Giọt nước mắt từ 2 ông cựu Phó Chủ tịch
Sau khi về hưu, các cựu phó chủ tịch có người chọn cách sống an nhàn, tận hưởng niềm vui bên gia đình, có người lựa chọn công tác thiện nguyện cống hiến cho đời. Nhưng cũng có người vì những sai phạm lúc đương vị mà rơi vào vòng lao lý.
Thời gian qua, thông tin vụ xét xử cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài và 4 đồng phạm vì những sai phạm về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Nhìn ông Tài đứng trước “vành móng ngựa” bật khóc hối hận về hành vi sai trái của bản thân lại khiến mọi người gợi nhớ đến hình ảnh của ông Đoàn Ngọc Hải (cựu Phó Chủ tịch UBND Quận 1, TP.HCM) xuất hiện với xe cứu thương do ông tự cầm lái đã làm biết bao bệnh nhân phải bật khóc biết ơn sự tử tế của ông. Cũng là giọt nước mắt nhưng lại là hai nghịch cảnh hoàn toàn trái ngược nhau, dư luận lại một phen đặt lên bàn cân so sánh hai vị cựu phó chủ tịch này..
Ai có tội đều bị xử phạt
Bị cáo Nguyễn Thành Tài (cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM) bị tuyên phạt mức án 8 năm tù giam về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.
“HĐXX nhận định bị cáo Tài là người chấp thuận cho Công ty Hoa Tháng Năm tham gia dự án; chấp thuận cho Công ty Lavenue được thanh lý nhà số 12 Lê Duẩn, không giao cho cơ quan chức năng thẩm định giá trị tài sản trên đất; chỉ đạo các bị cáo nguyên là cán bộ Sở TN-MT tham mưu áp dụng 2 hình thức giao đất, cho thuê đất trên cùng một dự án; là người trực tiếp ký các quyết định có ý nghĩa dẫn đến thất thoát tài sản cho nhà nước, nên phải chịu trách nhiệm chính với mức hình phạt cao hơn các bị cáo khác”
Về tố tụng, quá trình điều tra truy tố và xét xử các hành vi cũng như quyết định tố tụng đúng thủ tục, trình tự theo Bộ luật Hình sự. Ông Tài thừa nhận đã chỉ đạo, tham mưu ký, ban hành các văn bản giao đất 8-12 Lê Duẩn trái pháp luật. Và hình phạt 8 năm tù giam là cái giá phải trả cho những sai phạm nghiêm trọng này. Đồng thời, bị cáo phải bồi thường thiệt hại ngân sách nhà nước theo đúng quy định. Pháp luật không dung túng bất kỳ hành vi sai phạm nào, quan chức sai phạm thì càng phải nghiêm trị để không xảy ra các hành vi tương tự ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng.
Được nói lời sau cùng, cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM khóc nghẹn gửi lời xin lỗi đến mẹ và toàn thể nhân dân TP.HCM vì những sai phạm của bản thân đã gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Người tốt đến từ tâm
Ở một diễn biến khác, cựu phó chủ tịch UBND quận 1, ông Đoàn Ngọc Hải sau khi về hưu đã làm nhiều việc có ích cho xã hội và được người dân cả nước yêu mến. Ông Hải trong suốt thời gian đương vị là người đã khởi xướng chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè trả lại lối đi cho người đi bộ được dư luận hưởng ứng rất tích cực.
Sau hơn 2 năm UBND Q.1 (TP.HCM) ra quân xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè trên địa bàn, việc buôn bán hàng rong đã được kiểm soát mặc dù nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn còn tồn tại nhưng đã hạn chế rất nhiều so với trước kia. Ông Hải không chỉ được biết đến với danh hiệu “hung thần vỉa hè” mà ông còn đóng góp rất nhiều vào công tác thiện nguyện sau khi về hưu.
Khi “rủ áo từ quan”, ông Đoàn Ngọc Hải quyết định mua đất và xây dựng 1 căn nhà 4 tầng làm nơi cư trú cho những người vô gia cư. Để bắt tay vào dự án tâm huyết này, ngoài ít tiền dành dụm, ông cũng phải vay mượn thêm bạn bè với tổng chi phí xây dựng hơn 6 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm nay công trình của ông hoàn thiện, căn nhà có thế tiếp đón 30-40 người.
Không những thế, ông Hải tự nguyện dùng tiền của mình mua 1 chiếc xe cứu thương để có thể chở bệnh nhân trên khắp mọi miền đất nước từ TPHCM đến Hà Nội, miền Tây, Tây Bắc về nhà hoàn toàn miễn phí
“Đây là việc tốt, tôi khâm phục và kính trọng anh Hải. Tôi rất đồng cảm nhưng để một mình anh lái thì tôi thấy không an toàn vì còn liên quan đến sức khỏe người lái và bệnh nhân“, ông Lương Thanh Hải, tổ lái xe cấp cứu bệnh viện chia sẻ.
Trên thực tế, chúng ta phải nhìn nhận quan chức đi làm từ thiện không phải là chuyện quá cá biệt. Đã có nhiều nguyên lãnh đạo của Đảng và Chính phủ xây dựng các quỹ hỗ trợ học sinh nghèo… Những việc làm của ông Hải đều xuất phát từ tâm và giúp những người thực sự cần giúp chứ không hề “làm màu” như nhiều thông tin sai lệch đăng tải trước đó.
Ông Đoàn Ngọc Hải khi khởi động chiếc xe thiện nguyện của mình vào ngày 28/8, đã khẳng định:
“Tôi làm việc này không phải để nổi tiếng. Điều đầu tiên là tôi muốn giúp người nghèo, thứ hai là tôi vui tôi mới làm được. Tôi sẽ làm đến khi chân tay bủn rủn, bệnh tật ập đến. Chứ tôi không phải để làm màu, để nổi tiếng”.
Nói tóm lại, ở xã hội nào cũng có người tốt kẻ xấu, không thể đánh đồng quan điểm quan chức nào cũng tham ô, hối lộ. Những người làm việc xấu, sai trái đều bị trừng trị thích đáng theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Ông Đoàn Ngọc Hải chính là một minh chứng sống về một vị lãnh đạo khi còn đương vị thì hết lòng vì công việc, lo nghĩ đến lợi ích cộng đồng. Sau khi về hưu thì cống hiến hết mình cho công tác thiện nguyện giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Mọi người dân nên tỉnh táo, phân biệt rõ hành vi sai trái trên là của một cá nhân và cá nhân đó đã bị pháp luật xử lý nghiêm minh, những thông tin sai lệch đánh đồng việc xấu lên tất cả cán bộ quan chức đều nhằm mục đích chia rẽ tình đoàn kết dân tộc. Mong rằng mọi người ai ai cũng tu tâm, dưỡng tính, suy ngẫm thật kỹ trước khi làm điều gì đó, tránh để rơi những giọt nước mắt muộn màng như ông Nguyễn Thành Tài.
Như Yên
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả