+
Aa
-
like
comment

Cuộc chiến kinh tế quan trọng như cuộc chiến chống đại dịch

08/04/2020 08:36

Cuộc chiến kinh tế để chống suy giảm chắc chắn sẽ kéo dài hơn cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đưa ra các giải pháp cho cuộc chiến kinh tế.

Những ngày này, đất nước ta đang giữa hai cuộc chiến: cuộc chiến y tế với mục tiêu đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 bảo vệ sức khỏe của nhân dân và cuộc chiến kinh tế với mục tiêu đẩy lùi suy thoái, duy trì tăng trưởng, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động.

Trong khi đội quân áo trắng những thầy thuốc của nhân dân là những chiến sỹ trên tuyến đầu trong cuộc chiến y tế, thì đội ngũ doanh nghiệp doanh nhân là những chiến sỹ trên tuyến đầu trong cuộc chiến kinh tế. Cả hai cuộc chiến đều khốc liệt.

Trong cuộc chiến kinh tế, những nỗ lực của chúng ta mới chỉ ở bước khởi đầu. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, nhưng việc thực thi của các bộ ngành và địa phương còn chậm. Nếu chống dịch như chống giặc thì trong cuộc chiến chống suy thoái và duy trì tăng trưởng cũng cần phải khẩn trương quyết liệt và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn dân.

Cuộc chiến kinh tế để chống suy giảm chắc chắn sẽ kéo dài hơn cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh. Tổng thư ký Liên Hợp quốc đã nhận định: Bệnh dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của nhân loại kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai và tác động kinh tế của dịch bệnh sẽ là một cuộc suy thoái toàn cầu.

Là một nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam đứng trước những tác động vô cùng lớn từ hệ lụy của dịch bệnh và cuộc suy thoái toàn cầu đó. Lực lượng chủ công giữ vai trò duy trì sản xuất kinh doanh trong đại dịch và tái cấu trúc để phục hồi và phát triển sau đại dịch chính là đội ngũ doanh nhân – những vị thuyền trưởng đang đứng mũi chịu sào gần 800 nghìn doanh nghiệp và trên 5 triệu hộ kinh doanh trong cả nước.

Dịch bệnh đang là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng suy giảm của doanh nghiệp. Trong 3 tháng đầu năm, cả nước đã có tới gần 35 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường con số kỷ lục từ trước đến nay. Và lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Cuộc chiến kinh tế quan trọng như cuộc chiến chống đại dịch
Cuộc chiến kinh tế quan trọng như cuộc chiến chống đại dịch. 

Theo một kết quả khảo sát nhanh của VCCI được triển khai cuối tháng 3 đầu tháng 4, tác động của đại dịch đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là rất nghiêm trọng. Có tới gần 85% doanh nghiệp trong mẫu khảo sát cho biết dịch bệnh đã làm cho thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp, gần 60% doanh nghiệp cho rằng dịch bệnh khiến họ thiếu vốn và đứt dòng tiền cho kinh doanh, trên 40% doanh nghiệp cho biết đại dịch gây thiếu nguồn cung nguyên liệu, 43% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm. 82% doanh nghiệp cho rằng doanh thu năm 2020 của họ sẽ bị sụt giảm so với năm 2019. Và có tới 30% doanh nghiệp dự báo có thể tụt giảm tới 30-50% và 22% sẽ tụt giảm trên 50%.

Cũng theo kết quả khảo sát của VCCI, nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, có tới gần 30% số doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm. Trên 75% số doanh nghiệp báo sẽ phải thu hẹp quy mô lao động và có tới gần 10% số doanh nghiệp phải giảm quy mô lao động tới 50% so với hiện nay. Chỉ có chưa đầy 1% số doanh nghiệp gia tăng lao động. Hệ lụy của xu hướng này sẽ là hàng triệu lao động sẽ có nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây.

Các doanh nghiệp đã làm gì trong bối cảnh này? Cũng theo kết quả khảo sát, hầu hết các doanh nghiệp đã tích cực và chủ động triển khai các biện pháp chống dịch tại nơi làm việc theo khuyến cáo của Bộ Y tế và chính quyền các địa phương, đồng thời cố gắng nỗ lực cao nhất để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Nhiệm vụ kép” đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp. 73% số doanh nghiệp đã kịp thời có chính sách hỗ trợ người lao động trong khủng hoảng. Các doanh nghiệp nhìn chung đã chủ động, sáng tạo đưa ra các giải pháp phù hợp kịp thời trong sử dụng lao động. Trên 60% doanh nghiệp đã áp dụng phương thức làm việc linh hoạt về thời gian cho một bộ phận lao động, 46% doanh nghiệp không cắt giảm lao động nhưng giảm giờ làm, 42% doanh nghiệp tranh thủ thời gian dịch bệnh để đào tại lại nhân lực, 41% doanh nghiệp tổ chức làm việc tại nhà. Chỉ khoảng 20% doanh nghiệp cho biết đã buộc phải cắt giảm lao động, chấm dứt hợp đồng lao động và 21% doanh nghiệp cho biết đã phải cắt giảm lương để không phải cắt giảm lao động. Đó là những ứng xử linh hoạt đầy trách nhiệm.

Chưa ai dự báo được khi nào dịch bệnh sẽ qua đi, nhưng một điều chắc chắn là hệ lụy, ảnh hưởng của dịch bệnh tới nền kinh tế sẽ còn kéo dài và không thể khắc phục được ngay khi dịch bệnh kết thúc và khó khăn với doanh nghiệp còn chất chồng trước mắt.

Doanh nghiệp cần được tiếp sức ngay

Trong điều kiện dịch bệnh đang được kiểm soát tương đối tốt như hiện nay, tôi cho rằng, trừ một số ngành/lĩnh vực rất hạn chế phải tạm thời đóng cửa, cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất lưu thông tiến hành bình thường với điều kiện tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh để doanh nghiệp có thể tự cứu mình, duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và bớt đi gánh nặng trợ cấp của nhà nước trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn rất eo hẹp như hiện nay.

Chính phủ nên bổ sung và công bố ngay danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và lưu thông các hàng hóa dịch vụ này phục vụ đời sống nhân dân, ngay cả trong trường hợp cần siết chặt hơn các biện pháp cách ly, phong tỏa.

Hiện nay, mặc dù đã có quy định về danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu theo Luật giá, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tuy nhiên các địa phương đang có cách hiểu khác nhau về hàng hóa thiết yếu, gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp như không cho phép lưu thông hàng hóa, nguyên liệu, đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp sản xuất, đình chỉ việc thi công của công trường xây dựng.

Mặt khác, hiện nay các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh theo chuỗi nên tất cả các khâu của quá trình sản xuất, phân phối đều liên quan tới nhau, cần phải bảo đảm đồng bộ thì cả chuỗi mới hoạt động được, không thể xử lý cứng nhắc chỉ cho phép sản xuất kinh doanh sản phẩm, dịch vụ cuối cùng.

Bộ Y tế cần có kịch bản hoặc quy định rõ ràng cho các doanh nghiệp, nhất là các trung tâm thương mại, siêu thị, doanh nghiệp trong khu công nghiệp… để hướng dẫn xử lý và cách ly khi có người lao động hay khách hàng đến giao dịch bị nhiễm Covid-19, tránh việc phải đóng cửa toàn bộ khu công nghiệp, doanh nghiệp khi không cần thiết.

Các dịch vụ chuyên môn trong các tòa nhà văn phòng cần được duy trì đội ngũ nhân viên tối thiểu và các chức năng hoạt động tối thiểu quan trọng đối với các hoạt động của doanh nghiệp, với điều kiện tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn về phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế.

Cuộc chiến kinh tế quan trọng như cuộc chiến chống đại dịch

Cần giãn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư kinh doanh, nhất là với nhà đầu tư nước ngoài do điều kiện dịch bệnh không thể vào Việt Nam để hoàn thành các thủ tục đúng thời gian theo yêu cầu quy định.

Cộng đồng doanh nghiệp chủ động phản công

Các doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình, phải tự cứu mình, tiếp tục phát huy các sáng kiến, các giải pháp để tiếp tục trụ vững và phát triển.

Trước mắt cần thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp. Đây là lúc cần tập trung xem xét các điều kiện để đổi mới tổ chức sản xuất, đổi mới công nghệ, cơ cấu lại thị trường, tổ chức lao động để tăng hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh. Cần nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số và hướng tới các chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp; thực hiện tiết kiệm, cắt giảm chi phí, giảm giá thành.

Đào tạo và đào tạo lại nhân viên để đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển doanh nghiệp trong hiện tại và tương lai – công việc mà do hạn chế về thời gian mà trước đây doanh nghiệp còn lơ là chưa thực hiện; xây dựng hệ thống trả lương linh hoạt (có thể thấp hơn mức tối thiểu vùng trong thời gian dịch bệnh);

Cần tăng cường liên kết thông qua các chuỗi cung ứng và mạng lưới các hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng và địa phương, phát triển thị trường nội bộ và hợp tác với nhau vươn ra thị trường thế giới.

Chuẩn bị tích cực các nền tảng cho giai đoạn phát triển bền vững sau đại dịch và nền tảng quan trọng nhất là ý chí và tinh thần khởi nghiệp của doanh nhân.

Cuộc chiến trong dài hạn

Không chỉ trong đại dịch mà ngay cả thời hậu Covid-19, vấn đề lớn nhất sẽ là việc làm, Tổ chức Lao động Quốc tế dự báo Covid-19 sẽ làm cho 25 triệu người mất việc. Nhiều tổ chức quốc tế còn đưa ra con số cao hơn thế.

Việc tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình kinh doanh sau Covid-19 sẽ làm sâu sắc thêm xu hướng này. Xu hướng chuyển đổi số và robot hóa chắc chắn sẽ được đẩy mạnh hơn. Giao dịch trực tuyến và nền kinh tế online sẽ lên ngôi.

Thị trường nội địa và mạng sản xuất nội bộ các nền kinh tế sẽ được xem trọng. Thương mại và đầu tư quốc tế sẽ đảo chiều – luồng vốn đầu tư của các nền kinh tế phát triển có xu hướng quay lại về chính quốc. Đầu tư quốc tế sẽ phi tập trung hơn để phân tán rủi ro. Tác động cộng hưởng của công nghệ, của chiến tranh thương mại và Covid-19… sẽ vẽ lên một bức tranh kinh tế toàn cầu với nhiều sắc màu và hình khối mới.

Hội nhập vẫn là một xu hướng quan trọng, nhưng chắc chắn hội nhập sẽ được điều chỉnh lại với tinh thần không chỉ thúc đẩy tự do mà còn cần hài hòa hơn và công bằng hơn.

Nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ đứng trước những cơ hội và thách thức chưa từng có.

Việt Nam sẽ có cơ hội đón nhận dòng vốn mới có chất lượng cao hơn trong một chiến lược đầu tư phi tập trung, đa phương hóa nguồn cung ứng để tránh lệ thuộc quá lớn vào một thị trường của các tập đoàn xuyên quốc gia.

Việt Nam có sẵn lợi thế về địa kinh tế, địa chính trị, có quy mô thị trường và nguồn lực nhưng để tận dụng tốt cơ hội này, Việt Nam đang đứng trước yêu cầu nâng cao chất lượng thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng để đón nhận dòng vốn đầu tư mới.

Thách thức cũng lớn hơn khi xu hướng tự động hóa gia tăng, cơ hội việc làm trong những ngành sử dụng nhiều lao động giản đơn sẽ bị thu hẹp. Bài toán công ăn việc làm cho hàng triệu lao động kỹ năng còn thấp, trong các ngành công nghiệp Dệt may, Da dày, Điện tử các cỗ máy tạo việc làm chủ yếu trong nền kinh tế, cũng như hàng triệu lao động đang hàng ngày hàng giờ được giải phóng khỏi khu vực nông nghiệp năng suất thấp cần được tạo việc làm trong thời gian tới là một thách thức lớn. Sứ mệnh giải quyết công ăn việc làm cho lực lượng này đè nặng lên vai của đội ngũ doanh nhân.

Nhưng doanh nghiệp Việt Nam, chủ yếu là các Doanh nghiệp nhỏ và vừa, 5 triệu hộ kinh doanh, xét về bản chất kinh tế, cũng chính là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ của nền kinh tế. Làm sao nâng cao năng lực của doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, để họ có thể trụ vững trong thời kỳ Covid-19 và vương lên trong thời kỳ hậu Covid đang trở thành nhiệm vụ hàng đầu của cả hệ thống chính trị và nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách đồng bộ về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực làm bệ đỡ cho doanh nghiệp lớn lên sẽ là yêu cầu quan trọng nhất, mở đường cho sự phát triển của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp ở tương lai..

Lan Anh/ VNN

Bài mới
Đọc nhiều