Cuộc đại phẫu cho thành phố
Bạn tôi không ngủ được vì ca nhiễm tăng nhanh ở TP HCM, tôi nói đó là tin tốt, Thành phố đang qua cuộc đại phẫu để trị khối u.
Bạn tôi nhắn tin lúc 5 giờ sáng, nói cả tối qua không thể ngủ vì ca nhiễm đã vượt 5 ngàn. “Chúng ta đã trễ trong nhiệm vụ xét nghiệm toàn thành phố, nhưng trễ còn hơn không”, tôi nói, “né tránh sự thật mới là thất bại lớn nhất trong mọi thất bại”.
Tôi không muốn thấy quê hương phải đi vào vết xe đổ của các nước. Hàng trăm nghìn người đã gục xuống trong oan nghiệt, được vội vã mang đi trong những xe đá lạnh, không lời tiễn đưa ở các nước phương Tây năm ngoái. Nhìn hình ảnh đó, tôi thấy nhân phẩm của bao người đã không được tôn trọng trước sức tàn phá của đại dịch.
Ngay từ ban đầu đại dịch, giữa những do dự thờ ơ, tôi đã báo động về độ nguy hiểm của virus nCoV khi dịch xảy ra ở Vũ Hán. Vì sao? Nó là họ hàng của SARS, từng gieo tai hoạ khôn lường. Theo tiến hoá và đặc điểm sinh học, nó phải khôn hơn cha chú nó. Và như ta đã thấy, khả năng Covid truyền từ người qua người và tấn công rất mạnh.
Đó là lý do tôi cho rằng chương trình xét nghiệm 5 triệu dân TP HCM là tích cực và rất cần thiết để ngăn ngừa thảm hoạ như đã xảy ra ở các nước gần Việt Nam.
Đầu tuần này, Học viện Quân y Hà Nội cử Bác sĩ, tiến sĩ Hồ Hữu Thọ cùng đội của anh vào TP HCM lập quy trình PCR siêu nhạy để đồng hành với các chương trình xét nghiệm diện rộng cho TP HCM. Phương pháp PCR siêu nhạy của bác sĩ Thọ đã được cấp phép của Bộ Y tế và thử nghiệm thực địa ở Bắc Giang trong đợt dịch vừa qua. Phương pháp đã phát huy tác dụng tích cực với khả năng gộp trên 100 mẫu, cho thấy có độ chính xác cao hơn hẳn phương pháp PCR thường quy hiện nay.
Trong việc hỗ trợ chương trình này, tôi và các cộng sự đang tiếp tục tuyển mộ nhiều kỹ thuật viên xét nghiệm và nhân viên hỗ trợ cho dự án. Mục tiêu nhằm đạt công suất 10 nghìn đến 100 nghìn mẫu trong một ngày ở các vùng dịch lớn.
Chủng mới Delta như tế bào ung thư, đã âm thầm len lỏi trong Thành phố có thể từ sự kiện 30/4-1/5 hay sau đó, hoặc có thể lây lan từ các tỉnh khác hay đột biến từ nước ngoài, và cũng có thể là tất cả các yếu tố này. Chúng ta nếu cần sẽ tìm hiểu sau.
Việc cấp thiết bây giờ là chẩn đoán chính xác mức độ lây lan của tế bào ung thư đã tới đâu, ở các cơ quan và vùng trọng điểm nào, bệnh viện, khu công nghiệp, khu dân cư hay khu chợ nào. Số lượng lây lan mỗi nơi cũng cần được biết rõ và đánh giá theo độ nguy hiểm theo các nhóm với mức độ từ cao đến thấp nhất, cùng các ứng phó khả thi của các biện pháp đi kèm.
Tôi đã nghe ý kiến cho rằng TP HCM hiện đã có nhiều người bị nhiễm, mà số lây nhiễm luôn thay đổi, việc tầm xét diện rộng chỉ tốn kém, không giải quyết được vấn đề.
Không xét nghiệm thì không thể tìm ra người lây nhiễm, hệ số lây nhiễm sẽ tăng rất nhanh thành thảm hoạ. Chúng ta chỉ có thể chữa được ung thư khi biết nó đã lây lan tới đâu, vào hạch, xương, gan, phổi hay chưa. Khi đánh giá được ở giai đoạn 1,2,3 hay 4 thì các phương án chữa trị cách ly, nhập viện, vaccine mới có ý nghĩa và hiệu lực cần thiết.
Trong bệnh dịch, cần xét nghiệm càng nhiều càng tốt để tìm ra hầu hết hay tất cả F0. Và đó là cách rất hiệu quả để cắt đứt móc xích lan truyền virus trong cộng đồng, nhờ đó mới có thể kiểm soát và dập dịch. Nếu ai còn nhớ, Việt Nam đã thành công ở ba đợt dịch trước là nhờ xét nghiệm và cách ly. Vì thế, ở đợt dịch này, làm rộng và ráo riết hơn nữa, ta sẽ có cơ hội thắng.
Về tiến hóa sinh học, lưu ý rằng virus Covid-19 có thể tiếp tục biến chủng bất cứ lúc nào. Với khả năng lây qua không khí như dịch sởi Tây Ban Nha 1918 và tỷ lệ sát thương cao đến 60%-80% như dịch bệnh SARS-1, thế giới khi đó sẽ phải chịu thêm một đại dịch nguy hiểm hơn hôm nay rất nhiều. Đó là lý do chúng ta không thể chủ quan.
Tôi đã có dịp nói về tầm quan trọng của vaccine trong bài trước. Tuy vaccine là vũ khí để chúng ta chủ động tấn công dịch, nhưng bên cạnh đó, tôi cho rằng xét nghiệm, truy vết, cách ly sẽ tiếp tục là vũ khí ưu tiên để Việt Nam không bị virus đánh úp như Ấn Độ khi họ đã quá tin vào khả năng sản xuất vaccine của nước mình.
Việc chúng ta tập trung toàn lực hôm nay là tăng tốc xét nghiệm, nhanh hơn, trên diện rộng hơn; tranh thủ có vaccine nhiều hơn và tuân thủ 5K. Bên cạnh đó, Chính phủ và chính quyền các địa phương nên làm mọi cách để giảm giá thành xét nghiệm hoặc tốt nhất có thể miễn phí cho người dân, doanh nghiệp.
Các cuộc đại phẫu luôn đau đớn và có thể có thương tích. Trong trận chiến sống còn, thay vì dành thời gian để chỉ trích nhau, ta cần nhiều can đảm và sự tin tưởng hơn nữa để cùng dấn thân và vượt qua.
Nguyễn Đức Thái