Cuộc chiến 4 năm của TT Trump với Trung Quốc
Tổng thống Trump cam kết kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhưng nhiều chuyên gia nhận định ông dường như đã thất bại với mục tiêu này.
Sau những lời lẽ tốt đẹp dành cho nhau trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ, như ca ngợi cuộc gặp đầu tiên ở Mar-a-Lago hồi năm 2017 là “miếng bánh sô cô la xinh đẹp nhất”, mối quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trở nên căng thẳng vào năm 2018 với cuộc chiến thương mại dai dẳng. Mối quan hệ hai bên xấu đi nhanh chóng và giảm xuống mức thấp kỷ lục vào năm thứ 4 nhiệm kỳ của Trump.
Tổng thống Trump hồi tháng 1 từng tuyên bố chiến lược đối phó với Trung Quốc của ông trên đà chiến thắng, khi tiếp đón quan chức cấp cao của chính quyền ông Tập tại Nhà Trắng để ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Nhưng kể từ đó, giọng điệu của ông đối với Trung Quốc ngày càng cứng rắn.
Ông Trump và ông Tập đã không nói chuyện với nhau kể từ tháng 3 năm nay. Trong khi đó, chính quyền hai bên cũng liên tục có những màn “ăn miếng trả miếng” về nhiều vấn đề, từ đại dịch, thương mại, người Duy Ngô Nhĩ, luật an ninh Hong Kong và Biển Đông.
Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tháng trước, Tổng thống Mỹ tuyên bố 75 năm sau Thế chiến II, các quốc gia một lần nữa phải chung tay chống “kẻ thù vô hình”: virus Trung Quốc.
“Chúng ta phải bắt Trung Quốc chịu trách nhiệm vì đã phát tán dịch bệnh khắp thế giới”, ông nói.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng việc Tổng thống Mỹ lặp lại tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc lần này giống như ngầm thừa nhận lời hứa kiềm chế Bắc Kinh đã thất bại, ngay cả khi ông cố thuyết phục cử tri rằng ứng viên Dân chủ Joe Biden không đủ mạnh mẽ để đối phó với ông Tập.
Trong suốt nhiệm kỳ của Trump, Bắc Kinh đã có nhiều động thái quyết liệt bất chấp sự phản đối từ Mỹ và cộng đồng quốc tế, như ban hành luật an ninh Hong Kong, tăng cường giám sát trong nước, trục xuất nhà báo nước ngoài, đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô sau khi chính quyền Trump đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston.
Trong khi đó, thỏa thuận thương mại giai đoạn một sau 18 tháng chiến tranh thương mại, trong đó Bắc Kinh đồng ý mua thêm 200 tỷ USD nông sản Mỹ, không thực sự mang đến thay đổi nào về cấu trúc đối với hệ thống kinh tế do nhà nước hỗ trợ, vốn được xem là bất lợi đối với các công ty Mỹ.
David Nakamura, biên tập viên của Washington Post, nhận định Tổng thống Donald Trump đã biến quan hệ Mỹ – Trung từ hợp tác trong hoài nghi sang không còn tin tưởng và đối đầu, khiến hai nước bước vào giai đoạn thù địch nhất trong nhiều thập kỷ.
Các trợ lý Nhà Trắng ví tình hình hiện tại giống như cách tiếp cận của tổng thống Ronald Reagan đối với Liên Xô trước khi sụp đổ, trong khi những người phản đối Trump cảnh báo ông đã tạo ra mối quan hệ căng thẳng nguy hiểm do phong cách lãnh đạo không có kỷ luật và hỗn loạn. Song họ đều cho rằng mối quan hệ Mỹ – Trung sau cuộc bầu cử sẽ là vấn đề đối ngoại quan trọng đối với nhiệm kỳ hai của Trump hoặc nhiệm kỳ đầu của Biden.
“Trung Quốc là một trong số vấn đề tiềm ẩn nhiều hậu họa nhất”, Minxin Pei, chuyên gia về Trung Quốc tại Cao đẳng Claremont McKenna ở California, nói. “Trump có thể giữ hai quốc gia trong cuộc cạnh tranh không hồi kết nếu đắc cử nhiệm kỳ hai. Nó có thể leo thang thành cuộc Chiến tranh Lạnh tốn kém và nguy hiểm trong 20-30 năm”.
Chính quyền Tổng thống Trump đã có những động thái để bắt đầu tách rời hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc là đối tác toàn cầu thiện chí và chỉ trích Mỹ.
“Vùi đầu vào cát như đà điểu khi đối mặt với toàn cầu hóa kinh tế hoặc chiến đấu với nó như Don Quixote là chống lại xu hướng lịch sử”, ông Tập nói.
“Chúng tôi đã đối xử với Trung Quốc như kẻ thù, coi họ như kẻ thù và đang đạt được những gì mà mình yêu cầu”, Daniel Russel, chuyên gia về Xã hội châu Á, người từng là trợ lý chính sách đối ngoại cấp cao dưới thời chính quyền Barack Obama, nói. Russel thêm rằng Chủ tịch Tập đang đối mặt với nhiều áp lực trong nước, “nhưng tôi không thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy ông ấy đang kiềm chế tham vọng và chiến lược toàn cầu của mình”.
Trong bài bình luận trên Washington Post hôm 7/10, biên tập viên Robert B. Zoellick cho rằng chính sách Trung Quốc của Tổng thống Trump “đã hoàn toàn thất bại”. Zoellick dẫn chứng khi nhậm chức, Trump từng tuyên bố sẽ chấm dứt thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, nhưng mức thâm hụt thương mại năm 2019 của Mỹ là 346 tỷ USD, gần tương đương năm 2016.
Ngoài ra, nhà bình luận này còn chỉ ra trong 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu Mỹ sang Trung Quốc chỉ tăng 1,8% trong khi xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tăng tới 20%. Thêm vào đó, thâm hụt thương mại toàn cầu của Mỹ tăng từ 481 tỷ USD năm 2016 lên 577 tỷ USD năm 2019, một phần do một số mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc đã chuyển sang quốc gia khác, chứ không còn phụ thuộc vào nhà sản xuất Mỹ.
Trong cuộc tranh luận phó tổng thống Mỹ hôm 7/10, ứng viên Dân chủ Kamala Harris cũng cho rằng chính quyền Tổng thống Trump đã “thua” trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
“Chiến tranh thương mại của Tổng thống thì sao?” bà Harris hỏi ứng viên Mike Pence. “Các bạn đã thua nó… Bởi vì trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Mỹ đã mất 300.000 công việc sản xuất”.
Phó tổng thống Pence lập tức phản bác. “Thua cuộc chiến thương mại ư? Biden thậm chí còn chưa từng chiến đấu vì nó”, Pence nói.
Các trợ lý của Tổng thống Trump đã lập tức phản bác quan điểm cho rằng chiến lược đối phó Trung Quốc không thành công, đồng thời tranh luận chiến dịch gây áp lực của Mỹ, từ trừng phát kinh tế đối với các quan chức Trung Quốc tới cấm gã khổng lồ viễn thông Huawei và mạng xã hội TikTok, đang làm cô lập Bắc Kinh.
Nhiều người cũng dẫn chứng khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew hôm 6/10 cho biết phần lớn người dân ở 14 nước tham gia khảo sát đều có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc, với 61% số người được hỏi nói rằng Bắc Kinh đã xử lý Covid-19 không hiệu quả. Ngoại trừ Pháp, Nhật Bản và Italy, danh tiếng của Bắc Kinh ở các nước còn lại đều giảm kỷ lục.
Trong bài phát biểu tại sự kiện vận động tranh cử ở Dayton, Ohio hôm 21/9, Tổng thống Trump từng tuyên bố: “Nếu Biden thắng, Trung Quốc thắng. Nếu chúng tôi thắng, Ohio thắng và quan trọng hơn, Mỹ thắng”.
Tổng thống cũng nhiều lần nói rằng Trung Quốc muốn ông thất cử. “Trung Quốc sẽ làm mọi điều để tôi thua trong cuộc đua này”, Trump nói với Reuters hồi tháng 4.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích Trung Quốc cho rằng 4 năm nhiệm kỳ của Trump mang lại cho Bắc Kinh nhiều cơ hội. “Nhiều người dân Trung Quốc muốn Trump thắng, bởi họ nghĩ Trump đã phá hủy hệ thống Mỹ và các liên minh của mình”, Wang Yiwei, giám đốc Viện Các vấn đề quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh. “Nên nếu Trump tiếp tục, Trung Quốc có thể có nhiều cơ hội hơn”.
“Tôi thực sự kêu gọi người Mỹ hãy bầu cử cho Trump, bởi nhóm của ông ấy có rất nhiều thành viên điên cuồng như Ngoại trưởng Mike Pompeo. Họ giúp Trung Quốc tăng cường đoàn kết và thống nhất theo cách đặc biệt. Điều đó rất quan trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc”, Tổng biên tập Global Times Hồ Tích Tiến đăng bài trên Twitter hồi tháng 6.
Susan Shirk, chủ tịch chương trình Trung Quốc tại Đại học California ở San Francisco, người từng phục vụ cho chính quyền tổng thống Bill Clinton, nhận định chính quyền Tổng thống Trump đã không thu được kết quả gì từ chính sách với Bắc Kinh trong 4 năm qua.
“Nó đã đạt được gì ư? Tôi thực sự không thấy điều gì”, bà Shirk nói. “Chúng tôi có định hình hành vi của Trung Quốc theo cách tích cực hay không? Ngược lại thì nhiều hơn”.
(Theo Washington Post, Time, LATimes)