+
Aa
-
like
comment

Cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979 dưới “góc nhìn thẳng”

Lê Ngọc Thống - 05/03/2022 11:32

Cách đây 43 năm, đêm rạng sáng thứ Bảy ngày 17/2/1979, hơn 600.000 quân Trung Quốc cùng với hàng ngàn xe tăng, khẩu pháo bất ngờ đồng loạt tấn công trên toàn tuyến biến giới phía Bắc Việt Nam.

Tư liệu lịch sử về Chiến tranh biên giới 1979.

Đây là một bất ngờ rất lớn cho Việt Nam vì không ai nghĩ rằng, với mối quan hệ như vậy mà Trung Quốc lại tấn công Việt Nam. Từ một góc nhìn thẳng thắn, chúng ta không thể phủ nhận đó là một sự bất ngờ, vì nếu đoán biết trước thì không đời nào Việt Nam lại để biên giới phía Bắc “trống không” như vậy, tức không có một đơn vị chủ lực nào phòng thủ.

Nhưng, lịch sử là muôn thuở. Với Việt Nam, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì mỗi lá cây, ngọn cỏ của Việt Nam đều biến thành chiến sỹ, mỗi tấc đất của Việt Nam đều là mồ chôn quân cướp nước… Không một phòng tuyến chống xâm lược nào bằng phòng tuyến lòng dân, quân dân các tỉnh phía Bắc đã quả cảm chiến đấu chặn quân địch ngay tại vùng biên cương trước khi quân chủ lực từ chiến trường Tây Nam xuất hiện.

Tù binh Trung Quốc trong Chiến tranh biên giới.

Lịch sử không phải là “nhà giáo” mà là “nhà quản giáo”. Bài học lịch sử nếu không được học thuộc thì sẽ bị nó trừng trị nghiêm khắc. Hơn 60 vạn quân cùng hàng ngàn xe tăng, đại bác, với kế hoạch “sáng ở Hà nội, trưa ở Sài Gòn” của Bộ Tổng tham mưu Quân đội Trung Quốc đã trở thành một “giấc mơ kinh hoàng giữa ban ngày”. Mười sáu ngày sau, ngày 5/3/1979, Trung Quốc tuyên bố “rút quân” khỏi vùng lãnh thổ biên giới phía Bắc Việt Nam.

“Đặt tên” cho sự kiện biên giới phía Bắc

Lịch sử từ cổ chí kim Việt Nam chưa và không bao giờ chống Trung Quốc, một quốc gia láng giềng hùng mạnh, mà Việt Nam chỉ chống lại tư tưởng bành trướng, bá quyền, nước lớn của Trung Quốc áp đặt vào Việt Nam mà thôi.

Kỷ niệm 43 năm ngày Trung Quốc tuyên bố “rút quân” trong cuộc chiến biên giới phía Bắc Việt Nam – Cuộc chiến mà xung quanh nó có rất nhiều bàn luận về nguyên nhân, nội dung, tính chất… ở mọi góc nhìn mà tính khách quan nó còn phụ thuộc vào 2 lĩnh vực lịch sử và chính trị… nên bị “khúc xạ”.

Vậy, ở góc nhìn thẳng chúng ta thấy được gì?

Đầu tiên phải khẳng định một điều chắc chắn là sự kiện năm 1979 được gọi là gì, ai thắng và ai bại giờ đây không phải là vấn đề của Việt Nam mà là vấn đề của Trung Quốc hiện đại. Nhưng tại sao đó không phải là vấn đề của Việt Nam?

Đơn giản là nếu như bây giờ và thậm chí trước đây khi lượng thông tin còn ít, câu trả lời của bất kỳ người dân Việt Nam nào được hỏi về cuộc chiến đó tên gọi là gì, ai thắng, ai bại, thì đều có chung một câu trả lời ngắn gọn nhưng đầy đủ. Đây là một chiến công hiển hách nhất trong lịch sử chống quân xâm lược từ phương Bắc. Nói là hiển hách nhất bởi có mấy kết quả sau:

Thứ nhất, Việt Nam đã đẩy lùi đạo quân đông nhất hơn 60 vạn binh lính cùng hàng trăm xe tăng, hàng ngàn khẩu pháo… Cần nhắc lại rằng vua Quang Trung chỉ đánh bại 30 vạn quân Thanh. Đó cũng là số lượng đông nhất trong những những lần triều đình phong kiến Trung Quốc tấn công Đại Việt. Còn chiến tranh chống Mỹ, tổng số lượng binh lính Mỹ và chế độ cũ 50 vạn người.

Trận Ngọc Hồi – Đống Đa.
Trận đánh trên sông Như Nguyệt.

Thứ hai, đó là cuộc chiến nhanh nhất với chỉ 16 ngày, từ 17/2 đến 5/3/1979.

Và cuối cùng, đó là lần đầu tiên Việt Nam chặn ngay địch thành công từ cửa ngõ biên giới. Thời vua Quang Trung, tướng Ngô Văn Sở cũng phải lui binh về đến Tam Điệp mới chặn được bước quân Thanh. Danh tướng Lý Thường Kiệt cũng chặn được sự tiến công của tại sông Như Nguyệt…

Đơn giản là Việt Nam coi đây là một cuộc chiến tranh xâm lược và nhận thức đó không chỉ bằng cảm tính, lý luận suông mà bằng sự đối đầu, nếm trải thực tế. Chiến thắng hay thất bại trong cuộc chiến này, Việt Nam không tự vỗ ngực mà bằng những cái giá phải trả cho sự vững chắc của biên cương Tổ quốc.

Tự cổ chí kim, mỗi khi chiến thắng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trước sự xâm lược của các triều đại phong kiến Phương Bắc, Việt Nam đều luôn quan tâm đến lòng tự trọng tối thiểu của kẻ bại trận. Vì thế, Việt Nam không muốn nhắc đến quá khứ mà có thể khiến ai đó tổn thương, nhưng không quên quá khứ, đã làm tất cả những gì để lịch sử không lặp lại.

Sứ bộ Tây Sơn đến triều đình Nhà Thanh.

Xung quanh điều này một số kẻ thiếu hiểu biết hoặc chống phá chính quyền, chế độ, cho rằng Việt Nam đã “quên” cuộc chiến tranh, đã đối xử không công bằng với những người lính đã hy sinh trong cuộc chiến… Ai đó cho rằng, Việt Nam đã quên lãng cuộc chiến tranh này? Rằng đã đưa vào sách giáo khoa cho thế hệ trẻ quá ít…

Nên nhớ, trong quan hệ quốc tế, trong nghệ thuật bang giao đối ngoại, đặc biệt với Trung Quốc, một người hàng xóm vừa mạnh vừa đông đảo thì đó là công việc, là kế sách của những tinh hoa chính trị Việt Nam.

Lịch sử rành rành như vậy, nên nếu như có ai đó là người Việt Nam cho rằng Việt Nam khiêu khích Trung Quốc và bại trận thì kẻ đó đầu óc có vấn đề…

Lịch sử phải là sự thật, phải biết gìn giữ, bảo quản. Đó là công việc của nhà sử học. Nhưng khi lịch sử đang còn có ảnh hưởng đến hiện tại thì công bố hay không, nhiều hay ít…là thuộc về sách lược và quyết định của nhà chính trị, không phải là quyền hạn của nhà sử học.

Tại sao đó mới là vấn đề của Trung Quốc?

Gần 45 năm qua, chính quyền Bắc Kinh tuyên truyền cho người dân của họ rằng, đây là một cuộc “phản kích tự vệ”, tức là Việt Nam gây hấn trên biên giới, tấn công vào Trung Quốc, rằng Trung Quốc chiến thắng khi “các mục tiêu đề ra đều đạt được” và tuyên bố rút quân về nước.

Trung Quốc không lúc nào ngừng tuyên truyền trong nội bộ của họ về cuộc chiến tranh biên giới 1979. Các bài báo, các tác phẩm văn học, các tác phẩm điện ảnh… đều nêu lên một điều là họ đã thắng lớn trong cuộc chiến đó.

Cách đặt tên của chính quyền đã khiến người dân và người lính Trung Quốc trong suốt một thời gian dài có một cái nhìn rất “khác biệt” về cuộc chiến tranh. Thế nhưng, ngày nay khi các phương tiện truyền thông phát triển, trình độ dân trí tăng cao thì vấn đề của Bắc Kinh là phải giải thích sự thật lịch sử với người dân Trung Quốc.

Về quân sự, Trung Quốc gọi là “phản công tự vệ”. Phản công chỉ xay ra khi bị một ai đó tấn công, nhưng ai đã “tấn công” Trung Quốc?

Kẻ mà Việt Nam tấn công là đạo quân diệt chủng Khmer Đỏ chứ không phải Trung Quốc. Nên có thể nói, Trung Quốc sử dụng thuật ngữ quân sự “phản công” là không sai. Nhưng khi gọi đó là “phản công”, người Trung Quốc cũng đã gián tiếp thừa nhận rằng họ đã nuôi dưỡng, hỗ trợ một chế độ diệt chủng và coi đó là một “đồng minh” của mình.

Các chiến sĩ Việt Nam được người dân Campuchia ủng hộ.

Khmer Đỏ đã tàn sát hơn 2 triệu người dân Campuchia, đó là tội diệt chủng. Chúng tàn sát hàng chục ngàn người dân Việt Nam tại vùng biên giới, đó là tội khủng bố cấp nhà nước. Những tên cầm đầu của Khmer Đỏ hiện bị Liên Hợp Quốc truy tố tội ác chiến tranh, dù muộn nhưng đã chứng minh Việt Nam có công giúp Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng.

Vậy thì, Bắc Kinh giải thích thế nào với người dân Trung Quốc về mối liên hệ của mình với chế độ diệt chủng man rợ có một không hai trên thế giới? Trung Quốc cho rằng “phản kích tự vệ” thắng lợi và rút quân về nước. Vậy thắng lợi như thế nào, trong khi quân đội Việt Nam đã xóa sổ 23 sư đoàn Khmer Đỏ và vẫn “y án” chế độ diệt chủng Khmer Đỏ?

Thứ hai, về chính trị, tấn công Việt Nam để chứng tỏ Trung Quốc cùng phe với Mỹ để được Mỹ đầu tư tài chính, kỹ thuật, phục vụ cho đường lối cải cách mở cửa của Trung Quốc. Sự thật này nếu như giải thích theo lý luận chiến tranh cách mạng thì không sai, bởi hoạt động quân sự chung quy lại cũng chỉ nhằm phục vụ cho mục tiêu kinh tế – chính trị, nhờ nó mà Trung Quốc mới cất cánh trỗi dậy như ngày nay.

Lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình và Tổng thống Mỹ Jimmy Carter.

Nhưng một đồng xu luôn có hai mặt. Với người dân Trung Quốc, khi đem gần 600.000 mạng người cùng với với hàng chục ngàn mạng người dân láng giềng vô tội để giải thích cho mục tiêu chính trị đạt được này là không thể nuốt nổi, bởi nó quá dã man và tàn nhẫn.

Như vậy, cuộc chiến 17/2/1979, giải thích nó với người dân Trung Quốc thế nào cho đúng bản chất sự thật là một vấn đề rất khó với Bắc Kinh hiện nay.

Gác lại quá khứ

Tuy nhiên, chiến tranh đã qua đi, nó đã thành lịch sử. Vì vậy, tốt nhất là Trung Quốc và Việt Nam hãy khép lại quá khứ để hướng đến tương lai, để lịch sử không lặp lại. Không nên kích động hận thù, khơi dậy nỗi đau chung của 2 dân tộc mà chung sống hòa bình, hữu nghị, hợp tác là điều mong mỏi của nhân dân hai nước.

Hiện nay, thế giới đang có một cuộc chiến giữa 2 láng giềng Nga – Ukraine. Có rất nhiều người đặt ra một vấn đề “Việt Nam rút ra bài học gì từ cuộc chiến đó”.

Nhưng, Việt Nam thực ra chẳng có “bài học” gì để rút ra từ đó cả, đơn giản vì đây là “bài giảng” của Việt Nam. Các quốc gia trong mối quan hệ quốc tế phải rút ra bài học từ Việt Nam giảng dạy. Đó là những bài học gì từ Việt Nam.

Lê Ngọc Thống

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Bài mới
Đọc nhiều