+
Aa
-
like
comment

Cuộc chiến tranh hỗn hợp toàn cầu của TT Nga Putin: “Mọi con đường đều dẫn tới Ukraine”

04/03/2021 16:15

Nhà phân tích Peter Dickinson cho rằng “Ukraine trở thành chiến trường hợp lý nhất để Phương Tây chống lại Nga và là cơ hội tốt nhất để đạt được một chiến thắng quyết định”.

Mới đây, tổ chức Atlantic Council đăng tải bài phân tích nhan đề: “All roads lead to Ukraine in Putin’s global hybrid war” (tạm dịch: Cuộc chiến hỗn hợp toàn cầu của Putin: Mọi con đường đều dẫn tới Ukraine) của tác giả Peter Dickinson.

Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn sắc bén về nguy cơ nổ ra một cuộc chiến mới ở miền đông Ukraine trong bối cảnh gia tăng các cuộc đụng độ giữa các lực lượng của Kiev và các tay súng thân Nga, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Cuộc chiến hỗn hợp toàn cầu của Tổng thống Nga Putin

Cuối năm 2020, các cảnh báo đã được đưa ra vào thời điểm các cuộc tấn công mạng quy mô lớn của Nga vào Mỹ bị hé lộ, tuy nhiên nó lại không hề gây sốc. Thay vào đó, tồn tại một bầu không khí cho rằng cuộc tấn công này là “không thể tránh khỏi”.

Phản ứng có phần “cam chịu” này cho thấy Phương Tây đã quen với định nghĩa “một nước Nga thù địch”.

Cần nhấn mạnh rằng mọi thứ không như vậy ở trong quá khứ. Hơn 8 năm trước, vào khoảng tháng 10/2012, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama vẫn tỏ ra thoải mái khi chỉ trích đối thủ Mitt Romney vì đã gọi Nga là “kẻ thù địa chính trị số một của Mỹ”.

“(Những thế lực đại diện cho) thập niên 1980 hiện đang kêu gọi quay trở lại chính sách đối ngoại của họ bởi vì, bạn biết đấy, Chiến tranh Lạnh đã kết thúc được 20 năm”, ông Obama châm biếm.

Tại sao chỉ trong vòng chưa đầy một thập kỷ chúng ta lại chứng kiến một cuộc Chiến tranh Lạnh mới?

Cuộc chiến tranh hỗn hợp toàn cầu của TT Nga Putin: Mọi con đường đều dẫn tới Ukraine - Ảnh 1.

Cuộc chiến tranh ngắn tại Nam Ossetia và Gruzia vào năm 2008 đã làm quan hệ giữa Nga và Phương Tây trở nên căng thẳng, thì bước ngoặt thực sự đến vào tháng 2/2014 khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine.

Đây là thời điểm mang tính bước ngoặt trong lịch sử thế kỷ 21. Nó đánh dấu buổi bình minh của một kỷ nguyên cạnh tranh mới và đầy khó khăn giữa Nga và Phương Tây.

Kể từ khi những “người xanh của ông Putin” (những người lính Nga không mang quân hàm) chiếm lĩnh Crimea cách đây 7 năm, cuộc đối đầu đã tiếp tục mở rộng và leo thang.

Trong thời kỳ này, chiến tranh đã diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ rõ ràng nhất là cuộc xung đột đã và đang diễn ra ở miền đông Ukraine.

Song song với đó, các thế lực thân Nga đang mở rộng trên khắp thế giới, tin tặc Nga đã leo thang trong chiến tranh mạng, tấn công mọi mục tiêu, từ các đảng phái chính trị đến cơ sở hạ tầng thiết yếu của các đối thủ.

Tất cả được hỗ trợ bởi một bộ máy truyền thông khổng lồ trên Internet do Điện Kremlin hậu thuẫn.

Mục đích của tất cả những điều này không phải là để đánh bại Phương Tây, điều mà chính người Nga từng thừa nhận là “không thể”. Thay vào đó, Moscow tìm cách đảm bảo vị thế của mình bằng cách làm suy yếu “quyền lực mềm” của Phương Tây.

Cuộc chiến tranh hỗn hợp toàn cầu của TT Nga Putin: Mọi con đường đều dẫn tới Ukraine - Ảnh 2.
Một nhóm đặc nhiệm của lực lượng Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng tại Donbass.

“Mọi con đường đều dẫn tới Ukraine”

Điện Kremlin coi cuộc chiến hỗn hợp hiện tại là một phản ứng hoàn toàn hợp lý và về cơ bản là phòng thủ đối với mối đe dọa đối với Nga. Quan điểm này phần lớn bắt nguồn từ sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991.

Người Nga đã sẵn sàng ngăn chặn sự lặp lại của thảm họa này và bị ám ảnh bởi ý tưởng về cái gọi là “cuộc cách mạng màu” đang diễn ra bên trong chính nước Nga. Điều này trực tiếp dẫn đến cuộc can thiệp của Nga vào Ukraine sau cuộc khủng hoảng Euromaidan vào 2014.

7 năm sau những sự kiện đó, Ukraine vẫn là tâm điểm của cuộc đối đầu giữa Nga và Phương Tây. Moscow vẫn tiếp tục khẳng định Crimea là một phần của nước Nga và súng vẫn nổ ở miền đông Ukraine.

Cuộc chiến tranh hỗn hợp toàn cầu của TT Nga Putin: Mọi con đường đều dẫn tới Ukraine - Ảnh 3.
Các khu vực do lực lượng thân Nga kiểm soát tại miền đông Ukraine.

Vào ngày 17/12/2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố kế hoạch tăng cường sự hậu thuẫn của Nga cho các nước Cộng hòa tự xưng ở vùng Donbass, miền đông Ukraine: “Nga sẽ tiếp tục ủng hộ Donbass. Thậm chí chúng tôi sẽ tăng cường hỗ trợ của mình”.

Để phủ nhận cuộc chiến hỗn hợp của Nga đang diễn ra ở Ukraine, ông Putin đặc biệt cẩn thận trong việc “đóng khung” tuyên bố này trong mối quan tâm đối với cơ sở hạ tầng và các vấn đề xã hội của các nước láng giềng.

Tuy nhiên điều không thể nhầm lẫn là những cam kết đầy tính đe dọa của ông là “tiếp tục chủ động tham gia (ở miền đông Ukraine) không chỉ trên mặt trận nhân đạo mà còn thông qua hợp tác trực tiếp”.

Mặc dù Moscow công nhận Donbass là lãnh thổ Ukraine và cam kết thực thi lộ trình tái hòa nhập vào Ukraine, nhưng trên thực tế, Điện Kremlin đã có những bước đi đáng kể để khiến mọi nỗ lực tái hòa nhập trong tương lai trở nên vô ích.

Cuộc chiến tranh hỗn hợp toàn cầu của TT Nga Putin: Mọi con đường đều dẫn tới Ukraine - Ảnh 4.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong buổi họp báo tại Moscow vào ngày 17/12/2020 thông qua hội thảo trực tuyến.

Kể từ mùa xuân năm 2014, người dân địa phương ở Donbass đã phải đối mặt với làn sóng tuyên truyền không ngừng ca ngợi Điện Kremlin và “ác quỷ hóa” Ukraine.

Moscow cũng đã bắt đầu phân phát hộ chiếu Nga cho người dân Donbass từ mùa xuân năm 2019.

Chiến lược bảo hộ công dân của Nga nay đã được “vũ khí hóa” đang biến miền Đông Ukraine thành một vùng bảo hộ và mở đường cho sự can thiệp công khai của Nga.

Có nghĩa là cả khi Ukraine có thể giành lại quyền kiểm soát trên danh nghĩa đối với khu vực, thì số lượng khổng lồ người mang hộ chiếu Nga sẽ cung cấp cho Moscow vô vàn lý do để can thiệp.

Cuộc chiến tranh hỗn hợp toàn cầu của TT Nga Putin: Mọi con đường đều dẫn tới Ukraine - Ảnh 5.

Chiến tranh Donbass 2.0 sắp bùng nổ?

Việc Nga từ chối thỏa hiệp với Ukraine bất chấp những cái giá phải trả đang dần được tiết lộ.

Đó là một dấu hiệu cho thấy quyết tâm của Moscow trong việc ngăn cản Phương Tây có được chỗ đứng trong các vùng ảnh hưởng của Nga, và là một lời nhắc nhở rằng không quốc gia nào quan trọng đối với Nga hơn Ukraine.

Trên thực tế, Ukraine được nhiều người đánh giá là gần gũi về mặt lịch sử và văn hóa với Nga đến nỗi nhiều người Nga vẫn khó chấp nhận nó như một quốc gia độc lập và riêng biệt.

Nhưng “mặt khác của đồng xu” khiến Ukraine trở thành chiến trường hợp lý nhất để Phương Tây chống lại Nga và là cơ hội tốt nhất để đạt được một chiến thắng quyết định.

Cuộc chiến tranh hỗn hợp toàn cầu của TT Nga Putin: Mọi con đường đều dẫn tới Ukraine - Ảnh 7.
Lính đặc nhiệm Ukraine huấn luyện tác chiến đô thị vào năm 2019.

Thật không may, Phương Tây vẫn chưa cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ tương tự như đã dành cho các nước Trung Âu trong suốt những năm 1990. Thay vào đó, sự hậu thuẫn này vẫn còn tương đối khiêm tốn.

Với những thay đổi như ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ rời khỏi nhiệm sở trong những tháng tới, năm 2021 sẽ là một năm quan trọng đối với Phương Tây.

Thứ duy nhất mà Moscow sẽ coi trọng là sức mạnh, đó là điều mà cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill đã kết luận trong phát biểu được coi là “phát súng mở đầu Chiến tranh Lạnh” vào năm 1946:

“Không có gì họ ngưỡng mộ nhiều như sức mạnh, và không có gì mà họ khinh thường hơn nền quân sự yếu kém”.

Điều này vẫn đúng cho đến ngày nay và nơi chứng tỏ sức mạnh của Phương Tây chắc chắn là Ukraine.

Hoài Giang

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều