Cuộc chiến không tiếng súng, âm thầm bảo vệ sức khỏe người dân
Có những kẻ thù không mặc áo giáp, không cầm súng, nhưng chúng gieo rắc bệnh tật, cái chết và tuyệt vọng ngay trong từng hộp sữa, từng viên thuốc. Và cuộc chiến với chúng – thuốc giả, sữa giả, thực phẩm giả – đang trở nên quyết liệt hơn bao giờ hết.

Một dân tộc không thể mạnh nếu mỗi ngày lại có thêm hàng trăm người ngã xuống vì ung thư, vì những căn bệnh tích tụ từ bữa ăn, từ viên thuốc, từ ly sữa tưởng như lành lặn. Một xã hội không thể yên nếu lòng tin vào y tế, vào hàng hóa, vào đạo lý cứ bị bào mòn bởi những thứ giả danh cứu người nhưng thực chất đang đầu độc nhân dân. Và một quốc gia sẽ đứng trước nguy cơ khủng hoảng đạo đức nếu loại tội phạm kinh doanh thuốc giả, sữa giả, thực phẩm giả không bị truy quét đến tận gốc.
Không phải ngẫu nhiên Tổng Bí thư Tô Lâm phải thốt lên rằng: “Vô cùng độc ác! Chúng ta phải tuyên chiến với loại tội phạm này”. Đó không còn là một phát biểu mang tính đạo lý, mà là lời kêu gọi khẩn thiết từ người đứng đầu Đảng trước một cuộc khủng hoảng sức khỏe âm thầm đang lan rộng.
Không phải ngẫu nhiên Chính phủ liên tiếp ban hành ba công điện chỉ trong một tháng – số 65, 72 và mới nhất là 80 – để chỉ đạo các lực lượng chức năng trên toàn quốc ra quân chống hàng giả, hàng kém chất lượng. Cùng với đó là Thông báo 341/TB-VPCP sau Hội nghị toàn quốc do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, trong đó nêu rõ tinh thần: phải xử lý một vụ để cảnh tỉnh cả vùng. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, vấn đề thuốc giả, sữa giả, hàng tiêu dùng kém chất lượng được đưa lên thành mệnh lệnh hành động ở cấp quốc gia, với hệ thống phối hợp liên ngành và mục tiêu không khoan nhượng.

Con số không thể bỏ qua: trong năm 2022, hơn 120.000 người Việt tử vong vì ung thư. Dự báo đến năm 2030, nếu không có thay đổi căn cơ và quyết liệt, con số này có thể vượt 165.000 người mỗi năm – tương đương gần 500 người mỗi ngày, tức cứ ba phút lại có một sinh mạng mất đi vì một căn bệnh mà phần lớn có thể phòng ngừa.
Ung thư không đến từ hư vô. Nó là kết quả của quá trình tích lũy độc tố từ những món ăn không rõ nguồn gốc, những viên thuốc không đạt tiêu chuẩn, những lô hàng bị làm giả bao bì, nhái mã QR, đánh lừa cả hệ thống phân phối lẫn người tiêu dùng. Trong năm 2023, ngành y tế phát hiện hơn 160 vụ vi phạm liên quan đến thuốc. Riêng năm 2024, ít nhất 27 loại thuốc bị đình chỉ do không đạt chất lượng, trong đó có 8 loại bị xác định là thuốc giả. Những con số ấy không chỉ cho thấy quy mô vi phạm mà còn phơi bày một sự thật đau lòng: người bệnh đang bị lừa ngay trong hành trình tìm sự sống.
Điều đáng lo ngại hơn là nhiều đường dây sản xuất và phân phối hàng giả đã tồn tại từ năm 2017 nhưng mãi đến 2024 mới bị triệt phá. Sự tồn tại âm thầm của chúng không thể chỉ do tinh vi về thủ đoạn, mà còn cho thấy sự buông lỏng, thậm chí tiếp tay từ một bộ phận cán bộ. Tổng Bí thư từng chất vấn thẳng: “Chúng ta quản lý kiểu gì mà kiểm tra hàng giả là cả chợ phải đóng cửa?”. Câu hỏi ấy không dành cho riêng ai mà là hồi chuông cảnh tỉnh cả bộ máy.

Không thể chống loại tội phạm này bằng vài chiến dịch truyền thông ngắn hạn. Không thể tiếp tục kiểu làm việc kiểm tra cho có, xử phạt hành chính vài triệu rồi đâu lại vào đấy. Không thể tiếp tục trông chờ vào sự tự giác của những kẻ đã coi lợi nhuận trên sức khỏe nhân dân. Những mệnh lệnh từ Chính phủ cần được chuyển hóa thành cơ chế giám sát, truy cứu trách nhiệm cá nhân đến cùng. Đã đến lúc không thể né tránh câu hỏi: ai để cho hàng giả tràn vào bệnh viện? Ai tiếp tay cho những lô sữa giả, thực phẩm giả thâm nhập học đường, khu công nghiệp, vùng sâu vùng xa?
Bài toán sức khỏe cộng đồng không thể giải quyết trong phòng mổ, mà phải bắt đầu từ nhà máy, chợ đầu mối, gian hàng online. Phải bắt đầu từ việc dọn sạch môi trường pháp lý đang có quá nhiều kẽ hở cho gian thương lợi dụng. Phải bắt đầu bằng sự phối hợp thực chất giữa các ngành: từ hải quan, y tế, công thương đến quản lý thị trường, công an, chính quyền cơ sở.
Chúng ta đang đối mặt với một cuộc chiến không có tiếng súng, nhưng thiệt hại thật và lan rộng từng giờ. Hơn 4.000 điểm kinh doanh đã bị kiểm tra, hàng trăm vụ vi phạm đã bị xử lý trong chưa đầy một tháng. Đó là tín hiệu tích cực, nhưng mới chỉ là bước khởi động. Cuộc chiến này sẽ kéo dài, bởi kẻ thù không dễ hiện hình, và sự chống trả của chúng không hề đơn giản.
Không một hệ thống y tế nào đủ sức cứu chữa cho một xã hội mà mỗi ngày có hàng trăm ngàn người tiếp nhận độc chất mà không hề hay biết. Chúng ta không thể mãi đổ lỗi cho bệnh tật, trong khi nguồn bệnh nằm ngay trên bàn ăn, trong tủ thuốc và cả những trang thương mại điện tử đang hoạt động sôi nổi mà không bị kiểm soát.
Chống hàng giả, thực phẩm bẩn, thuốc giả không còn là lựa chọn, mà là điều kiện sống còn để giữ gìn sức khỏe dân tộc. Và hơn hết, đó là thước đo cho lòng tin vào Nhà nước, vào pháp luật, vào chính sách.
Ngọc Lâm