+
Aa
-
like
comment

Cuộc chiến văn hóa

sông trà - 25/11/2019 17:52

Biên giới hải đảo một khi bị xâm phạm, ta còn có thể cậy nhờ quốc tế can thiệp. Nhưng văn hóa mất rồi thì ai “lấy” lại giúp cho ta – người Việt?”.

Chẳng thế mà, trong lễ Kỷ niệm ngày di sản văn hoá Việt Nam vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định lại vai trò của văn hóa rằng: “Văn hoá không phải là thứ sản xuất trong một ngày, mà được kết tụ và bồi lắng suốt chiều dài lịch sử… Trong thời đại ngày nay, đáng sợ hơn cả mọi sự xâm lăng, đó là xâm lăng văn hóa”.

Khi người láng giềng “ăn cắp văn hóa”

Chuyện về “áo dài Việt Nam” có lẽ sẽ “âm ỉ” chứ không bùng phát dư luận nếu như trong Tuần lễ thời trang xuân hè 2019 tại Bắc Kinh khai mạc ngày 25/10/2018, Ne-Tiger đã công bố nhiều bộ sưu tập thời trang của họ, trong đó có những mẫu thiết kế gây bức xúc với người Việt vì nó cho thấy sự sao chép áo dài truyền thống Việt Nam, nhưng lại được giới thiệu là “sự sáng tạo” của nhà thiết kế.

Đáng nói hơn, tờ China Daily phiên bản tiếng Anh đề cập đến loạt thiết kế này với tiêu đề: Chinese style delights China S/S Fashion Week (tạm dịch: Phong cách Trung Quốc làm mê mẩn Tuần lễ thời trang Xuân – Hè). Cụm từ “Chinese style” (Phong cách Trung Quốc) khiến không ít người Việt phẫn nộ vì trang báo trên mặc định những trang phục này đều là phong cách của Trung Quốc.

Dĩ nhiên, những thông tin về cái gọi là “phong cách Trung Quốc” dường như chạm đến lòng tự trọng dân tộc, khiến cho những người triệu triệu người Việt Nam bất bình.

Trong thực tế những ngày lễ hội, kể cả tập thể, cộng đồng, dòng họ, gia đình, tiệc cưới,… người ta thường thấy nữ mặc bộ quần áo dài, đầu đội mũ tân thời, chân đi guốc, nam giới mặc áo the, quần trắng, đầu đội khăn xếp, chân đi giày,… hình thức này đã đi vào nghi thức lâu lắm rồi cho đến ngày nay như một di sản văn hóa truyền thống Việt không thể thiếu được!

Suy kỹ hơn, gần trăm năm Pháp đô hộ (từ khi tiếng súng bắt đầu nổ năm 1858 ở Đà Nẵng cho đến khi Pháp trao trả quyền tự trị cho Việt Nam vào năm 1949). Hơn một nghìn năm chịu ách thống trị của phương Bắc, áo dài đã được tiếp xúc với cả hai nền văn hóa mạnh mẽ phương Đông và phương Tây.

Không đơn thuần là trang phục truyền thống, mà áo dài còn là một nét văn hóa nói lên nhân sinh quan và gói trọn tinh thần Việt. Nói cách khác, Vượt qua hàng ngàn sóng gió, vượt qua hàng nghìn thử thách, áo dài hiên ngang trở thành bản sắc văn hóa Việt Nam. Đó chính là “quốc hồn” của phụ nữ Việt Nam, một biểu tượng, cũng như niềm kiêu hãnh của đất nước.

Khách quan hơn, dẫn giải chú thích theo Wiki: Áo dài là một loại trang phục cách tân từ áo Ngũ thân và vốn được xem là trang phục truyền thống của người Việt Nam. Xuất hiện từ năm 1744 (thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát – người có công sáng chế và định hình chiếc áo dài Việt Nam như hiện nay), áo dài đã đi qua bao thăng trầm lịch sử và trở thành trang phục quen thuộc trong cuộc sống đại chúng, biểu tượng của văn hóa Việt. “Áo dài” được đưa nguyên bản vào từ điển Oxford và được nhấn mạnh là trang phục của phụ nữ Việt.

Không thể phụ nhận được sức hút của tà tà áo dài truyền thống và áo dài có công lao rất lớn khi đã quảng bá hình ảnh của đất nước hình chữ S đi khắp thế giới. Luôn xuất hiện trong các cuộc thi hoa hậu phần trang phục truyền thống, áo dài đã được thế giới biết đến và xem là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.

Trường hợp này, người ta (nhà thiết kế của Ne-Tiger) sẵn sàng lấy những thứ không thuộc về mình và nhận những thứ không xứng đáng được nhận. Nếu thực sự có hiểu biết và có giáo dục thì khi làm gì sai con người sẽ tự vấn lương tâm ghê gớm; tự cảm thấy xấu hổ ghê gớm. Đáng nói ở chỗ, những việc tương tự như thế lại được nhà cầm quyền nước này cổ súy, biểu dương.

Chuyện di sản phi vật thể Việt bị Trung Quốc “nhận vơ” thành của mình từ lâu không mới. Điều này họ cũng từng làm với chiếc đàn bầu, khi làm bộ hồ sơ dày cộp đăng ký lên UNESCO để xin công nhận nhạc cụ thuần Việt này là “di sản văn hóa phi vật thể” của họ.

Vấn đề then chốt là làm sao để tránh được tình trạng bị xâm thực về văn hóa, và cảnh báo về “đường lưỡi bò văn hóa” phi pháp thứ hai.

Cuộc chiến văn hóa

Việt Nam có 54 dân tộc, trong đó có dân tộc Hoa. Trung Quốc có 56 dân tộc, trong đó có dân tộc Việt. Họ hoàn toàn có thể đánh tráo, biến báo, lập lờ, để công bố với thế giới, áo dài là của người Trung Quốc. Nhiều người lo lắng cũng như không khỏi phẫn nộ với các “sáng tạo” từ nhà mốt xứ Trung và gọi đó là hành vi “ăn cắp văn hóa”.

Một vấn đề đặt ra ở đây là, nước ta có nhiều dân tộc anh em sinh sống và mỗi dân tộc đều có riêng trang phục truyền thống của mình nên việc lựa chọn trang phục có ý nghĩa tiêu biểu để làm quốc phục là rất cần thiết.

Thế nhưng, việc công nhận áo dài là quốc phục của Việt Nam đã được đặt ra cách đây 5 năm. Nói đi nói lại hàng chục lần, không có gì mới cả. Không chỉ quốc phục cho nữ mà còn cả quốc phục cho nam nữa. Nó lâu nay được tụng ca là một phần quốc hồn, quốc túy của dân tộc, được bạn bè quốc tế nhớ đến, tới nay, vẫn chưa chính thức được công nhận là quốc phục của Việt Nam.

Đúng là, nói như Nhà thiết kế Sĩ Hoàng, đã có nhiều cơ hội để chiếc áo dài trở thành quốc phục của Việt Nam một cách danh chính ngôn thuận, nhưng chúng ta đều đã bỏ qua. Chúng ta có cơ hội, có điều kiện để biến khát vọng văn hóa Việt thành hiện thực, nhưng chúng ta đã không đoái hoài. Tôi hoàn toàn không hiểu vì lý do gì mà đến nay, chưa có bất kỳ một văn bản chính thức nào từ phía chính phủ công nhận áo dài là quốc phục Việt Nam. 5 năm trước không hiểu và cho đến bây giờ vẫn không hiểu.

Liên quan đến vấn đề này, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng cho biết: “Từ trước đến nay, ta tự suy tôn với nhau, qua truyền thông, qua báo chí, dư luận… rằng áo dài nữ là quốc phục của Việt Nam, nhưng dưới một văn bản pháp quy, một văn bản chính thức về mặt văn hóa thì chúng ta chưa có. Tôi cho rằng, Trung Quốc chớp được “sơ hở” này để triển khai “xâm lăng văn hóa”, thông qua chiếc áo dài…”

Câu chuyện này đặt ra bài học về việc xây dựng thương hiệu cho áo dài Việt Nam nói riêng và các thương hiệu văn hóa Việt Nam nói chung, để từ đó không chỉ giúp các sản phẩm văn hóa – nghệ thuật Việt Nam tạo ra những giá trị kinh tế cho đất nước, mà còn khẳng định giá trị văn hóa Việt Nam trên thế giới và tránh được tình trạng đánh cắp bản quyền.

Đồng thời, cần phải thực hành trong sinh hoạt đời sống hàng ngày để tạo nếp quen, nếp nghĩ. Tức là, áo dài là văn hóa mặc của người Việt Nam, muốn giữ được văn hóa đó bạn phải mặc. Mặc áo dài không chỉ để đẹp mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh: “Văn hoá không phải “là thứ sản xuất trong một ngày”, mà được kết tụ và bồi lắng suốt chiều dài lịch sử. “trong thời đại ngày nay, đáng sợ hơn cả mọi sự xâm lăng, đó là xâm lăng văn hóa”.

Vậy thì, ngay bây giờ, chúng ta hãy làm những công việc xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Từ những sự “va đập” về văn hóa mà người Trung đang cố tình thực hiện với Việt Nam như đường lưỡi bò xuất hiện trong các lĩnh vực tới ngoài thực địa, cho đến việc nhận vơ, chiếm đoạt các sản phẩm văn hóa truyền thống khác, suy cho cùng nó nằm trong chiến lược bá quyền của đội ngũ cán bộ mang trong mình tư tưởng “diều hâu”.

Xin nhắc lại, hiện tại, áo dài vẫn chưa được công nhận trên mặt giấy tờ. Áo dài vẫn chỉ là trang phục mang tính đại chúng, được người Việt Nam mặc nhiều nhất. Vì thế, đã đến lúc công nhận áo dài là quốc phục của người Việt Nam là việc rất cần thiết. Khi chưa công nhận áo dài là quốc phục trên giấy tờ thì những tranh cãi sẽ còn kéo dài và cuộc chiến văn hóa này sẽ thêm phần phức tạp.

Có điều, chúng ta thiếu người dám quyết công nhận áo dài nữ là quốc phục của Việt Nam?

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều