Cuộc “chạy đua” của du học sinh Việt khỏi nước Ý trước lệnh phong tỏa
Khi Ý đang họp về việc phong tỏa các vùng dịch thì Trần Anh Tuấn mới bắt đầu đặt vé máy bay về nước. 6 giờ sáng 8.3, Tuấn vội vã lên xe buýt ra sân bay trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực.
Chạy đua với thời gian
Đang du học thạc sĩ ngành Quản lý sản xuất ở Trường ĐH Trieste. Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, Tuấn đang sống tại Venice (thuộc vùng Veneto, Ý), nằm sát bên vùng dịch của nước này. Số ca bệnh ở Veneto cũng đã lên tới khoảng 700 ca.
Sống trong vùng dịch nhưng thấy tâm lý của người dân khá chủ quan, trước khi bị phong tỏa các khu vực nhà hàng, quán bar vẫn còn rất đông người. Chứng kiến số ca dương tính lại ngày càng tăng Tuấn không khỏi lo lắng. Dù đã hạn chế tối đa ra khỏi nhà để phòng bệnh nhưng trước thông tin nước Ý sẽ phong tỏa nhiều nơi để phòng dịch, trong đó có cả Venice Tuấn rơi vào trạng thái hoang mang.
“Nếu bây giờ không về Việt Nam mình sẽ mắc kẹt ở đây. Dù gì đi nữa, Việt Nam vẫn là quê hương, nếu có bị bệnh mình sẽ được chăm sóc, điều trị tốt hơn khi ở xứ người. Thế là ngay trong chiều mình lên mạng đặt vé máy bay để về nước”, Tuấn chia sẻ.
Dù đã đặt được vé nhưng Tuấn vẫn không khỏi hồi hộp vì không biết có kịp ra khỏi thành phố trước khi bị phong tỏa hay không khi tối 7.3 nước này đã chốt lệnh phong tỏa ở nhiều thành phố. Liệu chuyến bay có bị hủy hay không, Tuấn đã gửi email và gọi điện lên hãng nhưng đều không nhận được câu trả lời.
Sáng 8.3, Tuấn dậy từ rất sớm để chuẩn bị hành lý. Dù 12 giờ trưa mới bay, nhưng 6 giờ sáng, khi thành phố vẫn chìm trong bóng tối, Tuấn đã lên xe buýt để ra sân bay Marco Polo. Gần 30 phút sau đó, thành phố Venice chính thức lập các chốt chặn phong tỏa.
Ngày hôm đó, dù khá nhiều chuyến bay bị hủy nhưng may mắn chuyến bay của Tuấn lại không có trong danh sách này, nam du học sinh chính thức rới khỏi nước Ý.
“Lúc đấy mình thật sự rất hồi hộp và nghĩ rằng có thể sẽ bị chặn lại bởi các chốt trực phong tỏa, hoặc ra sân bay cũng có thể phải quay lại nếu chuyến bay bị hủy. Bây giờ nghĩ lại, mình thấy việc về nước lần này như một cuộc chạy đua, chỉ cần chậm thêm mấy chục phút thôi, có lẽ giờ này mình đã bị phong toả ở Ý rồi”, Tuấn kể.
Đất nước là nơi để trở về
Những ngày sống ở Venice Tuấn luôn trăn trở việc có nên về nước hay không. Trước đó, trong khi bạn bè lần lượt đặt vé về nước Tuấn vẫn luôn phân vân việc đi hay ở.
Tuy nhiên, khi thấy tình hình dịch bệnh ngày một căng thẳng, dịch vụ y tế ở Ý có thể bị quá tải khi số ca dương tính ngày càng nhiều thì Tuấn bắt đầu hướng về Việt Nam, nơi nhiều người về từ vùng dịch được cách ly miễn phí trong các trung tâm.
Ngày 9.3, sau hơn 15 giờ đồng hồ, Tuấn xuống sân bay Tân Sơn Nhất lúc 9 giờ 30. “Khi đặt chân xuống sân bay em đã thở phào nhẹ nhõm vì có thể về nước trong thời gian này. Dù ở Việt Nam hiện số ca dương tính đã tăng lên, nhưng so với Ý con số này còn ít hơn rất nhiều. Ngoài ra, việc được trở về với gia đình, quê hương khiến em an tâm hơn rất nhiều”, Tuấn nói.
Nhà ở TP.HCM, ý thức được việc mình về từ vùng dịch, ngay sau khi xuống sân bay Tuấn đã chọn cách khai báo trung thực những thông tin cần thiết và đã chuẩn bị sẵn tinh thần đi cách ly. Sau hơn 16 giờ làm thủ tục khai báo, chờ đợi Tuấn được đưa về cách ly tại quận 9.
Theo Tuấn, số người cách ly ở cơ sở quận 9 hiện rất ít, Tuấn được xếp vào 1 phòng có 5 giường nhưng hiện chỉ mình cậu ở.
“Nhân viên nhiệt tình, mọi thứ được chuẩn bị chu đáo và đầy đủ khiến mình cảm động. Dù gì Việt Nam cũng vẫn là nhà, và nhà thì lúc nào cũng tốt nhất với mình…”, Tuấn chia sẻ.
Hiện Ý đã áp lệnh cấm di chuyển toàn quốc, yêu cầu người dân ở nhà đến ngày 3.4 trong bối cảnh nước này ghi nhận hơn 9.000 ca nhiễm Covid-19. Theo đó, người dân của nước này được thông báo nên ở trong nhà. Việc di chuyển trên toàn quốc sẽ bị ngừng, trừ khi có lý do khẩn cấp hoặc vấn đề sức khỏe. Đạo luật cũng cấm mọi hoạt động tập trung đông người, bao gồm những trận thi đấu bóng đá thuộc giải Serie A và các sự kiện thể thao, trong khi toàn bộ trường học phải lập tức đóng cửa.