+
Aa
-
like
comment

“Cuộc chiến sống còn” trước những kẻ chỉ biết manh nha phá hoại đất nước

Bảo An - 13/06/2021 17:26

Việt Nam là một trong các quốc gia có số người dùng mạng xã hội lớn nhất thế giới. Cùng với những mặt tích cực, mạng xã hội cũng đang bộc lộ không ít mặt trái, đặc biệt là việc các cá nhân, tổ chức chống phá, chống đối, cơ hội sử dụng mạng xã hội để lan truyền những thông tin, luận điệu sai trái, độc hại, vô căn cứ nhằm xâm phạm đến an ninh quốc gia, gây hoang mang dư luận.

Những luồng thông tin độc hại đang được các tổ chức chống phá, xuyên tạc lan truyền trên mạng xã hội.
Những luồng thông tin độc hại đang được các tổ chức chống phá, xuyên tạc lan truyền trên mạng xã hội.

Hiện nay, Việt Nam có hơn 55 triệu người dùng mạng xã hội, xếp thứ 7 trong tổng số 10 nước có số người dùng mạng xã hội lớn nhất thế giới. Rõ ràng, trong thời đại công nghệ, mạng xã hội đã góp phần thay đổi cuộc sống, trở thành một diễn đàn để người dân chia sẻ thông tin, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, thúc đẩy tính công khai, dân chủ, minh bạch trong hoạt động của Nhà nước.

Tuy nhiên, với tính mở của mạng xã hội, khi mà các thông tin được đưa lên có số lượng lớn, tính thật giả chưa được kiểm duyệt, mạng xã hội cũng trở thành một “chiến trường thông tin”. Nguy hiểm hơn, thời gian vừa qua, mạng xã hội đã trở thành một công cụ, phương tiện để các thế lực thù địch, các đối tượng chống phá, cơ hội sử dụng nhằm tấn công chống phá Nhà nước Việt Nam, thực hiện “chiến tranh tâm lý”.

Hàng loạt các trang mạng xã hội đã được các đối tượng xấu lập ra và điều hành để truyền bá các thông tin, luận điệu, sai trái, độc hại như: Nước Mỹ trở lại, Việt Tân, Chân trời mới media, Hội anh em dân chủ, Thanh niên công giáo, Dân làm báo VN…

Núp dưới vỏ bọc tự do ngôn luận, tự do báo chí, các đối tượng xấu đã ngang nhiên thách thức pháp luật, chà đạp lên pháp luật, tung ra những thông tin, bài viết, bài đánh giá mang tính nhận định chủ quan, thậm chí là xuyên tạc một cách trắng trợn. Đi liền với đó, các đối tượng cũng tung ra những hình ảnh mang tính cắt ghép để hướng lái thông tin, đánh lận bản chất vụ việc hòng đe doạ người dân, kích động sự hoài nghi của cộng đồng, tạo ra sự hoài nghi gây mất đoàn kết toàn dân.

Hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng được các đối tượng thực hiện vừa ngấm ngầm, vừa công khai, với nhiều phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi. Để đánh lừa dư luận, các đối tượng này lồng ghép giữa thông tin thật với thông tin giả. Cùng với đó, các đối tượng triệt để lợi dụng các vấn đề nóng, sự kiện được dư luận xã hội quan tâm để từ đó chọc ngoáy, hướng lái dư luận. Đơn cử như thời gian gần đây, nhận thức được việc dư luận đang dành sự quan tâm đặc biệt cho vấn đề tiêm vaccine phòng covid-19, lợi dụng việc chính quyền vừa đồng ý sử dụng vaccine do Trung Quốc sản xuất, các đối tượng xấu đã nhanh chóng tận dụng vấn đề, hướng lái dư luận theo hướng tiêu cực, vu khống rằng “chính quyền đang mua thuốc độc cho nhân dân”.

Có thể thấy, hoạt động chống phá trên không gian mạng được các đối tượng tập trung vào các nội dung chính gồm: xuyên tạc, đổ lỗi cho chế độ, cho chính quyền, bôi nhọ các hoạt động của Đảng, Nhà nước, kích động tư tưởng bất mãn với chế độ; cổ vũ, tung hô các giá trị dân chủ, nhân quyền phương Tây, hình tượng hoá các nước tư bản như một thiên đường của tự do, dân chủ, nhân quyền; kích động sự bất mãn đối với đất nước, cổ suý các hoạt động chống phá, tư tưởng ly khai, thù hằn dân tộc; phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc, tạo ra sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” từ bên trong đất nước; lợi dụng vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền để công kích chế độ, bôi nhọ đất nước, tạo cớ cho các thế lực bên ngoài chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam; kêu gọi hình thành các tổ chức “xã hội dân sự” để lôi kéo, tập hợp lực lượng, hình thành tổ chức dân sự đối lập với chính quyền …

Dưới sự trợ sức của các thế lực thù địch, sự a dua, phụ hoạ, “bảo trợ truyền thông” của một số báo đài nước ngoài, không ít trang mạng xã hội độc hại đã phát triển, thu hút được lượng người theo dõi lớn. Thông qua các trang mạng xã hội này, các đối tượng đưa ra hàng chục bài viết, hình ảnh, video có nội dung sai trái, độc hại mỗi ngày. Những thông tin này sau đó tiếp tục được các đối tượng tay sai, chống đối, cơ hội like, share (chia sẻ) về các trang cá nhân, tạo ra một sự lây lan nhanh chóng, tiếp cận đến nhiều người dùng trên mạng. Đây là nguy cơ vô cùng nguy hiểm, đe doạ đến sự an toàn, ổn định của xã hội.

Mạng xã hội đang trở thành nơi để các đối tượng xấu tập dượt cho việc lôi kéo, tổ chức người dân tham gia vào các hoạt động chống phá. Từ đây, các đối tượng hiện thực hoá hoạt động bạo loạn lật đổ theo hướng “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”. Có thể khẳng định, mạng xã hội đang trở thành một “chiến trường”. Trong đó, đối tượng tác động là niềm tin, nhận thức của người dân; “vũ khí” là những thông tin xuyên tạc, sai sự thật. Hơn bao giờ hết, cuộc đấu tranh trên mạng xã hội đang diễn ra hết sức quyết liệt, với nhiều thách thức. Nếu chúng ta lơ là, mất cảnh giác trước các hoạt động chống phá trên mạng xã hội, rất có thể chúng ta phải đánh đổi bằng sự tồn vong của chế độ.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Bài mới
Đọc nhiều