Cuộc cạnh tranh khốc liệt của ví điện tử
Việt Nam hiện có khoảng 23 ví điện tử đang hoạt động, trong đó có sự góp phần của các nhà đầu tư nước ngoài và nhiều quỹ đầu tư lớn. Điều này đã làm cho thị trường ví điện tử tại Việt Nam ngày càng phát triển sôi động nhưng cũng không kém phần cạnh tranh khốc liệt.
Tiềm năng thị trường lớn
Theo nghiên cứu của công ty tư vấn Solidiance, thị trường công nghệ tài chính (fintech) tại Việt Nam vô cùng hấp dẫn, có thể đạt gần 8 tỷ USD vốn đầu tư vào năm 2020. Tiềm năng phát triển này cộng với xu hướng không dùng tiền mặt tăng mạnh khiến các trung gian thanh toán, đặc biệt là ví điện tử ở Việt Nam rộng mở.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc phụ trách khối dịch vụ tài chính của Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam, cho rằng nhờ sự tham gia của nhiều nhà đầu tư ngoại với tiềm lực tài chính mạnh mẽ đã giúp thị trường ví điện tử tại Việt Nam thêm sôi động.
Có thể thấy, giữa tháng 7/2019, Go-Viet – ứng dụng gọi xe của doanh nghiệp Indonesia tại Việt Nam đã đưa ra thông báo tuyển dụng nhân sự quản lý và phát triển kinh doanh cho Go-Pay Việt Nam. Trước đó, đầu năm 2019, VINID (một công ty con trực thuộc Vingroup) cũng đã mua cổ phần People Care, nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử MonPay, để thuận tiện cho khách giao dịch khi sử dụng VINID.
Chưa rõ Go-Pay có hình thành bằng cách mua cổ phần của ví điện tử nào trên thị trường như Grab mua ví điện tử Moca hay VINID mua ví điện tử MonPay, tuy nhiên điều này cho thấy ví điện tử đang là thị trường “béo bở”, nhiều tiềm năng để phát triển. Tính đến đầu năm 2019, thị trường đã có khoảng 23 ví điện tử như: Momo, Payoo, Moca, Airpay, Samsung Pay, ZaloPay,ViettelPay… Trong đó, nhiều doanh nghiệp được sự hậu thuẫn lớn từ công ty, quỹ đầu tư ngoại.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã thay đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh truyền thống, theo đó các mảng kinh doanh dường như không liên quan lại dễ dàng kết nối với nhau trong một hệ sinh thái. Dù có lãi biên không lớn, song trong một chiến lược kinh doanh tổng thể, ví điện tử là “siêu ứng dụng” không thể thiếu để doanh nghiệp hoàn thiện hệ sinh thái của mình. Đó là lý do các doanh nghiệp kinh doanh ví điện tử hiện nay thường có một cổ đông mạnh đứng sau như kinh doanh thương mại điện tử, logistic, đặt món ăn, cho vay tiêu dùng…
Điển hình như đầu năm nay, MoMo được đánh giá ví điện tử “đắt khách” nhất của Việt Nam thông báo đã nhận được 100 triệu USD từ Warburg Pincus, chưa kể trước đó đơn vị này đã được “bơm” hàng triệu USD từ tổ chức tài chính quốc tế lớn. Trong khi đó, ZaloPay đang được hỗ trợ lớn bởi VNG. Còn AirPay tuy mới tham gia thị trường nhưng được đánh giá là đối thủ đáng gờm, bởi ngoài việc có bệ đỡ là tập đoàn công nghệ đến từ Singapore là Sea Group, ví AirPay hiện là kênh đặt hàng và thanh toán chính thức của Foody cùng dịch vụ giao đồ ăn Now.
Cạnh tranh giành thị phần
Theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế – tài chính, trong vòng 5 năm tới, ví điện tử tại Việt Nam sẽ “trăm hoa đua nở” với sự hỗ trợ đầu tư đến từ những nhà đầu tư nước ngoài, nhất là trong bối cảnh thương mại điện tử, thanh toán điện tử tăng mạnh tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Liên danh NextPay (liên danh ví điện tử VIMO và mPos) cho rằng sẽ có sự thanh lọc ví điện tử bởi hiện nay, nhiều công ty thành lập ví điện tử chỉ mang tính chất đầu cơ, không có hướng đi rõ ràng và bền vững, chủ yếu chạy theo cơn sốt ví, sốt trung gian thanh toán. Dù vậy, nhiều chuyên gia ngân hàng nhận định, những “cá mập” mới vẫn có thể xuất hiện đồng thời với cuộc thanh lọc tự nhiên cho đến khi thị trường hình thành những ví điện tử đủ sức chi phối cuộc chơi. Trong tương lai, thị trường sẽ chỉ còn vài ba đơn vị thống lĩnh ở một vài lĩnh vực.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thùy Dương cũng cho rằng việc tồn tại quá nhiều loại ví mà các ví lại không liên thông với nhau và chưa có ví nào có sức mạnh chi phối là một trong những nguyên nhân khiến thị trường chưa phát triển mạnh. Như ngay cả tại đất nước hơn một tỷ dân là Trung Quốc, thị trường cũng chỉ cần hai ví điện tử là Alipay và Tenpay.
Thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp đang ở giai đoạn tiến thoái lưỡng nan, bởi thị trường ví điện tử cạnh tranh vô cùng khốc liệt, lợi nhuận biên chỉ 0,2-0,5%, trong khi nhiều ngành khác, lợi nhuận biên lên tới hàng chục phần trăm. Ví dụ, tính đến cuối năm 2018, ví điện tử Momo đã lỗ lũy kế gần 1.000 tỷ đồng. Tương tự, ZaloPay cũng báo lỗ 177 tỷ USD, tăng gần 10 lần mức lỗ so với năm trước đó. Trong khi đó, cả ZaloPay và Momo đều nằm trong top ví điện tử có nhiều người dùng nhất hiện nay.
Ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng, nếu không có sự khác biệt và tạo được lưu lượng giao dịch lớn, hoặc có hệ sinh thái lớn hỗ trợ, trong vài năm tới, chắc chắn sẽ chỉ còn khoảng 5 ví điện tử tồn tại được trên thị trường.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), đa số ví điện tử trên thị trường hoạt động không ổn định, nhiều ví thua lỗ, chỉ có khoảng 20% đơn vị có lãi. Khảo sát của một số công ty nghiên cứu thị trường cũng cho thấy, dù có tới khoảng 23 ví tồn tại trên thị trường, song tập trung chủ yếu vào 4 – 5 ví như: Momo, ZaloPay, ViettelPay, Airpay…
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, tính đến cuối năm 2018, cả nước mới có hơn 4 triệu tài khoản ví điện tử đã được liên kết với ngân hàng với số lượng giao dịch là 60 triệu lượt giao dịch/năm. Giá trị giao dịch cũng rất nhỏ, bình quân 200.000 đồng/giao dịch.
Lượng khách chưa nhiều, giá trị giao dịch nhỏ, chi phí khuyến mãi khủng khiếp… nhưng nhiều nhà đầu tư ngoại vẫn nhảy vào lĩnh vực này đầu tư. Ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng, có thể nhà đầu tư ngoại muốn thâu tóm thị trường, trước hết bằng cách tạo lập thói quen sử dụng cho người tiêu dùng, tương tự cách thức mà Uber đã triển khai. Tuy nhiên, khi người tiêu dùng đã sử dụng ví như thói quen, có thể doanh nghiệp muốn sử dụng dữ liệu này để khai thác các lĩnh vực khác (như cho vay tiêu dùng), chứ không đơn thuần chỉ là thanh toán.
(Theo Hải Yên/Báo Tin tức)