Cuộc chiến khốc liệt ở Azovstal đã kết thúc, số phận hàng trăm binh sĩ Ukraine sẽ ra sao?
Hàng trăm lính Ukraine ở nhà máy Azovstal được sơ tán sau khi Kiev tuyên bố kết thúc nhiệm vụ chiến đấu tại Mariupol, chấm dứt gần 3 tháng cầm cự.
Nga có thể đạt được những mục tiêu chiến lược nếu kiểm soát Azovstal, nhưng lợi ích trên thực tế từ chiến thắng ở Mariupol là điều cần đặt dấu hỏi.
Trong ngày thứ 82 chiến sự ở Ukraine, chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết các binh sĩ cố thủ nhà máy thép Azovstal đã kết thúc nhiệm vụ chiến đấu. Điều này làm dấy lên khả năng lực lượng Nga, vốn áp đảo về số lượng và hỏa lực, có thể sớm tiến vào bên trong nhà máy thép, cuối cùng kiểm soát hoàn toàn Mariupol.
Hãng thông tấn Nga TASS đưa tin 250 binh sĩ Ukraine cố thủ ở Azovstal đã đầu hàng, trong đó có 51 người bị thương. Các binh sĩ bị thương sẽ được đưa tới điều trị ở Novoazovsk, nơi nằm dưới sự kiểm soát của phiến quân ly khai thân Nga.
Trận chiến lâu nhất
Chỉ một ngày sau khi chính thức phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga đã huy động lực lượng tiến đánh Mariupol. Tại thành phố cảng miền Nam Ukraine, lữ đoàn thủy quân lục chiến số 36, lực lượng nòng cốt là tiểu đoàn Azov thiện chiến, là đơn vị chỉ huy nỗ lực phòng thủ.
Mariupol có vị trí chiến lược quan trọng với Nga. Nếu lực lượng Nga kiểm soát được thành phố cảng này, Moscow có thể hình thành một tuyến đường trên bộ nối bán đảo Crimea ở miền Nam Ukraine, khu vực Nga đơn phương sáp nhập từ 2014, với vùng Donbas, nơi phiến quân ly khai thân Nga kiểm soát.
“Từ góc nhìn quân sự, Mariupol là khu vực Nga cần nhất để kiểm soát hành lang trên bộ nối Nga với Crimea”, Ed Arnold, chuyên gia về an ninh châu Âu tại tổ chức nghiên cứu chính sách RUSI, nhận định.
Hơn thế, việc sớm chiếm được Mariupol có thể giúp Nga rảnh tay hoàn toàn ở miền Nam và triển khai các mục tiêu quân sự khác.
Từ Mariupol, quân Nga có thể hình thành thế gọng kìm cùng cánh quân ở miền Đông nhằm bao vây lực lượng Ukraine phòng thủ tỉnh Donetsk.
Nga cũng có thể tập trung lực lượng tiến sâu về phía Bắc Ukraine, đe dọa các thành phố lớn quan trọng khác như Zaporizhia hay xa hơn là Dnipro.
“Người Nga không lường trước sức kháng cự mãnh liệt như thế ở Ukraine”, ông Arnold nhận định.
“Các binh sĩ Ukraine cố thủ thành phố đã bám trụ gần 3 tháng, lâu hơn nhiều so với hầu hết chuyên gia quân sự có thể tưởng tượng. Binh sĩ Ukraine cố thủ đã gây thương vong lớn cho lực lượng Nga, làm gián đoạn các cuộc tấn công lớn hơn khi buộc Moscow phân tâm cho trận chiến ở thành phố, và sau đó là nhà máy thép”, New York Times bình luận.
Phát biểu hôm 16/5, giới chức Ukraine tuyên bố lực lượng cố thủ thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu. Quân đội Ukraine cho biết các binh sĩ ở Mariupol đã cầm cự đủ lâu, đảm bảo đủ thời gian để các lực lượng khác của Ukraine chiến đấu với Nga và chờ các đồng minh gửi đủ những vũ khí cần thiết.
Chuyện gì đang xảy ra ở Donbas?
Thực tế, lực lượng Nga đã mở rộng dần quyền kiểm soát Mariupol từ tháng 4. Nhà máy thép Azovstal là cứ điểm kháng cự cuối cùng của binh sĩ Ukraine trong thành phố, hoàn toàn bị lực lượng Nga bao vây cô lập.
Azovstal có thể sẽ sớm rơi vào tay lực lượng Nga. Nhưng ý nghĩa chiến lược thực sự của diễn biến này là điều cần đặt dấu hỏi.
Trong thời gian Mariupol và sau đó là Azovstal bị bao vây, Moscow đã phải liên tục điều chỉnh chiến lược, còn Ukraine thì nhận được viện trợ quân sự ồ ạt từ phương Tây.
Đầu tiên, lực lượng Nga phải rút khỏi Kyiv, Chernihiv, Sumy và toàn bộ khu vực miền Bắc Ukraine từ cuối tháng 3, đầu tháng 4. Đến tuần qua, lực lượng Nga bị đánh bật khỏi khu vực Kharkiv. Binh sĩ Ukraine đã tiến đến tận biên giới giữa hai nước và chụp ảnh làm bằng chứng, theo New York Times.
Khi mở màn giai đoạn 2 chiến dịch quân sự, Moscow tuyên bố trọng tâm là kiểm soát toàn bộ tỉnh Luhansk và Donetsk ở miền Đông Ukraine, nơi phiến quân ly khai kiểm soát một phần từ 2014.
Nhưng nỗ lực giành quyền kiểm soát Donbas, sau những thành công ban đầu, bắt đầu bị chặn đứng, các chuyên gia quân sự nhận định. Ngoài Mariupol, Nga chưa thể kiểm soát thêm bất cứ thành phố lớn nào ở Donbas.
Tổ chức tư vấn chính sách Institute for the Study of War, trụ sở tại Washington D.C., cho rằng lực lượng Nga dường như đã từ bỏ mục tiêu bao vây hàng nghìn binh sĩ Ukraine ở vùng Donbas. Quân Nga có vẻ cũng bỏ dở mục tiêu chiếm quyền kiểm soát toàn bộ tỉnh Donetsk, thay vào đó dồn lực cho tỉnh Luhansk.
Institute for the Study of War cho rằng Nga nhiều khả năng bắt đầu cạn kiệt lực lượng chiến đấu dự bị, vì thế Moscow phải kết hợp lực lượng lính đánh thuê Trung Đông, dân quân với các đơn vị quân đội chính quy.
Tình báo quân đội Anh nhận định Nga có thể đã thiệt hại ít nhất 30% lực lượng mặt đất được triển khai trước 24/2. Chiến dịch ở Donbas đã “chậm hơn kế hoạch đáng kể”, theo CBC.
Sau khi đẩy lùi lực lượng Nga ở Kharkiv, quân đội Ukraine đang phản công ở Izium, vị trí chiến lược Nga tập trung binh lực với mục tiêu ban đầu là tạo thế gọng kìm bao vây quân Ukraine ở Donbas.
“Hướng Izium tiếp tục là điểm nóng nhất. Các lực lượng vũ trang của chúng ta đang phản công, đối phương đã rút lui ở một số hướng”, chỉ huy quân sự tỉnh Kharkiv Oleh Synehubov khẳng định, theo Ukrinform.
Về lý thuyết, việc tiến vào Azovstal, kiểm soát toàn bộ Mariupol, tạo điều kiện để Nga kết hợp lực lượng ở miền Nam với cánh quân tại miền Bắc, tạo thế gọng kìm bao vây quân đội Ukraine ở Donbas.
Nhưng trong bối cảnh phải đối phó các cuộc phản công ở Izium ở hướng bắc, kế hoạch trên khó trở thành hiện thực.
Các chuyên gia quân sự phương Tây nhận định dù chịu tổn thất, Nga vẫn đang có lực lượng quân sự hùng hậu hơn Ukraine, vì thế chiến sự có thể kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.
Lực lượng Nga cũng kiểm soát một dải đất rộng lớn ở miền Nam Ukraine. Dù vẫn chưa chiếm được Odessa và Mykolaiv, với lực lượng hải quân hùng hậu, Nga đang kiểm soát hoàn toàn lối ra Biển Đen của Ukraine, khiến hoạt động xuất khẩu của Ukraine bị đình trệ.
Tuy vậy, bên cạnh sự kiện Bucha, thông tin và hình cảnh cuộc sống “như địa ngục” của các binh sĩ Ukraine cố thủ nhà máy thép Azovstal xuất hiện dày đặc trên truyền thông quốc tế, khiến dư luận nhiều nước phương Tây gây áp lực buộc chính phủ các nước này mở rộng viện trợ Ukraine cũng như gia tăng trừng phạt Nga.
Tuần qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ quân sự 40 tỷ USD dành cho Ukraine. Thượng viện Mỹ sẽ bỏ phiếu trong tuần này, nhiều khả năng gói viện trợ kỷ lục sẽ được ủng hộ.
Diễn biến đáng chú ý nhất trong những ngày qua là việc Thụy Điển và Phần Lan thông báo quyết định nộp đơn gia nhập NATO.
Chưa dừng lại ở đó, NATO đang tiến hành cuộc tập trận Hedgehog tại Estonic, quốc gia có chung đường biên giới với Nga. Tầm quan trọng của sự kiện càng được nâng cao khi Phần Lan và Thụy Điển cùng tham dự.
“Cuộc tập trận của NATO mang tên Hedgehog là một trong những cuộc tập trận lớn nhất tổ chức ở Estonia kể từ 1991, với 15.000 binh sĩ từ 14 quốc gia tham dự”, New York Times cho biết.
Tùng Anh