+
Aa
-
like
comment

Cùng nhìn lại ngành Giáo dục sau “kỳ nghỉ Tết dài nhất lịch sử”

Thu An - 23/06/2020 19:51

Có thể nói chưa năm nào học sinh lại được nghỉ Tết dài nhất như thế, kéo dài từ 26/01 mãi tới 04/05. Hơn 3 tháng nghỉ học, đã có rất nhiều lo lắng của phụ huynh về việc con em mình quên kiến thức, cũng như việc Bộ giáo dục sẽ phải tiếp tục chương trình dạy học thế nào để có thể kết thúc năm học cũ đúng thời gian trước khi bắt đầu năm học mới. Và điều đáng mừng là những lo lắng ấy đã có hồi đáp, khi hiện nay học sinh cả nước đã bước vào kỳ thi học kì II nhằm kết thúc năm học, đồng thời cũng để chuẩn bị cho cho kỳ thi THPT sắp tới.

Chương trình giảng dạy dành cho hơn 3 tháng nay chỉ cần hơn 1 tháng đã hoàn thành – đây là một thành tích đáng ghi nhận. Những con số tưởng chừng như đơn giản ấy nhưng bao hàm trong đó là nỗ lực không biết mệt mỏi của những người đi gieo mầm con chữ. Nó đến từ tinh thần “Tạm dừng đến trường nhưng không ngừng việc học” của Bộ Giáo dục.

Với chỉ đạo sát sao như trên, khi dịch bệnh còn đang diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục đã triển khai phương án học trực tuyến, dạy học trên truyền hình, phát phiếu bài tập tại nhà… nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh vừa giúp các em củng cố kiến thức cũ, đồng thời học bài mới theo chương trình học kỳ II. Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau, tuy nhiên xét trong bối cảnh dịch Covid-19 gây nguy hiểm đến tính mạng con người, các phương thức học tập này vẫn thể hiện tính hiệu quả và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều giáo viên, phụ huynh và các em học sinh. Đây cũng là một bài học về sự ứng biến linh hoạt của ngành giáo dục trước những biến động lớn khiến học sinh không thể đến trường. Tuy không thể thay thế hình thức học truyền thống, nhưng các hình thức dạy học này đã mang lại những hiệu quả không thể phủ nhận. Nó không chỉ giúp học sinh cập nhật bổ sung kiến thức kịp thời, mà còn giúp ta nhận ra những tấm gương thật đẹp của người cầm phấn thông qua mùa dịch này.

Đó là những người thầy người cô ngoài giờ lên lớp online phải lại lặn lội đến từng nhà để hướng dẫn học sinh và phụ huynh cài đặt phần mềm học trực tuyến. Thậm chí, đến từng thôn bản để kiểm tra và giúp kết nối đường truyền Internet. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng có điều kiện để tiếp cận laptop hay điện thoại thông minh, chính vì vậy những người thầy người cô lại phải đi photo tài liệu phát đến nhà các em học sinh mỗi ngày. Nhưng cái khó nhất không phải là lặn lội rừng núi đi hàng mấy cây số mới đến nơi, mà làm sao để là níu kéo khát vọng theo đuổi con chữ, muốn đến trường của các em học sinh. Nhất là ở nơi miền núi, hải đảo và nông thôn khi mà cái bụng chưa no thì làm sao nghĩ đến việc học.

Biết bao khó khăn đã bao trùm lên toàn ngành Giáo dục thời điểm ấy nhưng với tinh thần đồng lòng, không ngại khó khăn, nhiều thầy, cô vẫn kiên trì bám trường, bám lớp để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Lại nói, khó khi truyền đạt kiến thức cho các em ở nhà là một, thì làm sao đảm bảo an toàn khi các em đến trường là mười. Và để chuẩn bị các điều kiện cho học sinh đến trường an toàn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học. Các nhà trường phải đạt được những tiêu chí bắt buộc thì mới được tổ chức cho học sinh đi học trở lại, như: 100% học sinh thực hiện khai báo sức khỏe, đo thân nhiệt hằng ngày trước khi đến trường; học sinh phải đeo khẩu trang trong toàn bộ thời gian ở trường; bảo đảm giãn cách trong và ngoài lớp học; giáo viên phải được tập huấn về kỹ năng xử lý khi có học sinh bị sốt, ho, khó thở; có nhân viên y tế trường học, phòng cách ly, phòng y tế đảm bảo theo quy định… Với sự chỉ đạo nghiêm túc và quyết liệt như trên, kết quả mang về không có gì bất ngờ khi không có một ổ dịch nào xuất hiện ở các trường học. Đây là một trong những nỗ lực rất lớn của ngành Giáo dục, góp phần giúp Việt Nam được ghi danh là một nước chống dịch thành công nhất thế giới. Như bà Rana Flowers Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam đã thừa nhận -“Nỗ lực của ngành giáo dục Việt Nam trong phòng, chống COVID-19 là tấm gương cho nhiều nước khác”.

Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ ấy, Việt Nam vinh dự là nước được mời chia sẻ kinh nghiệm tại Diễn đàn chính sách Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á với đại diện tham gia là Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Tuy nhiên, một số đối tượng, trang mạng phản động đã lợi dụng sự việc này để chỉ trích xuyên tạc những nỗ lực của ngành Giáo dục. Chúng rêu rao rằng, Bộ Giáo dục đã không chủ động trong công cuộc phòng chống dịch mà quên mất rằng học sinh cả nước đã theo kịp tiến độ kết thúc năm học, không một ổ dịch nào xuất hiện ở trường học và quan trọng hơn cả là bài phát biểu của Việt Nam đón nhận được sự ủng hộ của 16.000 người.

Những tiếng nói lạc quẻ giữa một rừng ủng hộ này không phải là mới, nó là thủ đoạn quen thuộc của các đối tượng chính trị cơ hội nhằm bôi xấu hạ uy tín lãnh đạo nhà nước. Nhất là khi càng gần đến ngày diễn ra Đại hội XIII. Tuy nhiên, dù có cố bôi nhọ cỡ nào cũng không thể nào ngăn cản được sự tín nhiệm của thế giới dành cho Việt Nam nói chung và ngành Giáo dục nói riêng trong công cuộc chống giặc Covid 19 này.

Thu An

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều