+
Aa
-
like
comment

Cuộc chiến tin giả không hồi kết xoay quanh Nga – Ukraine

Hồng Ngọc - 04/03/2022 08:37

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Ukraine với hơn 70% số phiếu vào năm 2019, khi đó ông được tôn vinh là một anh hùng có khả năng đứng trước Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tuy nhiên, một số người cho rằng cựu diễn viên hài này chỉ là một nhà lãnh đạo mới vào nghề và là người đã khiến đất nước lâm vào cảnh “chiến tranh”. Sự đối lập của các luồng quan điểm này được quan sát trên mạng xã hội với sự xuất hiện của nhiều tin tức giả, sai sự thật nhắm vào chính Tổng thống Ukraine và cả chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.

Tin đồn về việc chạy trốn khỏi Kiev

Ngày 26/2, ca sĩ Francis Lalanne và chuyên gia UFO Silvana Trotta đã tung tin, cho rằng Tổng thống Volodymyr Zelensky rời khỏi Kiev.

“Tôi rất ngạc nhiên sau khi xem đoạn video dối trá này, tổng thống Ukraine nói rằng ông ấy đang ở Kiev trong khi ngày hôm qua, một số nhà lãnh đạo châu Âu bao gồm Mario Draghi ở Ý nói rằng ông ấy đang lẩn trốn…” trích từ bài đăng của Silvano Trotta trên Telegram và được chuyển tiếp lên Twitter và VK bởi Francis Lalanne.

“Trên thực tế anh ta đang nói dối người dân của mình, anh ta đã chạy trốn ra khỏi Kiev và những đoạn video đã được dàn dựng sẵn từ trước”, ông Francis nói thêm.

Để minh chứng, họ đính kèm ảnh chụp màn hình một bài báo tiếng Anh từ trang Sputnik của Nga, trong đó có tuyên bố cho rằng Tổng thống Ukraine sẽ rời thủ đô đến Lviv, ở phía tây đất nước. Theo Guillaume Brossard, một trong những người sáng lập trang HoaxBuster, tin đồn này do cơ quan nhà nước RIA Novosti đưa ra, sau đó được trang báo RT (trước đây là Russia Today) và Sputnik của Nga đăng lên.

Ảnh chụp màn hình clip trên Facebook của Tổng thống Zelensky sáng 26.2

Nhận thức được những tin đồn về mình, Tổng thống Ukraine đã tự mình đáp trả trên các tài khoản Twitter, Facebook và Instagram: “Có rất nhiều thông tin sai lệch nói rằng tôi sẽ bảo quân đội hạ vũ khí. Tôi ở đây, và quân đội chúng tôi không có ý định buông vũ khí. Chúng tôi sẽ chiến đấu vì đất nước của mình”, Tổng thống Zelensky đã phải đính chính trong đoạn phim được quay trước tòa nhà Chimeras, ở Kiev.

Vào buổi tối trước đó, tổng thống Zelensky đã chia sẻ một video đi bộ trên đường phố Kiev, cùng với Thủ tướng, Denys Chmyhal (người đã giơ điện thoại của mình ra để chứng minh rằng đó không phải là một cảnh quay trước), và Mykhaïlo Podoliak, cố vấn cho tổng thống. Kể từ đó, Tổng thống buộc phải chia sẻ hằng ngày trên trang facebook cá nhân của mình trích đoạn những cuộc họp báo được tổ chức bởi văn phòng tổng thống để tránh những nguồn tin sai lệch.

Hình ảnh của Volodymyr Zelensky trên chiến tuyến

Để cho thấy được sự dũng cảm của Volodymyr Zelensky, những người ủng hộ đã đăng rất nhiều bức ảnh của ông trên chiến tuyến: “Trong vài ngày tới, người đàn ông này sẽ cho cả thế giới thấy ý nghĩa thực sự của từ can đảm”, một người dùng mạng xã hội Twitter viết đồng thời chia sẻ bức ảnh tổng thống Ukraine trong bộ quân phục.

Ngoài ra, trong một tweet được đăng vào ngày 25/2 đã bình luận: “Tổng thống Ukraine Zelensky đã đến thăm chiến tuyến cách đây vài giờ ở phía đông Kiev. Anh ấy thực sự rất dũng cảm”, thông điệp này cũng được đính kèm với một bức ảnh của nhà lãnh đạo Ukraine trong bộ quân phục.

Trên thực tế, những bức ảnh của Volodymyr Zelensky trong bộ quân phục là có thực nhưng đó là bức ảnh đã được chụp từ tháng 2/2021, trong chuyến thăm với các nhà ngoại giao phương Tây ở chiến tuyến chống lại phe ly khai thân Nga, miền đông Ukraine. Vậy ra, những gì được PR cũng chỉ là tin giả.

Bức ảnh giả mạo

Ở một diễn biến khác, trong lời giải thích của tổng thống Nga về chiến dịch quân sự ở Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin có đề cập đến việc phi phát xít hóa ở Ukraine. Sau đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đáp lại rằng: “Họ đã nói với bạn rằng chúng tôi là Đức Quốc xã. Vậy thì tại sao quốc gia này lại có thể đã hy sinh tám triệu sinh mạng để chống lại chủ nghĩa Quốc xã? Làm sao tôi có thể trở thành một người Đức quốc xã?”

Cùng lúc đó, MXH cũng đang lan truyền hình ảnh Tổng thống Zelensky với chiếc áo bóng đá có hình chữ thập ngoặc, đã gây ra nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, đó thực chất chỉ là một hình ảnh giả mạo, đã bị chỉnh sửa lại. Còn bức ảnh gốc được chính Volodymyr Zelensky đăng bằng tài khoản Instagram của ông vào ngày 8/6/2021 khi tạo dáng với chiếc áo đấu của đội tuyển Ukraine nhân dịp giải vô địch bóng đá châu Âu.

Những tin tức giả không chỉ nhắm đến tổng thống Volodymyr Zelensky mà ở Pháp, trên mạng xã hội xôn xao về việc xuất hiện những thuyết âm mưu đằng sau chiến tranh Ukraine.

Không có chiến tranh

Nhóm Alliance Humaine, dẫn đầu bởi nhà quay phim Antoine “Q” Cuttita và Martine Wonner, một thành viên của hạ viện Pháp, trên kênh Telegram của nhóm đã khẳng định rằng không có chiến tranh xảy ra ở Ukraine, các binh sĩ Nga và Ukraine chỉ đang khiêu vũ cùng nhau.

Nhiều tài khoản chuyển tiếp liên kết video này đến tài khoản Telegram của nhóm Alliance Humaine. Đây là một video không có nguồn gốc, không ghi ngày tháng và cũng không có bằng chứng cho thấy binh lính Ukraine có mặt. Trang web “OBOZREVATEL” của Ukraine chỉ ra rằng cảnh quay trong video diễn ra ở Crimea trong các cuộc tập trận.

Phòng thí nghiệm sinh học Mỹ

Được đăng lên đầu tiên bởi tài khoản Debunker des Etoiles, lý luận về việc ông Vladimir Potin đang nhắm mục tiêu đến các phòng thí nghiệm sinh học của Mỹ ở Ukraine đã lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội.

Những tuyên bố về việc Mỹ đang vận hành các phòng thí nghiệm sinh học bí mật ở Ukraine là một trong những điều đã được các nhà tuyên truyền Nga liên tục đưa ra kể từ năm 2018. Tuy nhiên tin tức giả mạo đã được trang snopes.com vạch trần.

Với xã hội hiện đại, đôi khi “chiến tranh” không còn đơn thuần chỉ là những chiến dịch quân sự hóa mà nó còn là những âm mưu tấn công trên không gian mạng nhằm nâng đỡ hoặc hạ bệ một quốc gia, một cá nhân nào đó.

Bất kỳ ai có một chiếc điện thoại có kết nối Internet đều có thể cập nhật từng phút diễn biến liên quan xung đột vũ trang đang diễn ra tại Ukraine.

Trên các nền tảng mạng xã hội, số lượng bài đăng vượt ra khỏi khả năng xử lý hay kiểm tra thông tin của nhà quản lý. Các dạng bài này pha trộn đủ loại thông tin: thật, giả, sai lệch ngữ cảnh và cả thông điệp tuyên truyền.

Theo giới chuyên gia, việc khó khăn là xác định thông tin sai lệch, nhất là làm sao có thể phân biệt được đâu là tin giả với các mục đích, thủ đoạn chính trị, đâu đơn thuần là thông tin theo kiểu tự do ngôn luận. Vì thế, một trong những cách tốt nhất để đọc tin tức nóng hổi về tình hình chiến sự, là theo dõi các phóng viên đã được xác thực của các cơ sở tin cậy.

Mặc dù vậy, vẫn cần giữ nguyên tắc thái độ hoài nghi, vì thông tin của truyền thông các bên có thể mang thông điệp tuyên truyền và nội dung thiên lệch.

Hồng Ngọc (Theo Public France)

Bài mới
Đọc nhiều