+
Aa
-
like
comment

Cuộc chiến đổ lỗi Trump – WHO: Viện trợ nhưng không vừa lòng nhau

10/04/2020 21:56

Trump ngày 7/4 nổ “phát súng đầu tiên” trong cuộc chiến căng thẳng với WHO khi tuyên bố Mỹ sẽ ngừng đóng góp tài chính cho tổ chức này.

Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng chỉ trích Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi cho rằng cơ quan này đã chậm trễ gióng lên hồi chuông cảnh báo về Covid-19. “Họ đã bỏ lỡ cảnh báo về Covid-19. Họ đáng lẽ phải đưa ra nó sớm hơn vài tháng”, Trump nói.

Tuy nhiên, khi một phóng viên hỏi liệu có đúng đắn khi quyết định “đóng băng” việc đóng góp ngân sách cho WHO giữa lúc đại dịch đang hoành hành, Trump phủ nhận, “tôi không nói sẽ làm như vậy”. Thay vào đó, ông tuyên bố chỉ “xem xét việc cắt ngân sách”.

Trước đó một ngày, trên mạng xã hội Twitter, ông cáo buộc WHO “đang lấy Trung Quốc làm trung tâm”, mặc dù không giải thích rõ ràng về nhận định này. “Họ dường như luôn đứng về phía Trung Quốc. Trong khi chúng tôi là bên tài trợ cho cơ quan này. Do đó, tôi muốn xem xét lại”, Trump viết.

Tổng thống Donald Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 8/4. Ảnh: AP.
Tổng thống Donald Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 8/4. Ảnh: AP.

Ngân sách mà tất cả quốc gia thành viên trên thế giới đóng góp cho WHO là khoảng 6 tỷ USD. Theo số liệu công bố mới nhất năm 2019, Mỹ đã đóng góp cho tổ chức này 553 triệu USD.

Phát biểu trước các phóng viên hôm 7/4, Trump nhắc lại cáo buộc WHO “có vẻ nghiêng về phía Trung Quốc và như vậy là không đúng đắn”. Ông đặt câu hỏi vì sao WHO lại “đưa ra lời khuyên sai lầm như vậy”, dường như đề cập tới việc WHO ban đầu khuyến cáo không nên hạn chế đi lại quốc tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, đại dịch bùng phát đầu tiên ở Trung Quốc.

Phản ứng trước chỉ trích này, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói tổ chức không thiên vị Trung Quốc và đã thông báo cho thế giới các dữ liệu, thông tin và bằng chứng mới nhất về Covid-19, đồng thời kêu gọi “không chính trị hóa virus”.

Khi những xôn xao về tuyên bố “xem xét ngừng tài trợ” và cáo buộc “thiên vị Trung Quốc” của Trump nhắm vào WHO chưa lắng xuống, Tổng thống Mỹ một ngày sau nổ tiếp phát súng thứ hai, khi đe dọa sẽ điều tra tổ chức quốc tế này.

“Chúng tôi sẽ xem xét một cuộc điều tra và chúng tôi sẽ ra quyết định”, Trump nói tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 8/4. “WHO đã sai theo nhiều cách. Họ cũng đã giảm nhẹ mối đe dọa từ Covid-19”.

Trump cũng cho rằng chính Tedros mới là “người chính trị hóa virus” và việc WHO “ưu ái” Trung Quốc, nước đóng góp chỉ 42 triệu USD cho tổ chức, là “điều không đúng, không công bằng với Mỹ và cả với thế giới”. Ông ám chỉ rằng số ca tử vong vì Covid-19 trên thế giới sẽ ít hơn nếu WHO “có phân tích chính xác”.

Theo biên tập viên Therese Raphael của Bloomberg, những công kích của Trump về phía WHO là một phần của “trò chơi đổ lỗi” khi ông chủ Nhà Trắng muốn đánh lạc hướng chỉ trích của dư luận về những sai lầm của chính ông trong cuộc chiến Covid-19 ở Mỹ.

Dù cáo buộc WHO không cảnh báo sớm về nguy cơ lây nhiễm từ người sang người của nCoV, Trump trên thực tế từng xem nhẹ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh này, thậm chí cho rằng Covid-19 chỉ là “trò lừa bịp” của phe Dân chủ.

Theo Guardian, WHO từ ngày 10/1 đã cảnh báo Mỹ và các nước về nguy cơ lây nhiễm từ người sang người của nCoV và hối thúc các quốc gia có biện pháp đề phòng. Thời điểm đó, Trump vẫn coi Covid-19 “không phải kẻ thù xứng tầm của nước Mỹ”, thậm chí không bằng cúm mùa. Tổng thống Mỹ sau đó còn liên tục khen ngợi một loại thuốc “điều trị Covid-19” chưa được kiểm chứng, tuyên bố xét nghiệm trên diện rộng dù thực tế không như vậy.

Những hoài nghi và lo ngại về cách Trump đối phó với Covid-19 ngày càng tăng, khi NYTimes ngày 7/4 tiết lộ rằng Peter Navarro, cố vấn kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng, hồi tháng 1 từng viết trong một bản ghi nhớ rằng Covid-19 có thể trở thành “đại dịch toàn diện”, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD cho kinh tế và đe dọa tới sức khỏe của hàng triệu người Mỹ. Navarro đã kêu gọi chính quyền liên bang có những biện pháp mạnh tay với dịch bệnh khởi phát từ Vũ Hán. Tuy nhiên, Trump tuyên bố ông chưa từng thấy bản ghi nhớ này cho tới vài ngày gần đây.

Bản ghi nhớ của Navarro không phải là lời cảnh báo duy nhất dành cho Trump. ABC News ngày 8/4 cho biết các quan chức tình báo Mỹ đã đưa ra những cảnh báo về một loại virus nằm ngoài tầm kiểm soát xuất hiện ở Vũ Hán vào đầu tháng 11, khi xem xét các hình ảnh từ vệ tinh, nhưng dường như Tổng thống Mỹ cũng không để tâm tới thông tin này.

Raphael cũng nhận định WHO không phải là không có thiếu sót trong cuộc chiến chống Covid-19.  Một trong những nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức này là chuẩn bị sẵn sàng cho những tình huống khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Mặc dù từng có nhiều kế hoạch ứng phó đại dịch trong những năm qua, WHO đã quá chậm khi cảnh báo về sự nghiêm trọng của nCoV.

Những chỉ trích hướng về tổ chức này ngày càng tăng, đặc biệt sau khi chính quyền Đài Loan cáo buộc WHO phớt lờ cảnh báo sớm về Covid-19. Các quan chức Đài Loan, nơi thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh với chỉ gần 380 ca nhiễm và 5 ca tử vong dù gần gũi Trung Quốc về mặt địa lý và thương mại, đã cảnh báo WHO vào ngày 31/12/2019 về khả năng Covid-19 lây nhiễm từ người sang người. Tuy nhiên, cảnh báo này dường như đã không được WHO lưu tâm.

Theo Raphael, WHO đã để lỡ “thời cơ vàng” để ngăn Covid-19, khi đợi tới 30/1, cơ quan này mới ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Mặc dù nhiều nhà khoa học hàng đầu xem Covid-19 là đại dịch từ trước đó rất lâu, khi nó lây lan chóng mặt từ quốc gia này sang quốc gia khác, WHO chỉ công nhận điều này vào ngày 11/3.

Đáp trả những lời chỉ trích liên tục, Tổng giám đốc WHO Tedros, trong cuộc họp báo ngày 8/4 tại Thụy Sĩ, khẳng định không thiên vị Trung Quốc và kêu gọi không chính trị hóa khủng hoảng y tế.

“Tôi không quan tâm đến những lời chỉ trích này bởi nó là những công kích cá nhân nhắm vào tôi. Nhưng điều làm tôi buồn là nó đã xúc phạm cộng đồng người da màu và châu Phi. Tôi không thể tha thứ cho điều đó”, ông Tedros, người gốc Ethiopia, nói khi cho rằng những lời chỉ trích đã đi quá giới hạn. Ông cũng cáo buộc Đài Loan dẫn đầu những cuộc công kích cá nhân nhằm vào ông, bao gồm những lời lẽ lăng mạ, gièm pha chủng tộc.

Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn ngày 9/4 lên tiếng phủ nhận cáo buộc trên và yêu cầu Tedros phải giải thích và xin lỗi. Bà Thái Văn Anh cũng mời Tedros đến thăm Đài Loan và học hỏi cách đối phó dịch bệnh. Đài Loan từng giữ vai trò quan sát viên tại các hội nghị thường niên của WHO, tuy nhiên áp lực ngoại giao từ Bắc Kinh trong những năm gần đây đã đẩy Đài Loan khỏi những cơ quan quốc tế lớn.

Tedros Adhanom Ghebreyesus họp báo về Covid-19 ở trụ sở WHO tại Thụy Sĩ, hôm 6/4. Ảnh: AFP.
Tedros Adhanom Ghebreyesus họp báo về Covid-19 ở trụ sở WHO tại Thụy Sĩ, hôm 6/4. Ảnh: AFP.

Cho tới tháng 2, Tổng giám đốc WHO vẫn từ chối khuyến nghị cấm toàn bộ chuyến bay hoặc đình chỉ đi lại với Trung Quốc, khi cho rằng nó sẽ gây ảnh hưởng tới nguồn lực trong cuộc chiến chống Covid-19.

Trump thông báo kế hoạch tạm ngừng các chuyến bay từ Trung Quốc chưa đầy hai tuần sau đó, dù nCoV lúc này đã có đủ thời gian lây lan ra nhiều bang của Mỹ. Giữa tháng 3, khi dịch ở Trung Quốc có dấu hiệu được kiểm soát, Mỹ tiếp tục phớt lờ hướng dẫn trước đó của WHO và bắt đầu ngừng mọi chuyến bay từ Italy, Iran và các quốc gia có dịch khác.

Việc WHO liên tục dành cho Trung Quốc những lời ca ngợi, như giúp thế giới “câu giờ” trong cuộc chiến với Covid-19, cũng khiến nhiều người không đồng tình. Bruce Aylward, cố vấn cao cấp của WHO, cũng từng gây bức xúc khi phớt lờ câu hỏi của phóng viên về sự thành công của Đài Loan khi đối phó với nCoV. Sự thất vọng về phản ứng mang tính chính trị hóa như vậy đã khiến Phó thủ tướng Nhật Bản Taro Aso châm biếm rằng WHO nên đổi tên từ “Tổ chức Y tế Thế giới” thành “Tổ chức Y tế Trung Quốc”.

Raphael cho rằng là một tổ chức đa phương, WHO cũng gặp nhiều khó khăn khi nguồn ngân sách liên tục bị cắt giảm trong nhiều năm qua và phải đứng giữa nhiều quốc gia có mối quan hệ “nhạy cảm”. Đối với cơ quan này, Trung Quốc cũng là bên có đóng góp tài chính lớn.

Ngoài ra, nhiều người ủng hộ Tổng giám đốc WHO cho rằng với tư cách cựu ngoại trưởng Ethiopia, ông Tedros là người có thiên hướng ngoại giao, nên những lời ca ngợi Trung Quốc của ông là nhằm đảm bảo quốc gia này tiếp tục chia sẻ những thông tin quan trọng.

Tuy nhiên, một số người lại cho rằng chính Trung Quốc là nước đã có nhiều tác động để Tedros có được vị trí như hiện nay. Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã tích cực vận động cho ông Tedros trong cuộc bầu cử ghế tổng giám đốc WHO năm 2017. Trung Quốc được cho là đã sử dụng những cam kết về tài chính làm đòn bẩy để lôi kéo các quốc gia đang phát triển bầu cho Tedros, từ đó giúp ông vượt qua ứng cử viên David Nabarro của Anh để trở thành người đứng đầu WHO.

Điều phối viên đội phản ứng Covid-19 của Nhà Trắng Deborah Birx tuần trước nói rằng những thông tin mà Trung Quốc cung cấp khiến thế giới nhận định nhầm rằng nCoV có thể dễ dàng kiểm soát hơn thực tế. Điều đó cũng cho thấy sai lầm của WHO khi quá “cả tin” nhưng dữ liệu từ Trung Quốc, cũng như không đưa ra những biện pháp mạnh tay như cấm các chuyến bay hoặc khuyến nghị dùng khẩu trang.

Trump cùng các cố vấn cấp cao của mình, trong đó có Ngoại trưởng Mike Pompeo, đều cho rằng WHO đã vẽ ra “bức tranh nhầm lẫn” về mối đe dọa của nCoV và khiến các nước bỏ lỡ thời cơ chống dịch.

Biên tập viên Raphael nhận định Trump đã nêu ra một vấn đề đúng, nhưng lại làm sai cách với những lập luận không chính xác và không đúng thời điểm, đồng thời cổ vũ cho những phản ứng lệch lạc.

Điều nguy hiểm trong “cuộc chiến” này của Trump là cả những người phản đối và ủng hộ ông đều nhận được thông điệp sai. Người không ủng hộ Trump có thể không nhận ra tầm quan trọng của việc cải thiện uy tín và năng lực của WHO để ứng phó với các khủng hoảng trong tương lai. Trong khi đó, những người ủng hộ ông có thể không rút ra được bài học từ sai lầm của chính nước Mỹ và tin vào việc đổ lỗi cho những quốc gia, tổ chức khác cho sai sót của chính mình.

“Trong cuộc đấu khẩu giữa Trump và WHO hiện nay, khó có thể đánh giá bên nào tệ hơn, nhưng rõ ràng đó là một lời nhắc nhở không thể tốt hơn rằng chính trị và đại dịch không thể chung một gầm trời”, Raphael nhận định.

Thanh Tâm (Theo Bloomberg, NYTimes, Slate)

Bài mới
Đọc nhiều