có lẽ không nhận ra rằng, anh đang dùng tiền cứu trợ lũ lụt để “chữa cháy”. Đó là một cách ứng biến hài hước.
Theo tôi, ngọn nguồn của mọi “bi kịch” mà Hoài Linh đang vướng phải là đã không đặt hết chữ TÂM của mình vào công cuộc làm từ thiện. Anh không có kế hoạch chỉn chu, không đặt hết tình cảm, sự lo lắng, tính toán của mình vào đó. Hoài Linh là một nghệ sĩ chuyên nghiệp nhưng đã ứng xử thiếu chuyên nghiệp trước khủng hoảng.
Từ đầu sự vụ đến giờ, Hoài Linh phản ứng hoàn toàn bị động. Anh gần như chạy theo sự cố, để mọi việc diễn ra theo chiều hướng “khủng hoảng đến đâu giải quyết đến đó”. Và chuyện giải ngân gấp rút cũng chỉ là động thái “dập lửa” một cách đầy bị động của diễn viên hài.
Nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả là thái độ của nhiều nghệ sĩ về vụ việc này. Có ca sĩ bày tỏ sự “hờn dỗi” tuyên bố sẽ không làm từ thiện nữa, “làm ơn mắc oán”.
Diễn viên Hứa Minh Đạt lại kể câu chuyện về việc hàng xóm nhà bên ban phát kẹo cho trẻ con và khi không có kẹo nữa, bị đứa trẻ quay sang chỉ trích. Trấn Thành phát biểu, “nghệ sĩ không có nghĩa vụ phải làm từ thiện”, rằng bản chất của việc làm từ thiện không thuộc trách nhiệm của nghệ sĩ.
Nhìn một cách sòng phẳng, Trấn Thành nói đúng. Không có văn bản pháp luật nào yêu cầu nghệ sĩ phải làm từ thiện. Song, mỗi ngành nghề đều có trách nhiệm xã hội của riêng mình, và giới làm nghệ thuật không thể là ngoại lệ.
Khi đã bắt tay vào làm bất kỳ công việc gì, cũng phải làm hết sức và chuyên nghiệp nhất có thể. Với việc từ thiện, lại càng phải cần sự chuyên nghiệp hơn hết. Đó không chỉ là câu chuyện chi tiêu tiền bạc, còn là lương tâm, là tình cảm, là sự nặng lòng với mỗi cảnh đời cần cứu giúp.
Cách “hờn dỗi” và câu chuyện đầy tính trẻ con của anh hàng xóm cho kẹo chỉ thể hiện tư duy sai lệch của giới nghệ sĩ về công việc từ thiện, và sự cảm tính của họ trong cách ứng xử trước truyền thông, công chúng.
Tôi có cảm giác nhiều nghệ sĩ đang đặt cái tôi quá cao, tự thấy mình đặc biệt so với số đông. Trong việc từ thiện, họ đặt mình ở vị thế cao hơn, vị thế của những người “làm ơn”, những người “ban phát kẹo” cho những cảnh đời cùng khổ. Họ không đặt mình đứng chung với số đông, vì thế đã nảy sinh cảm xúc “ấm ức” khi “làm ơn, mắc oán”.
Họ cũng là những người quá nhạy cảm chăng? Là người của công chúng nhưng lại dễ dàng bày tỏ phẫn nộ đầy cảm tính trước các ý kiến trái chiều.
Cách ứng xử cảm tính này cũng cho thấy sự thiếu hiểu biết của nhiều nghệ sĩ về mối quan hệ giữa họ và công chúng.
Những giá trị ảo không còn là phép màu ở showbiz
Hoài Linh đến hôm nay, sau cuộc giải ngân chóng vánh, vẫn không có động thái xin lỗi hay lên tiếng về sự chậm trễ trong việc chuyển hơn 13 tỷ đồng đến đồng bào lũ lụt. Có lẽ, Hoài Linh đang nghĩ đơn giản rằng, chỉ cần gấp rút giải ngân xong 13,7 tỷ đồng là xoa dịu được dư luận, anh không cần thiết phải nói cho rõ hơn 13 tỷ ấy anh chi dùng có đúng mục đích không.
Hoài Linh có cách ứng xử giống nhiều nghệ sĩ khác ở showbiz là chọn “phương án” im lặng khi đối diện với khủng hoảng. Thực tế, đây là một cách thách thức dư luận.
Ngày 3/6, tôi có đọc thông tin nghệ sĩ Hồng Vân lên tiếng xin lỗi vì việc đã quảng cáo sản phẩm kém chất lượng. Lời xin lỗi được đưa ra sau chừng một tháng truyền thông phản ánh vụ việc và cơ quan chức năng vào cuộc. Hàng loạt nghệ sĩ ở showbiz tham gia quảng cáo hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, thậm chí còn tiếp tay cho cả những dự án tiền ảo có dấu hiệu lừa đảo.
Việc Hồng Vân, Quyền Linh lên tiếng xin lỗi, dù có muộn màng (sau khi bị phản ứng dữ dội và cơ quan chức năng vào cuộc), cũng cho thấy, im lặng không còn là phép thần giải cứu nghệ sĩ.
Im lặng không còn là vàng. Im lặng không thể giúp một sự vụ ồn ào biến mất. Im lặng chỉ khiến những ức chế của dư luận tích tụ lại, và lâu ngày – khi có dịp sẽ bùng phát – giống như sự vụ của Hoài Linh.
Chỉ khi xin lỗi, chịu trách nhiệm kịp thời mới giúp nghệ sĩ hạn chế được những khủng hoảng thứ cấp diễn biến tiếp theo sau sự vụ tai tiếng. Đó cũng là cách nghệ sĩ thể hiện trách nhiệm của mình trước khán giả.
Tôi sống và làm việc ở Đức nhiều năm, nghệ sĩ ở đây thể hiện thái độ tôn trọng khán giả một cách tuyệt đối. Họ quan điểm, không có khán giả thì không có nghệ sĩ. Không có khán giả – đồng nghĩa với việc – không có người thừa nhận tài năng của anh, không có người đón nhận những tác phẩm của anh. Không tồn tại khái niệm khán giả sẽ không tồn tại khái niệm về nghệ sĩ.
Bởi vậy, nghệ sĩ không nên chỉ tìm đến khán giả khi quảng bá sản phẩm, chỉ “ca tụng” khán giả khi cần người đến rạp xem phim, hay cần người mua đĩa nhạc, thậm chí “ngon ngọt” với khán giả để bán hàng, bán sản phẩm chức năng kém chất lượng. Nghệ sĩ còn cần nhận ra trách nhiệm trước công chúng khi sai phạm, và lên tiếng kịp thời về trách nhiệm của mình.
Sau hàng loạt bê bối xảy ra, từ vụ nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, tiếp tay quảng cáo tiền ảo có dấu hiệu lừa đảo, phát ngôn dung tục, phản cảm, đến chuyện từ thiện thiếu chuyên nghiệp, showbiz hiện ra không còn hào nhoáng như ảo ảnh.
Nhìn vào giới showbiz không khó để nhận thấy, những nghệ sĩ ồn ào nhất, hay “chém gió”, hay khoe mẽ nhất thường không phải là những nghệ sĩ tài năng nhất.
Nhiều nghệ sĩ đang bị ảo tưởng khi được tung hô quá đà. Họ đánh tráo khái niệm về “tài năng” và “người nổi tiếng”. Có anh chỉ là thợ hát. Không được đào tạo bài bản, có đôi ba bài hit chiều theo thị hiếu số đông, và sống chủ yếu bằng hào quang ảo.
Giá trị của nghệ sĩ phải được định đoạt bằng tài năng chứ không phải bằng những phát ngôn ngông cuồng, hay sự khoe khoang về cuộc sống xa hoa, giàu có.
Kim cương to, siêu xe đắt đỏ, hàng hiệu phủ đầy người, trầm hương để đầy nhà hay biệt thự hào nhoáng chỉ giống như lớp mỹ kí phủ lên showbiz. Lớp mỹ kí ấy khi gặp scandal sẽ bong tróc, sẽ vỡ lở, làm lộ ra một showbiz đầy góc tối và những giá trị ảo.
Lời kết
Hiếm có nghệ sĩ nào từng được yêu mến như Hoài Linh, cũng hiếm có nghệ sĩ nào bị chỉ trích nhiều như Hoài Linh.
Sự đảo chiều của công chúng cho thấy, họ không còn dễ tha thứ, họ ngày càng nghiêm khắc hơn và ngày càng biết “tính toán”, suy xét hơn, để dành sự yêu mến của mình cho những nghệ sĩ xứng đáng.
Để tỏa sáng rực rỡ, mặt trời phải cần đến cả triệu năm tự thiêu đốt chính mình. Có những nghệ sĩ chân chính rèn giũa mình đến đau đớn để trau dồi tài năng và thăng hoa cho tác phẩm.
Danh tiếng phải đến từ những đau đớn như thế, chứ không phải bằng vài ba trò lố rẻ tiền.
Lê Ngọc Sơn