+
Aa
-
like
comment

Cuộc điện đàm mang về tiếng thở phào cho gần một triệu doanh nghiệp Việt

Thu An - 20/01/2021 16:19

Gần một triệu doanh nghiệp Việt, đặc biệt doanh nghiệp xuất khẩu được cứu, được thở phào nhẹ nhõm trước thềm xuân mới. Niềm vui vô bờ ập đến khi mới đây Mỹ đã không áp thuế với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong vụ điều tra thao túng tiền tệ vừa qua. Như vậy, tin đồn áp thuế đồng loạt 25% với hàng Việt xuất khẩu đã bị đập tan.

Thử tưởng tượng, Mỹ – đối tác nhập siêu tới gần 60 tỷ USD hàng hoá Việt, là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam mà họ áp thuế thì “nồi cơm” của hàng triệu gia đình Việt sẽ vơi đi biết bao nhiêu, giá hàng hoá đội lên theo thuế thì cạnh tranh sao nổi với quốc tế. Thậm chí, trong bối cảnh Việt Nam đang hạn chế sự phụ thuộc vào việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc, mà nếu Mỹ áp thuế hàng hóa xuất khẩu thì sẽ là bài toán rất khó và nan giải. Hãy nhìn bài học từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ thấy hậu quả khủng khiếp của nó lớn đến mức nào.

Điều đáng nói là “trái ngọt” cuối năm này đến từ sự chủ động của Việt Nam chứ không phải là may mắn. Được biết, ngay sau khi có thông tin về việc Cơ quan đại diện thương mại Mỹ (USTR) đang tiến hành điều tra chính sách tiền tệ và nguyên liệu gỗ của Việt Nam theo điều khoản 301 của Luật thương mại năm 1974 của Mỹ. Theo đó, nhà Trắng có thể trừng phạt kinh tế bằng cách áp thuế cao lên hàng hoá của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ngay lập tức chủ động điện đàm với Tổng thống Donald Trump để giải quyết mối nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống người dân Việt Nam.

Ai cũng hiểu rằng, trong giai đoạn đó, cuộc bầu cử Mỹ đang vô cùng căng thẳng, ông Trump đang có những cáo buộc rất lớn về gian lận bầu cử và hầu như mọi quan tâm của ông ấy cũng đổ dồn về vấn đề này. Chính vì vậy, bất cứ cuộc điện đàm hay thư gửi trong thời điểm đó có thể bị gạt bỏ sang một bên. Tuy nhiên, khéo léo và linh hoạt trong vấn đề ngoại giao, người đứng đầu Chính phủ đã kết nối được cựu Tổng thống Donald Trump. Điều đó phần nào thấy được sự thiện cảm và thân thiết của ông Trump đối với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Bên cạnh đó, mặc dù là ông Trump đang ở những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ, tuy nhiên, tại cuộc điện đàm với người đứng đầu Nhà Trắng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn nồng nhiệt, quan tâm, ghi nhận những nỗ lực của Tổng thống trong nỗ lực đưa nước Mỹ vượt qua cuộc khủng hoảng từ Đại dịch Covid-19. Đồng thời, cũng đề cập tới những đóng góp to lớn của Tổng thống Donald Trump trong việc tìm ra vắc xin chống lại dịch bệnh Covid-19. Sau đó, mới đến vấn đề của Việt Nam. Thủ tướng chân thành chia sẻ: “Việt Nam là nước đang phát triển, tiềm lực kinh tế còn hạn chế, nên điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành tỉ giá không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế”. Đồng thời Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định cam kết, “Trên tinh thần đó, các Bộ, ngành Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động hợp tác với các đối tác Hoa Kỳ, giải quyết một cách toàn diện các quan tâm của Hoa Kỳ và Việt Nam, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi”.

Thời điểm đó, vẫn chưa có một lời hứa nào từ Cựu Tổng thống Trump, tuy nhiên với việc trân trọng nhờ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, “chuyển lời chào hỏi thân ái tới người dân Việt Nam” và rằng Tổng thống Donald Trump, “rất quý trọng đất nước và con người Việt Nam và mong muốn thăm lại Việt Nam vào thời gian tới”, đã thể hiện sự ngoại giao rất thành công của Việt Nam.

Và ngày hôm nay, theo phía Mỹ, Việt Nam dù phạm cả 3 tiêu chí khiến Việt Nam bị lọt vào danh sách thao túng tiền tệ, nhưng chính sách ngoại giao mềm dẻo, chủ động, đàm phán của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Chính phủ, Bộ Công Thương, Ngân hàng nhà nước với Mỹ đã kịp thời và mang lại niềm vui cho nền kinh tế non trẻ nhưng hiên ngang giữa cuộc đại dịch thế kỷ.

Thu An

Bài mới
Đọc nhiều