+
Aa
-
like
comment

Cuộc chiến không khoan nhượng với tội phạm kinh tế tầm cỡ

LS Lê - 20/04/2022 18:36

Cùng với sự phát triển của đời sống và khoa học – công nghệ, thủ đoạn của tội phạm kinh tế lại càng trở nên tinh vi, xảo quyệt. Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, tình hình tội phạm kinh tế diễn biến phức tạp, nhất là liên quan tới trái phiếu, chứng khoán, bất động sản.

Cơ quan chức năng không ngừng nâng cao trình độ, nỗ lực đương đầu với tội phạm kinh tế.

Có thể thấy thời gian qua, tội phạm ngày càng tinh vi và được thực hiện ở những nền tảng khó kiểm soát hơn chính là không gian mạng. Nhất là trong thời gian cao điểm đại dịch Covid-19, khi hầu hết mọi người dành thời gian thực hiện giãn cách xã hội để làm việc trực tuyến tại nhà, với tài sản rảnh rỗi, nhiều người tìm cơ hội đầu tư online và trở thành con mồi cho loại tội phạm này. Chúng triển khai mạnh các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng, nhất là đối với các loại hình mang tính đầu tư, đầu cơ như chứng khoán, bất động sản,…

Chỉ với vài thao tác phía sau màn hình là đã có thể thao túng cả thị trường chứng khoán dẫn tới sự thua lỗ hàng trăm tỷ đồng của nhà đầu tư. Chưa kể hiện nay trên internet còn tràn lan các “dự án ma” mở bán đất nền với những ưu đãi hấp dẫn nhằm thu hút những người nhẹ dạ. Cũng không thể trách người dân khi đại dịch làm trì trệ công việc làm ăn thường ngày, khả năng tài chính giảm sút thì nhu cầu tìm kiếm một nguồn đầu tư khác sinh lời là hành động dễ hiểu. Nhưng chúng ta không phải vì thế mà nên liều lĩnh, đánh cược tài sản của bản thân vào những lời mời gọi này.

Tội phạm kinh tế chủ yếu đánh vào tâm lý của các nhà đầu tư non trẻ, thiếu kinh thức với mong muốn thu lãi tức thì. Lấy ví dụ là vụ việc ông Trịnh Văn Quyết, cựu chủ tịch tập đoàn FLC, với tội danh “thao túng thị trường chứng” vừa qua. Hành vi phạm tội rất tinh vi mà nếu như ông Quyết không để xảy ra sơ suất thì Cơ quan chức năng khó lòng phát hiện.

Tại thời điểm 2021, giá cổ phiếu của FLC rất thấp so với mặt bằng chung, và điều đó là hợp lý với báo cáo tài chính của tập đoàn vì lợi nhuận không tăng trưởng và không có bất kì dự án nào tiềm năng. Tuy nhiên, tới 2022, giá cổ phiếu FLC lại tăng đột ngột mà giá trị thực chất của tập đoàn dựa trên báo cáo tài chính lại không hề tăng. Qua đó, có thể thấy giá cổ phiếu FLC đã bị thao túng bởi công ty chứng khoán BOS, cũng là sân sau của tập đoàn này. Công ty chứng khoán tạo ra nhiều tài khoản để mua cổ phiếu FLC với giá cao nhằm tạo cung cầu ảo trên thị trường. Từ đó sẽ tạo ra hiện tượng kinh tế FOMO (hiểu theo tiếng Việt là nỗi sợ bị bỏ rơi, mất cơ hội) khiến các nhà đầu tư thiếu kiến thức bị thao túng, thu mua cổ phiếu này với giá cao. Thực chất, hành động này chính là đầu cơ, nghĩa là mua một tài sản với hy vọng rằng nó sẽ trở nên có giá trị hơn trong tương lai gần. Điều này khác với bản chất của chứng khoán là đầu tư liên quan đến tiết kiệm và trì hoãn tiêu thụ, đặt tiền vào một tài sản với kỳ vọng lời to, thường là trong tương lai dài hạn. Tới khi số tiền thua lỗ của các nhà đầu tư đạt tới hàng trăm tỷ đồng thì ông Quyết lập tức bán tháo cổ phiếu FLC với giá thấp hơn làm dấy nên mối nghi ngờ của cơ quan chức năng.

Biểu đồ tâm lý tài chính có thể dựa vào để thao túng tâm lý nhà đầu tư.

Có thể thấy việc lừa đảo kinh tế chủ yếu cũng dựa trên nền tảng thao túng tâm lý của con người. Tội phạm sẽ biết cách đánh vào lòng tin của đối phương, biết lựa chọn đối tượng phù hợp và thời cơ thích hợp để ra tay. Hiệu ứng FOMO được tội phạm tạo ra để kích thích nhu cầu của người mua, khi có quá nhiều người đầu tư vào một dự án bất động sản hay cổ phiếu của một tập đoàn tiềm năng sẽ làm dấy lên một trào lưu kéo theo rất nhiều “nhà đầu tư non trẻ”. Những gì tội phạm cần làm chính là tạo ra vỏ bọc hoàn hảo và tinh vi cho kế hoạch của mình.

Nhưng dù cho tội phạm có cao tay đến đâu thì cũng không thể tránh khỏi sự trừng trị của pháp luật. Cơ quan điều tra của Bộ Công an đã rất tích cực, nỗ lực làm việc để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Dù cho lĩnh vực kinh tế rất rộng, hành vi xảy ra trong nhiều chuyên ngành được điều chỉnh bởi nhiều luật và văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành và hành vi phạm tội của bị can xảy ra trong nhiều giai đoạn tài chính, công tác điều tra đôi khi gặp rất nhiều khó khăn. Công tác giám định tài chính thì lại kéo dài, có trường hợp phải tiến hành giám định lại, hết thời hạn điều tra không kết luận được phải tạm đình chỉ điều tra để chờ kết luận giám định tài chính. Đối tượng thực hiện hành vi vi phạm về kinh tế đa số là những người có trình độ chuyên môn về lĩnh vực họ phụ trách. Do đó, ít nhiều đã ảnh hưởng đến quá trình xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ nên dẫn đến việc thụ lý giải quyết mất nhiều thời gian. Tuy vậy, cơ quan an ninh vẫn không ngừng ngăn chặn và xử lý những tội phạm kinh tế “tầm cỡ” mà thời gian qua đã làm cư dân mạng phải trầm trồ không ngớt. Điều đó có thể chứng minh, bất kì một hành vi phạm pháp nào, sớm hay muộn, cũng sẽ bị đưa ra xét xử công minh.

Chúng ta không những cần phải trang bị kiến thức kỹ lưỡng cho bản thân mà còn phải đề cao cảnh giác trước những cơ hội làm giàu tràn lan trên mạng xã hội, bởi chưa biết đó là cơ hội hay là nguy cơ. Thêm vào đó, phải biết giữ vững tinh thần thượng tôn pháp luật, không được vì lợi ích cá nhân mà lao vào vòng lao lý, xâm hại đến quyền lợi của người khác. Tất cả những hành vi sai trái đều sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng.

LS Lê

Bài mới
Đọc nhiều