+
Aa
-
like
comment

Cuộc gặp cấp cao Mỹ – Trung đầu tiên: “Ném đá dò đường”

19/03/2021 14:58

Cuộc gặp lần này được cho là nhằm thăm dò ý đồ và những quan tâm của mỗi bên, làm cơ sở hoạch định chiến lược và sách lược để duy trì vị thế của mình.

Trước cuộc gặp tại Alaska, cả Mỹ và Trung Quốc đều tỏ ra rất thận trọng khi không công bố thông tin chi tiết về chương trình nghị sự, đồng thời phía Mỹ còn cho biết sẽ không có tuyên bố chung với bất kỳ thỏa thuận lớn nào. Có một số lý do khiến Mỹ và Trung Quốc thận trọng trước cuộc gặp lần này.

“Ném đá dò đường”

Dù Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã điện đàm với ông Dương Khiết Trì ngày 05/02, Tổng thống Joe Biden cũng đã điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 10/02, song đây là lần đầu tiên các quan chức cấp cao của hai nước gặp trực tiếp.

Cuộc gặp lần này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đã “chạm đáy” trong năm 2020, sau khi đã xấu đi đều đặn trong 3 năm đầu của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Bốn quan chức tham dự cuộc gặp lần này chẳng xa lạ gì nhau, bởi họ từng ít nhiều tương tác với nhau dưới chính quyền Tổng thống Barack Obama. Nhưng Trung Quốc hiện tại đã khác rất nhiều so với thời điểm cách đây hơn bốn năm, khi kết thúc chính quyền Obama-Biden.

Trung Quốc tiếp tục giữ vững vị thế là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và đang được dự báo trở thành nền kinh tế số một thế giới vào năm 2028, sớm hơn 5 năm so với ước tính trước đây. Trung Quốc cũng đã xác lập được vị thế tại hầu hết các khu vực trên toàn cầu và nắm giữ vị trị lãnh đạo tại nhiều định chế quốc tế. Sức ảnh hưởng của Bắc Kinh ngày càng lớn cả về kinh tế-thương mại, cũng như quyền lực mềm.

Các quan chức Mỹ - Trung tại phiên khai mạc cuộc gặp cấp cao ở Alaska. Ảnh: AFP
Các quan chức Mỹ – Trung tại phiên khai mạc cuộc gặp cấp cao ở Alaska. Ảnh: AFP

Trái lại, vị thế của Washington đã bị suy giảm nhiều trong những năm gần đây, mà nguyên nhân chính là việc cựu Tổng thống Donald Trump quyết định từ bỏ vai trò dẫn dắt, lãnh đạo của Mỹ ở nhiều khu vực trọng yếu trên thế giới, cũng như trong các tổ chức quốc tế. Do vậy, cuộc gặp lần này được cho là nhằm thăm dò ý đồ và những quan tâm của mỗi bên, làm cơ sở hoạch định chiến lược và sách lược để duy trì vị thế của mình.

Trung Quốc trông đợi điều gì?

Cũng như Mỹ không đặt quá nhiều kỳ vọng, song Trung Quốc hết sức coi trọng cuộc gặp lần này và mong muốn cuộc gặp sẽ trở thành một khởi đầu mới, hay bước ngoặt cho mối quan hệ Trung-Mỹ đang đứng trước ngã tư đường.

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải ngay trước thềm cuộc gặp cho biết, mặc dù đã chuẩn bị rất nhiều, từ nghị trình, đến công tác phòng dịch, nhưng phía Trung Quốc cũng không trông đợi có thể giải quyết mọi vấn đề với Mỹ chỉ trong một lần đối thoại tại cuộc gặp cấp cao trực tiếp đầu tiên giữa hai bên này, do vậy cũng không quá kỳ vọng hay ảo tưởng.

Ông hy vọng cuộc gặp này sẽ trở thành một khởi đầu mới, “mở ra một quá trình đối thoại thẳng thắn, xây dựng và lý tính” trong quan hệ Trung-Mỹ, đồng thời cho rằng, nếu làm được điều này thì cuộc đối thoại đã có thể được coi là thành công.

Bên cạnh đó, theo truyền thông Trung Quốc, ngoài hai quan chức ngoại giao cấp cao nhất của nước này tham gia cuộc gặp, hầu hết những gương mặt gạo cội trong xử lý quan hệ Trung-Mỹ của Trung Quốc cũng sẽ góp mặt.

Ngoài ra, hình thức cuộc gặp lần này cũng được truyền thông và chuyên gia Trung Quốc đánh giá là khác biệt và thể hiện tầm quan trọng. Cũng là đối thoại “2+2”, nhưng thành phần tham dự của cuộc gặp cấp cao Trung-Mỹ lần này hoàn toàn khác với cuộc đối thoại vừa tổ chức trước đó giữa Mỹ và Nhật Bản, cũng không giống với Đối thoại chiến lược kinh tế và an ninh mà Trung Quốc và Mỹ từng tổ chức trước kia. Cuộc gặp lần này được đánh giá là “diễn đàn lần đầu tiên được xác lập để tái định vị quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Mỹ”.

Sự xuất hiện của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, người đã có những nhận định và đưa ra khái niệm về cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ được học giả Trung Quốc đánh giá là có xu hướng “lý tính”, cũng được cho là sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình đánh giá và định hình chính sách trong quan hệ của Mỹ với nước này sau cuộc gặp.

Mặc dù quan hệ giữa hai bên vẫn đang căng thẳng, nhưng rõ ràng sau khi Tổng thống Biden lên nhậm chức, tiếp xúc, trao đổi giữa Trung Quốc và Mỹ đã nhiều hơn, như cuộc điện đàm giữa Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì với Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken, cuộc điện đàm giữa nguyên thủ hai nước và nay là cuộc gặp cấp cao trực tiếp đầu tiên giữa hai bên.

Nhìn chung, Trung Quốc mong muốn thông qua cuộc gặp lần này làm rõ lập trường trong các vấn đề với Mỹ, từ đó có thể mở đường cho nhiều cuộc tiếp xúc hơn trong tương lai, hay nói cách khác là mở ra cánh cửa tiếp xúc vốn đang bị đóng lại trước đó giữa hai bên. Đây có thể coi là mục đích quan trọng nhất mà Trung Quốc muốn hướng tới.

Đến thời điểm này, cuộc gặp thứ nhất giữa hai bên đã diễn ra. Theo kế hoạch, giới chức hai nước dự kiến còn gặp nhau hai lần nữa vào chiều và đêm 19/3 (theo giờ Hà Nội). Tuy nhiên, chưa có chi tiết nào về cuộc gặp đầu tiên được tiết lộ.

Triển vọng hợp tác Mỹ-Trung

Không chỉ có Ngoại trưởng Blinken, mà cả cựu Ngoại trưởng John Kerry, hiện là Đặc phái viên của Tổng thống Joe Biden về biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen,… đều đã nhắc tới các khía cạnh có thể hợp tác với Trung Quốc. Trước tiên là cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, ngăn chặn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm mới trong thời gian tới và đảm bảo an ninh y tế toàn cầu.

Tiếp theo là cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy cuộc cách mạng năng lượng xanh, vốn là một trong 8 ưu tiên chính sách đối ngoại của chính quyền Biden. Cuối cùng, phía Mỹ cũng kỳ vọng có thể hợp tác với Trung Quốc trong tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên, cũng như chương trình hạt nhân của Iran. Tựu chung lại, quan hệ Mỹ-Trung hiện trong trạng thái đối đầu căng thẳng và toàn diện, song vẫn có dư địa cho hợp tác ở một số khía cạnh nêu trên. Vấn đề đặt ra ở đây là liệu hai bên có tận dụng những cơ hội nhỏ đó và thể hiện thiện chí hợp tác để giải quyết những vấn đề cùng quan tâm hay không.

Trong khi đó, giới quan sát nhận định, phía Trung Quốc sẽ tiếp tục đưa ra những đề xuất “sáo rỗng và nhạt nhẽo” như “hợp tác cùng thắng”, hay thiết lập một mô hình mới cho “quan hệ giữa hai cường quốc”. Tuy vậy, phía Mỹ thừa hiểu những cam kết mà Trung Quốc đưa ra thường không gắn liền với hành động thực tế. Đơn cử, dù tuyên bố tham gia nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu, Trung Quốc đang xây dựng các nhà máy nhiệt điện than nhiều hơn phần còn lại của thế giới, hay tìm cách đẩy các dây chuyền sản xuất lạc lậu và gây ảnh hưởng lớn tới môi trường sang các nước kém và đang phát triển.

Đáng lưu ý, phát biểu với báo giới ngày 12/03 vừa qua, Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan tuyên bố, chính quyền của Tổng thống Joe Biden không có bất kỳ “ảo tưởng” nào về Trung Quốc, ám chỉ việc tìm kiếm các cơ hội hợp tác khi có thể song luôn trong trạng thái cảnh giác trước mọi động thái của Bắc Kinh. Phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện tuần trước, Ngoại trưởng Antony Blinken cũng quả quyết rằng Chính quyền Tổng thống Biden sẽ không “nhượng bộ” Bắc Kinh để đối lấy hành động nhiều hơn từ phía Trung Quốc trong cuộc chiến chống nóng ấm toàn cầu.

Trở ngại lớn trong quan hệ song phương

Kể từ ông Joe Biden từ khi nhậm chức, có thể thấy Mỹ chưa có bất kỳ bước đi hạ nhiệt căng thẳng với Trung Quốc về thương mại hay công nghệ, thậm chí lại gia tăng sức ép lớn hơn trên mặt trận nhân quyền liên quan đến vấn đề Hong Kong hay Tân Cương.

Có thể nói, đây chính là những trở ngại lớn trong việc tái khởi động quan hệ giữa hai bên. Trong một phát biểu mới đây tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từng đề xuất 4 kiến nghị nhằm đưa quan hệ Trung-Mỹ trở lại đúng hướng, gồm: tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; tăng cường đối thoại, kiểm soát ổn thỏa mâu thuẫn bất đồng; tiến về cùng một hướng, tái khởi động hợp tác cùng có lợi giữa hai nước; loại bỏ các trở ngại, khôi phục giao lưu trên các lĩnh vực giữa Trung Quốc và Mỹ.

Trong đó, ông nhấn mạnh, Mỹ cần nhanh chóng điều chỉnh chính sách, từ bỏ việc gia tăng thuế quan bất hợp lý lên hàng hóa Trung Quốc, từ bỏ các trừng phạt đơn phương nhằm vào doanh nghiệp và các cơ sở nghiên cứu khoa học, giáo dục của Trung Quốc, từ bỏ sự trấn áp vô cớ đối với tiến bộ khoa học công nghệ của Trung Quốc, tạo điều kiện cần thiết cho hợp tác giữa hai nước.

Riêng trong các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của nước này, như Hong Kong, Đài Loan hay Tân Cương, gần đây, Trung Quốc ngày càng tỏ ra cứng rắn với những tuyên bố như “không có chỗ để thỏa hiệp”, “quyết không để lợi ích cốt lõi bị xâm phạm”, nếu bị trừng phạt thì sẽ đáp trả và yêu cầu Mỹ phải xử lý “thận trọng và thỏa đáng” các vấn đề liên quan.

Thậm chí trong vấn đề Hong Kong, có chuyên gia Trung Quốc còn cho biết, nước này đã chuẩn bị cho “một cuộc chiến lâu dài” với phương Tây. Điều này cũng được ông Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ khẳng định. Ông nói rằng, Bắc Kinh sẽ không “thỏa hiệp và nhượng bộ” trong các vấn đề như Hong Kong để tạo “bầu không khí” cho cuộc đối thoại tại Alaska và “nếu ai đó cho rằng Trung Quốc lần này đem theo thành ý đến Alaska chỉ là để thỏa hiệp và nhượng bộ” thì nên từ bỏ “ảo tưởng”.

Có thể thấy, quan hệ giữa Trung Quốc-Mỹ vẫn sẽ còn nhiều bất đồng và căng thẳng sau cuộc gặp cấp cao tại Alaska, nhưng chỉ cần cánh cửa đối thoại giữa hai bên còn mở thì Trung Quốc sẽ không từ bỏ cơ hội bắt tay hợp tác với Mỹ.

Phạm Huân/ VOV

Bài mới
Đọc nhiều