Cuộc đấu pháp lý phi nghĩa của Trung Quốc ở biển Đông
Với sự đấu tranh của cộng đồng quốc tế, công lý sớm muộn sẽ được thực thi.
Việc Trung Quốc (TQ) đưa nhóm tàu Địa chất Hải dương 8 xâm phạm thềm lục địa Việt Nam mới đây một lần nữa cho thấy Bắc Kinh không có ý định tôn trọng luật pháp quốc tế. Sự việc xảy ra sau hơn ba năm kể từ khi Tòa trọng tài ra phán quyết về vụ Philippines kiện TQ. Theo đó, tòa đã ra phán quyết xóa bỏ yêu sách đường chín đoạn của Bắc Kinh.
Đại sứ – PGS-TS Nguyễn Hồng Thao (ảnh), thành viên của Ủy ban Luật pháp quốc tế thuộc Liên Hiệp Quốc (ILC), nhận định: “TQ đưa ra chính sách bốn không: Không tham gia, không công nhận thẩm quyền của tòa, không chấp nhận và không thi hành phán quyết”. Điều đó nằm trong cuộc chiến pháp lý của TQ ở biển Đông.
Từ chống đối Tòa trọng tài…
. Phóng viên: TQ đã thua kiện năm 2016 nhưng vẫn không từ bỏ yêu sách ở biển Đông. Theo quan sát của ông, Bắc Kinh đã làm gì trong cuộc chiến pháp lý này?
Ông Nguyễn Hồng Thao: Bắc Kinh triển khai các hoạt động phản đối một cách bài bản, trên nhiều phương diện: từ tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, vận động các cơ sở nghiên cứu đăng bài tới vận động các nước thân TQ không ra tuyên bố ủng hộ phán quyết.
Tháng 5-2018, Hội Luật quốc tế TQ đã đưa ra một bài nghiên cứu 500 trang, dài tương đương với phán quyết vụ kiện biển Đông năm 2016, để phản bác các lập luận của tòa. Nghiên cứu này tập trung vào ba vấn đề chính: (i) Quyền lịch sử, (ii) Quy chế đảo và (iii) Tính hợp pháp của các hành vi của TQ tại biển Đông. TQ lên tiếng phản đối phán quyết trên tất cả diễn đàn quốc tế, thuê một số học giả nước ngoài viết bài phê phán phán quyết. TQ còn đưa ra lý thuyết Tứ Sa, hộ chiếu đường chín đoạn, công bố phát hiện “đường chín đoạn liền nét”.
. Đã từng có quốc gia nào hành xử tương tự TQ chưa và kết quả ra sao, thưa ông?
Trên thế giới có một số trường hợp một bên không tham dự phiên tòa và phản đối phán quyết như vụ Nicaragua kiện Mỹ năm 1985; vụ Tổ chức Hòa bình xanh kiện lên Tòa án luật biển quốc tế việc Nga bắt giữ tàu Arctic Sunrise năm 2013. Hay gần đây Nga phản đối quyết định áp dụng các biện pháp bảo đảm ban đầu của Tòa trọng tài Luật Biển trong vụ Ukraine kiện Nga bắt giữ tàu chiến trong eo biển Ketch.
Hầu hết theo thời gian, các nước bị đơn đều tìm cách giải quyết hòa bình với bên nguyên đơn trên tinh thần phán quyết. Phán quyết là giải thích chính thức công ước của cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền và được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Các tòa và trọng tài sau này cũng lấy đó làm tiền lệ để nhất quán trong công tác xét xử. Với sự đấu tranh của cộng đồng quốc tế, công lý sớm muộn sẽ được thực thi.
… đến cuộc chiến pháp lý trên biển
. Không chỉ chống lại Tòa trọng tài và phán quyết của tòa, TQ đang tiến hành một cuộc chiến tranh pháp lý. Biểu hiện cuộc chiến này ra sao?
Chiến tranh pháp lý đã được ứng dụng rộng rãi. Đường yêu sách chín đoạn không chỉ trên bản đồ mà đã được đưa vào các hộ chiếu điện tử. UNCLOS và các công ước quốc tế khác được chọn lọc, giải thích sai lệch để biện minh cho các hành động như cấm đánh bắt cá hằng năm, vụ giàn khoan HD 981, xây dựng trái phép các đảo nhân tạo, xua đuổi ngư dân, chuẩn bị thiết lập các vùng nhận dạng phòng không…
Luật quốc nội TQ được sử dụng nhằm mở rộng quyền quản hạt và thực hiện quyền lực ở biển Đông như các luật về vùng lãnh hải, đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các quy định thành lập TP Tam Sa, Tứ Sa…
. Với sức mạnh của nền kinh tế, cùng với sức ảnh hưởng chính trị – ngoại giao, toan tính của Bắc Kinh là sẽ từng bước xét lại và viết lại luật có lợi cho họ?
Lịch sử đã chứng kiến nhiều lần các nước dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế nhưng cuối cùng đều thất bại. Sau những đau thương của Thế chiến thứ II, cấm sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực đã trở thành một nguyên tắc cơ bản được ghi nhận trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các văn bản liên quan. Dù trên thế giới hiện nay còn nhiều cuộc chiến hạn chế nhưng nhân loại đang đấu tranh để nguyên tắc đó được tôn trọng.
Trong quan hệ quốc tế, lợi ích quốc gia chỉ có thể được bảo đảm trên nguyên tắc bình đẳng chủ quyền quốc gia, tôn trọng luật pháp quốc tế. Luật quốc tế là công cụ hữu hiệu nhất để các nước nhỏ đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia và các lợi ích quốc gia. Chúng ta cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về luật quốc tế hơn nữa, góp phần tạo ra sức mạnh thực thi công lý. Thẩm phán Philippines Carpio gần đây có sáng kiến mở rộng tuyên truyền không chỉ cho người dân Philippines mà cả người dân TQ để hiểu hơn về phán quyết, tìm tiếng nói chung, gây sức ép với các chính phủ để giải quyết các tranh chấp vì lợi ích chung hai nước.
. TQ có áp dụng các hình thái chiến tranh khác để hậu thuẫn chiến tranh pháp lý?
Chiến tranh pháp lý nằm trong “tam chủng chiến pháp”, chính là cuộc chiến hỗ trợ cho các hoạt động quân sự nhằm giành thế thượng phong cho TQ trong các tranh chấp tương lai. Ngoài chiến tranh pháp lý còn có chiến tranh dư luận, chiến tranh tâm lý.
Chiến tranh dư luận tạo nền tảng giành thế thắng áp đảo trên hai mặt trận chiến tranh tâm lý và chiến tranh pháp lý. Chiến tranh dư luận nhấn mạnh đến tất cả công cụ truyền thông và ảnh hưởng công chúng như phim ảnh, truyền hình, sách báo, Internet và mạng lưới truyền thông toàn cầu. Thông tin giả, chứng cứ giả được đưa dần dần thông qua sức hút quyến rũ của phim ảnh, game… sẽ góp phần uốn nắn niềm tin công chúng, thay đổi nhận thức của đối thủ theo thời gian.
. Xin ông chỉ ra một ví dụ cụ thể của việc hỗ trợ qua lại này?
Chắc chúng ta còn nhớ vụ Đạo mộ bút ký với những hư cấu không có thật về tìm kiếm mộ cổ trên đảo Vĩnh Hưng và vùng biển Tây Sa. Ngụ ý của TQ qua vụ này là đưa dần thông tin vào tâm trí người xem, ngầm mặc định rằng từ đời Minh, đời Tống, người TQ đã có nhiều hoạt động quản lý vùng biển này, thậm chí xây dựng công trình lớn ở nơi mà TQ gọi là Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam). Vì vậy những người làm công tác truyền thông phải nắm vững các quy định pháp lý và quan điểm chủ quyền của Việt Nam, nhanh chóng phát hiện những cái bẫy, sự xuyên tạc có lợi cho kẻ khác.
. Xin cám ơn ông.
Cần khỏa lấp “vùng xám” pháp lý
Luật pháp quốc tế có những quy định về tránh đâm va hàng hải COLREG 1972 quy định rõ nghĩa vụ cứu vớt những người bị nạn và tránh đâm va tàu thuyền. Luật quốc tế có các quy định về đối đãi với các tàu thuyền vận tải thương mại khác với các tàu thuyền quân sự và các tàu thuyền vận tải thương mại được huy động làm nhiệm vụ quân sự. Tuy nhiên, luật còn thiếu các quy định về tàu cá được sử dụng làm phương tiện đe dọa sử dụng vũ lực, làm nhiệm vụ chấp pháp trên biển như dân quân biển TQ hiện nay đang đảm nhiệm. Đây là “vùng xám” mà TQ lợi dụng để tránh sự trừng phạt của lực lượng thực thi pháp luật trên biển của nước khác. Do đó cần nhanh chóng xây dựng luật pháp phân biệt đối xử với các tàu cá làm nhiệm vụ quân sự như các tàu quân sự và phải bị trừng phạt.
Đại sứ – PGS-TS NGUYỄN HỒNG THAO, thành viên Việt Nam của Ủy ban Luật pháp quốc tế thuộc Liên Hiệp Quốc (ILC)
Biển Đông nhìn từ trường hợp Guatemala và Belize
Guatemala và Belize đã tổ chức trưng cầu dân ý về việc đưa tranh chấp phân định biển tồn tại trăm năm giữa hai nước ra trước Tòa án công lý quốc tế. Guatemala đã chính thức thông báo với tòa kết quả trưng cầu dân ý và thỏa thuận đặc biệt với Belize vào ngày 22-8-2018 và Belize cũng thực hiện bước đi tương tự vào ngày 7-6-2019. Hai thông báo này đã tạo thẩm quyền cho tòa xem xét vụ việc. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân của hai quốc gia tranh chấp đã thể hiện sự tin tưởng của mình với sự công tâm của tòa án giải quyết tranh chấp biển và lãnh thổ trên cơ sở luật quốc tế.
Nhân dân các nước xung quanh biển Đông cũng có thể thể hiện sự tin tưởng của mình thông qua hình thức trưng cầu dân ý đưa vụ tranh chấp biển Đông ra trước tòa. Đó là một trong những cách giải quyết văn minh. Tuy nhiên, nó đòi hỏi sự nhận thức đồng đều luật quốc tế của người dân các nước tranh chấp, tạo sức ép với các chính phủ phải tôn trọng và thực thi luật quốc tế.
Đại sứ – PGS-TS NGUYỄN HỒNG THAO, thành viên Việt Nam của Ủy ban Luật pháp quốc tế thuộc Liên Hiệp Quốc (ILC)
(Theo Pháp Luật TP.HCM)