Cuộc chiến Nga – Ukraine: Bước chuyển mới trong cục diện quan hệ Nga – Trung – Mỹ
Cuộc chiến Nga Ukraine được xem là xung đột địa chính trị nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến thứ 2. Nó có tác động mạnh, tạo nên bước chuyển mới trong cục diện quan hệ giữa 3 cường quốc Nga Trung Mỹ.
Nga Trung xích lại gần nhau
Việc phát động “Chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine ngày 24/2 khiến Nga rơi vào tình thế khó khăn. Trên chiến trường, quân Nga vấp phải sự kháng cự, đáp trả mạnh mẽ của Ukraine, khiến mục tiêu đánh bại Ukraine bằng một cuộc chiến chớp nhoáng không đạt được.
Trong khi đó, Mỹ và châu Âu đồng tâm hiệp lực ủng hộ Ukraine, cô lập, bao vây kinh tế Nga tứ phía bằng một loạt lệnh trừng phạt hà khắc chưa từng có. Nga có ít lựa chọn và cần Trung Quốc trên nhiều phương diện, nhất là về tài chính, thương mại…
Với Trung Quốc, về kinh tế, họ cần nhập dầu mỏ, khí đốt, lương thực, khoáng sản của Nga và xuất hàng hóa tiêu dùng, công nghệ sang Nga. Thực tế, quan hệ thương mại giữa hai nước gia tăng nhanh chóng. Năm 2021 tăng 36%, đạt 147 tỷ USD; tăng 38,5% trong 2 tháng đầu năm nay. Việc nhập khẩu dầu thô và lương thực từ Nga còn giúp Trung Quốc đa dạng nguồn nhập khẩu, giảm rủi ro an ninh năng lượng và lương thực.
Đây còn là cơ hội để Trung Quốc thúc đẩy hệ thống thanh toán quốc tế CIPS của mình nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào các cơ sở hạ tầng tài chính do phương Tây kiểm soát như SWIFT. Thực tế, khi ngân hàng Trung ương Nga bị châu Âu cấm tham gia SWIFT, Tân hoa xã đã loan tải thông tin rằng, các tổ chức tài chính Nga bị loại khỏi SWIFT có thể tham gia vào CIPS của Trung Quốc.
Khi các mạng lưới thanh toán Visa, Mastercard và American Express tạm ngừng hoạt động ở Nga, nhiều ngân hàng Trung Quốc nhanh chóng phát hành thẻ liên kết với cả 2 hệ thống thanh toán quốc tế Mir của Nga và UnionPay của Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc điển hình như Didi Chuxing và Lenovo đang lấp khoảng trống do các công ty phương Tây rút khỏi Nga.
Trung Quốc còn có thể đảm nhận vai trò làm cầu nối cho Nga với phần còn lại của thế giới bởi lẽ trong những năm tới, Moscow khó tự thúc đẩy các chương trình nghị sự quốc tế.
Về an ninh, chính trị, Trung Quốc có sự chia sẻ với Nga trong nhiều vấn đề như ý thức hệ, an ninh, không gian mạng, quản trị toàn cầu, tầm nhìn về trật tự thế giới, đặc biệt cùng chung sự đối đầu với Mỹ.
Một nước lớn với tiềm lực quân sự hàng đầu thế giới như Nga quả là “món lợi lớn” đối với Trung Quốc trong cạnh tranh địa chính trị với Mỹ. Nga đưa quân vào Ukraine khiến Mỹ dù ít hay nhiều phải để ý đến châu Âu hơn, do vậy, phần nào giảm bớt áp lực với Trung Quốc ở châu Á. Nga có thể ủng hộ khi Trung Quốc gia tăng các yêu sách lãnh thổ dọc vùng ngoại vi của mình, ủng hộ lập trường của Trung Quốc đối với Đài Loan, trong các vấn đề quốc tế và toàn cầu.
Trung Quốc có lý do thích đáng để “nuôi dưỡng” mối quan hệ với Nga vì mục tiêu lâu dài của mình. Như vậy, quan hệ Nga Trung đã được cải thiện đáng kể trong hơn 30 năm qua và tiếp tục xích lại gần nhau hơn.
Mỹ Trung căng thẳng nhưng vẫn hợp tác
Quan hệ Mỹ Trung vốn đã xấu đi trong những năm gần đây nay lại trở nên căng thẳng hơn liên quan tới việc Nga đưa quân vào Ukraine. Mỹ cùng phương Tây đồng loạt ra đòn trừng phạt cô lập, bao vây kìm kẹp khiến kinh tế Nga suy sụp.
Mỹ không chỉ muốn Trung Quốc không được giúp Nga hóa giải lệnh trừng phạt mà còn muốn ngăn cản Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau. Thái độ và ứng xử của Trung Quốc đối với các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây áp đặt Nga là điểm nóng trong quan hệ hai nước.
Bắc Kinh muốn “nuôi dưỡng” mối quan hệ với Nga vì mục tiêu lâu dài trong cạnh tranh địa chính trị với Mỹ nhưng có lý do thích đáng để không mạo hiểm vi phạm trắng trợn lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây để “cứu” Nga.
Bởi lẽ, Trung Quốc thừa hiểu rằng để vượt Mỹ, trở thành nền kinh tế số 1 thế giới, họ không thể không làm ăn với Mỹ và phương Tây. Thực tế, về lợi ích kinh tế, Mỹ và phương Tây là “món lợi lớn” đối với Trung Quốc. Quy mô thương mại năm 2021 giữa Trung Quốc với Mỹ và EU là 1.600 tỷ USD, gấp hơn 10 lần quy mô thương mại giữa Trung Quốc và Nga 147 tỷ USD.
Qua bài học của Nga, Trung Quốc cũng thấy ớn lạnh với đòn trừng phạt của Mỹ và phương Tây khi số dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới trị giá 3.250 USD có thể bị đóng băng sau 1 đêm. Tệ hơn, bản thân Trung Quốc không đảm bảo được an ninh năng lượng và lương thực bởi Mỹ có thể phong tỏa các tuyến đường vận tải biển bất cứ lúc nào.
Bởi vậy, Trung Quốc không hùa theo Mỹ trừng phạt Nga nhưng cũng đủ tỉnh táo không cứu Nga bằng mọi giá. Có lẽ, nước này sẽ tìm cách nào đó nằm ngoài lệnh trừng phạt để hỗ trợ Nga ở chừng mực nhất định.
Thực tế, do lo ngại bị trừng phạt, 2 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc là Industrial and Commercial Bank of China và Bank of China đang hạn chế cấp vốn cho các hoạt động mua hàng hóa từ Nga, còn ngân hàng Asian Infrastructure Investment Bank do Trung Quốc dẫn dắt đã ngừng cho vay đối với Nga và Belarus.
Đối với Mỹ và phương Tây, việc cô lập, bao vây kinh tế Trung Quốc gây đau đớn hơn Nga gấp bội bởi Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, chiếm hơn 17% GDP toàn cầu, hội nhập sâu sắc với các chuỗi cung ứng phương Tây. Có sự phụ thuộc lẫn nhau không hề nhẹ giữa kinh tế Trung Quốc và Mỹ, châu Âu. Nhiều công ty đa quốc gia phương Tây lấy đại lục là trung tâm trong chiến lược kinh doanh, thị trường Trung Quốc quá lớn khiến Mỹ và phương Tây rất khó sẵn lòng chấp nhận hy sinh
Bởi vậy, dù căng thẳng gia tăng nhưng Trung Quốc và Mỹ sẽ vẫn đủ tỉnh táo để thương lượng, dàn xếp để duy trì quan hệ làm ăn kinh tế, không đẩy kinh tế toàn cầu phân tách thành hai khối.
Nga Mỹ đối đầu chưa có lối thoát
Trong một thời gian dài, Mỹ dường như không còn xem Nga là mối đe dọa nghiêm trọng như trước đây. Washington “lỏng tay” với Nga để tập trung vào cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc ở châu Á. Nhưng sau chiến sự tại Ukraine, mọi thứ đã đảo lộn.
Mỹ cùng với EU và các nước đồng loạt áp đặt các lệnh trừng phạt khắc nghiệt chưa từng có nhằm cô lập, bao vây hủy diệt kinh tế Nga. Đối mặt với các đòn trừng phạt, Moscow liên tục tung đòn đáp trả khiến cuộc chiến ăn miếng trả miếng ngày càng leo thang chưa rõ hồi kết.
Chiến sự tại Ukraine khiến vai trò lãnh đạo châu Âu của Mỹ được củng cố đáng kể. Nội bộ châu Âu đoàn kết và thống nhất hơn, ngay cả Pháp và Đức trước đó muốn “thoát Mỹ” thì nay trở lại khuôn khổ phòng thủ NATO. Đức và các nước EU tăng ngân sách quốc phòng, Thụy Sĩ, Thụy Điển từ bỏ địa vị trung lập.
Mỹ chuyển thêm quân đến châu Âu, bờ biên giới phía đông của NATO được củng cố. Mỹ cũng đang giúp EU thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga trước năm 2030, đã đặt mục tiêu cắt giảm gần 80% lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga ngay trong năm 2022.
Mỹ lãnh đạo một châu Âu đoàn kết và thống nhất trong cuộc đối đầu với Nga, cô lập và kìm giữ, nhằm tách Nga ra khỏi nền kinh tế toàn cầu, nguồn đầu tư nước ngoài suy giảm, khó khăn trong huy động vốn, ngưng trệ trong chuyển giao công nghệ.
Quan hệ đối đầu Nga Mỹ rất khó có thể quay đầu, chưa có lối thoát, cũng chưa rõ hồi kết.
Phạm Mạnh Hùng