+
Aa
-
like
comment

Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp: Liệu EU có còn thực sự vững mạnh

Bảo An - 20/04/2022 16:27

Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp đang nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận thế giới. Thậm chí, không ít “thuyết âm mưu” đã được đặt ra xung quanh cuộc bầu cử này. Liệu rằng “dân chủ” sẽ được lên ngôi?

Sau cuộc bầu cử vòng 1, hai ứng cử viên cho vị trí Tổng thống Pháp nhiệm kỳ 2022 – 2027 đã xuất hiện là ông Emmanuel Macron đương kim Tổng thống Pháp và bà Marine Le Pen – lãnh đạo đảng cực hữu Rassemblement National (RN). Theo đánh giá của giới nghiên cứu, cuộc bầu cử đang diễn ra theo một kịch bản rất khó lường. Cả hai ứng viên cho vòng 2 đều nhận được sự ủng hộ lớn từ cử tri. Một kết quả khảo sát của Công ty Ifop (Pháp) liên quan đến cuộc bầu cử cho thấy khoảng 51% cử tri sẽ bầu cho đương kim Tổng thống Emmanuel Macron và 49% số phiếu còn lại sẽ được dành cho lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen. Đây là tỉ lệ vô cùng sít sao và dễ dàng có thể thay đổi. Chính vì vậy, việc dự đoán kết quả là điều vô cùng khó khăn.

Liên quan đến cuộc bầu cử, theo báo The Guardian, Cơ quan phòng chống tham nhũng của Liên minh châu Âu (EU) vừa đưa ra một cáo buộc về sai phạm của bà Marine Le Pen. Theo cơ quan này, khi còn là thành viên của nghị viện châu Âu, ứng viên Marine Le Pen và nhiều thành viên trong đảng cực hữu Rassemblement National đã biển thủ khoảng 670.000 USD. Riêng với bà Marine Le Pen, trong thời gian từ 2004 đến 2017, bà đã biển thủ 150.000 USD từ quỹ EU.

Đáng chú ý, cáo buộc trên được đưa ra chỉ một tuần trước khi cuộc bỏ phiếu vòng 2 diễn ra. Điều này khiến dư luận đặt ra nghi vấn rằng liệu đây chỉ là một sự trùng hợp hay có sự tính toán kỹ càng để phục vụ các “mưu đồ chính trị”?

Dư luận đặt ra nghi vấn trên là điều hoàn toàn bình thường. Đã có một sự trùng hợp đến bất thường ở đây. Không phải sớm hơn, không phải muộn hơn mà chỉ trước cuộc bầu cử vòng 2 một tuần cáo buộc trên mới được đưa ra.

Không ít người đã đặt ra giả thuyết về sự xuất hiện của “thuyết âm mưu” trong cáo buộc của Cơ quan phòng chống tham nhũng của Liên minh châu Âu. Bởi nếu bà Marine Le Pen trở thành tổng thống Pháp, chắc chắn mối quan hệ giữa Pháp và Liên minh Châu Âu sẽ thay đổi, thậm chí là ảnh hưởng đến cấu trúc chính trị – an ninh của khu vực.

Trong chương trình tranh cử của mình, bà Marine Le Pen không ngần ngại bày tỏ nhiều quan điểm bất lợi với liên minh Châu Âu như: đặt mục tiêu thiết lập lại các biện pháp kiểm soát biên giới đối với con người và hàng hóa nhập khẩu trong khối Schengen; đơn phương cắt giảm đóng góp của Pháp cho ngân sách EU; cho phép “ưu tiên quốc gia” cho công dân Pháp trong việc làm, phúc lợi an sinh xã hội và nhà ở công cộng; xây dựng pháp luật để Pháp được lựa chọn áp dụng các quy định của pháp luật EU phù hợp với lợi ích của mình; rút khỏi Bộ chỉ huy quân sự NATO…

Như cách nhiều người gọi, đây là chính sách “Frexit trong tất cả – trừ tên gọi”. Hậu Brexit, chắc chắn giới chức Châu Âu sẽ không mong muốn điều này xảy ra. Pháp là một trong những nền kinh tế lớn nhất EU, khi những chính sách của bà Marine Le Pen được thực thi, chắc hẳn tình hình EU sẽ thay đổi. Mặt khác, điều này cũng có khả năng kéo theo sự gia tăng của chủ nghĩa bảo thủ quốc gia trong liên minh Châu Âu, tạo chia rẽ sâu sắc hơn trong khối.

Sau sự kiện Anh rời EU (Brexit) và hiện tại là chính sách tranh cử của ứng cử viên Marine Le Pen tại Pháp, một lần nữa chúng ta thấy được sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo thủ quốc gia. Một liên minh dù có khăng khít đến mấy thì vẫn tồn tại những mâu thuẫn, bất đồng. Suy cho cùng, chỉ có lợi ích quốc gia mới là điều quan trọng nhất. Trong tất cả các mối quan hệ quốc tế, lợi ích cần được chia sẻ hài hoà.

Mặt khác, người ta cũng không khỏi nghi ngờ, liệu EU có còn thực sự vững mạnh? Hay chăng, liên minh này đang “già” đi và lâm vào sự thoái trào khi chủ nghĩa bảo thủ quốc gia đang ngày càng mở rộng ở nhiều nước thành viên? Liệu những cáo buộc của Cơ quan phòng chống tham nhũng của Liên minh châu Âu là sự thật hay chỉ là một chiêu bài chính trị nhằm làm thay đổi kết quả bầu cử Tổng thống tại Pháp? Liệu các cuộc bầu cử ở Pháp nói riêng và ở các nước Châu Âu nói chung có bao nhiêu phần trăm là khách quan hay chịu sự “thao túng”? Đây là những câu hỏi khó để trả lời. Tuy nhiên, một điều chắc chắn xảy ra là những cáo buộc liên quan đến ứng viên Marine Le Pen chắc chắn tác động và ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý cử tri và thậm chí là kết quả bầu cử.

Bảo An

Bài mới
Đọc nhiều