“Cuộc cách mạng” trong phòng chống tham nhũng
Có thể nói Nghị định 130/2020/NĐ-CP “quy định việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị” là một “cuộc cách mạng” trong phòng chống tham nhũng.
Trước kia diện kê khai chỉ là trưởng phòng cấp huyện trở lên thì hiện nay tất cả cán bộ, công chức phải kê khai; riêng viên chức từ phó phòng. Nghị định nêu bốn nhóm phải kê khai gồm tất cả cán bộ, công chức; phó phòng trong các đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước; sĩ quan công an, sĩ quan quân đội, quân nhân quốc phòng; những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND. Phụ lục của nghị định liệt kê rõ 105 vị trí công việc, cán bộ, công chức từ phó phòng trở lên phải kê khai tài sản hàng năm.
Quy định mới cũng định hướng hình thành các cơ quan bán chuyên trách, tức là không thành lập mới mà giao thêm nhiệm vụ, chức năng cho một số đơn vị, khi có đến 8 loại cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Trong đó, cơ quan thanh tra giữ vai trò quan trọng. Thanh tra Chính phủ sẽ kiểm soát tài sản, thu nhập từ Giám đốc sở và tương đương trở lên, còn ở dưới là thanh tra tỉnh.
Ngoài thanh tra, một số cơ quan khác cũng có trách nhiệm kiểm soát tài sản thu nhập như TAND, VKSND, Kiểm toán Nhà nước, kể cả các tổ chức chính trị xã hội sẽ kiểm soát tài sản, thu nhập của những người thuộc quyền quản lý của họ.
Những cơ quan này có những quyền rất quan trọng để bảo đảm kiểm soát tài sản, thu nhập diễn ra trung thực, đúng quy định. Đơn cử như quyền yêu cầu các bên liên quan cung cấp thông tin tài sản của cá nhân bị nghi ngờ; yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin biến động tài khoản; cơ quan quản lý nhà đất cung cấp dữ liệu về nhà đất… Việc này nhằm hạn chế tình trạng các bên liên quan lấy cớ bảo mật để né cung cấp thông tin.
Đặc biệt, các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có quyền tự mình quyết định đi xác minh. Trước kia, muốn xác minh phải làm rất nhiều trình tự, thủ tục. Ngoài ra, họ cũng có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức và cá nhân thực hiện các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, hủy hoại tài sản, chuyển dịch tài sản như yêu cầu phong tỏa tài khoản, không sang tên nhà đất…
Nếu người kê khai bị kết luận là không trung thực thì theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng và nghị định mới, có thể bị cảnh cáo chứ không còn khiển trách như trước.
Từ đó, người vi phạm có thể bị hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc; nếu đang được quy hoạch thì bị bỏ ra khỏi quy hoạch, đang ứng cử thì bị gạch tên khỏi danh sách ứng cử, đang được dự kiến bổ nhiệm sẽ không được bổ nhiệm… Đó là những hình thức xử lý rất nghiêm khắc.
Nghị định cũng quy định nếu người kê khai bị kết luận không trung thực mà chủ động từ chức thì sẽ không bị kỷ luật.
Với những quy định như trên, có thể nói đã hết thời việc kê khai tài sản bị đánh giá là “hình thức”. Những quy định mới không chỉ giúp kiểm soát tài sản, thu nhập mà còn bảo đảm sau này thu hồi được tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng; thể hiện tính nhân văn và coi trọng hiệu quả của cuộc đấu tranh chống tham nhũng chứ không nhất thiết chỉ nhằm trừng phạt.
Minh Khang/PLVN