Cuộc gặp ‘ngẫu hứng’ Trump-Kim, Lịch sử hay biểu tượng?
Trong một động thái đầy kịch tính, Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân đến Triều Tiên, và là người đầu tiên sắp đặt một cuộc gặp ngẫu hứng với lãnh đạo Triều Tiên qua Twitter.
Tổng cộng 32 giờ sau khi ông Trump đưa lên mạng xã hội Twitter lời mời dành cho Kim Jong Un, hai nhà lãnh đạo đã có mặt ở vùng phi quân sự, bắt tay nhau qua lằn ranh ngăn cách Hàn Quốc và Triều Tiên.
Tất nhiên, vẫn chưa có tiến bộ về giải trừ chương trình hạt nhân của Triều Tiên, mới chỉ có cam kết sẽ đàm phán thêm. Tuy nhiên, cuộc gặp Trump – Kim đã thành hiện thực, điều mà ít người có thể nghĩ tới sau khi hội nghị thượng đỉnh song phương lần 2 ở Hà Nội.
Nguy hiểm vẫn còn đó. Nhưng những ngôn từ cảnh báo và đe dọa lẫn nhau đã lắng xuống. Các cuộc thử hạt nhân và tên lửa tầm xa cũng vậy.
NBC News mô tả khung cảnh tại Vùng Phi quân sự (DMZ) rất kịch tính, bởi cuộc gặp không có chương trình nghị sự, không có kế hoạch và cũng không có công việc trù bị từ trước. Đó là một sự ngẫu hứng. Phía giới chức Triều Tiên không biết trước; các nhà ngoại giao Mỹ cũng vậy.
Các động thái đầu tiên rất ấn tượng: bắt tay, đi bộ qua lằn ranh sang phía Triều Tiên và quay trở lại phía Hàn Quốc. Hình ảnh này là chưa từng có với một tổng thống Hàn Quốc cho đến tận khi ông Moon Jae In thực hiện vào tháng 4 năm ngoái.
Hai nhà lãnh đạo đi bộ cùng nhau và trò chuyện. An ninh của cả hai bên dường như không rõ họ đang đi đâu và không biết báo chí được phép tiến đến điểm nào.
Sau khi Donald Trump và Kim Jong Un phát biểu với báo chí ở bên ngoài, họ đi cùng Tổng thống Hàn Quốc khi bước vào bên trong một tòa nhà, được gọi là Nhà Tự do, ở phía biên giới của Hàn Quốc.
Có nhiều tiếng nói to khi phóng viên một số báo theo các nhà lãnh đạo vào bên trong. Có tiếng hô báo chí hãy lùi ra. Sau đó là tiếng gọi báo chí Mỹ vào bên trong.
Trong phòng, Chủ tịch Kim đang trò chuyện. Sau khi các máy quay rời đi, hai nhà lãnh đạo gặp nhau thêm 40 phút nữa. Tiếp đó, ông Trump tiễn Kim Jong Un trở lại Triều Tiên.
Những gì vừa diễn ra ở DMZ hoàn toàn trái ngược với hai hội nghị thượng đỉnh ở Singapore và Hà Nội, nơi mọi thứ được chuẩn bị kỹ lưỡng đến từng chi tiết. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về Triều Tiên, cuộc gặp ngẫu hứng lại dấy lên hy vọng khi hai bên nhất trí tái khởi động tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa.
“Khi hai lãnh đạo nỗ lực xây dựng lại niềm tin lẫn nhau, họ sẽ từ bỏ những phương pháp cũ từng áp dụng trước đây và thể hiện sự linh hoạt nhất định trong những vòng đàm phán cấp làm việc sắp tới”, Hong Min, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, nhận định. Vị này cho rằng cuộc gặp ở DMZ đã tạo ra bầu không khí tích cực để các bên tìm ra điểm chung trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa sau này.
Chun Young-woo, cựu cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc, cho rằng lãnh đạo Triều Tiên có thể đang “tuyệt vọng” vì đàm phán bế tắc nên đã nhanh chóng chấp nhận lời mời phi quy chuẩn ngoại giao của ông Trump.
“Tôi thấy Triều Tiên rất muốn thoát khỏi tình cảnh kinh tế hiện nay, nhưng không rõ cuộc gặp có phải là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng sẽ thay đổi lập trường và điều kiện đối với Washington hay không”, ông Chun nói.
Nhiều ý kiến thậm chí cho rằng đề nghị gặp Kim Jong Un của Tổng thống Trump có vẻ không thông minh vì thiếu thời gian chuẩn bị, đặc biệt là giữa lúc hai bên đang căng thẳng vì các biện pháp trừng phạt và phi hạt nhân hóa.
“Mỹ và Triều Tiên đang bị cuốn vào căng thẳng liên quan nối lại đàm phán hạt nhân. Nếu phân tích kỹ những chỉ trích gần đây của Triều Tiên về vai trò trung gian của Tổng thống Moon, bạn sẽ thấy Chủ tịch Kim sẽ không đến DMZ chỉ vì đề xuất của ông Trump”, Yang Moo Jin, giáo sư Đại học Nghiên cứu Triều Tiên, trao đổi với Yonhap.
Còn theo Leif-Eric Easley, giáo sư Đại học Ewha của Hàn Quốc, cuộc gặp ở DMZ chỉ mang tính biểu tượng khi được tổ chức quá gấp, không đủ làm chất xúc tác cho tiến trình hòa bình thực sự trên bán đảo Triều Tiên.
Một số nhà quan sát chỉ ra rằng, cuộc gặp bất ngờ với Kim Jong Un giữa lúc đàm phán sa lầy có thể giúp Tổng thống Trump lấy lòng các cử tri Mỹ trong cuộc đua vào Nhà Trắng 2020.
(Theo Vietnamnet)