Cùng hoãn xét xử gian lận thi cử 2 phiên tòa – đang thách thức dư luận
Bản chất của những vụ gian lận thi cử là “nhận và đưa hối lộ” thế nên dư luận đang rất mong chờ để xử đúng người, đúng tội. Thế nhưng hai vụ gian lận điểm thi năm 2018 vừa được đưa ra xét xử sơ thẩm tại Sơn La và Hà Giang lại phải hoãn ngay trong ngày đầu tiên vì thiếu nhân chứng. Điều này, khiến dư luận đặt ra câu hỏi, liệu có sự trêu ngươi, thách thức dư luận?
Hai phiên tòa xét xử gian lận thi cử cùng bị hoãn do thiếu nhân chứng
Những ngày gần đây, dư luận đang mong chờ vụ xét xử hai vụ gian lận điểm thi “đình đám” tại Sơn La và Hà Giang. Thế nhưng chỉ sau ngày xét xử sơ thẩm thì cả hai phiên tòa đã phải hoãn ngay trong ngày đầu tiên vì thiếu nhân chứng. Hai vụ gian lận trên đã khiển dư luận hết sức bức xúc, vì những kẻ coi thường kỷ cương, phép nước, trà đạp và tước đoạt cơ hội học tập của hàng trăm em học sinh trong mùa thi năm 2018 thì nay lại thêm một lần phẫn nộ vì cách hành xử của những vị từng mang danh “cán bộ”.
Chỉ vì thiếu nhân chứng mà hai phiên tòa cấp tỉnh lại cùng nhau hoãn, điều này giống như sự trêu ngươi, thách thức dư luận. Ngày 18-9, Tòa Án Nhân Dân (TAND) tỉnh Hà Giang đưa vụ án gian lận thi cử THPT năm 2018 ra xét xử sơ thẩm công khai. Tuy nhiên, phiên xử này đã phải trì hoãn do nhiều người liên quan, nhân chứng vắng mặt…
Để tiến hành phiên xét xử này, TAND tỉnh Hà Giang đã triệu tập 177 người làm chứng. Tuy nhiên, khi phiên tòa mở ra chỉ có 55/177 người có mặt; 60 người có đơn xin xét xử vắng mặt; 62 người vắng mặt không lý do, trong đó có 12 người làm chứng mà tòa án chuyển thư đến và được báo lại là không có người nhận.
Tại phiên tòa, Viện Kiểm Soát Nhân Dân tỉnh Hà Giang cho rằng việc vắng mặt của những người làm chứng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều bị cáo nên cần hoãn phiên tòa. Ngoài ra, đối với quyết định đưa vụ án ra xét xử, Viện Kiểm Soát đề nghị triệu tập thêm bà Vũ Thị Kim Chung – Hiệu trưởng Trường chuyên Hà Giang và là cô ruột của bị cáo Vũ Trọng Lương – Phó trưởng phòng Khảo thí, Sở GD-ĐT Hà Giang.
Với sự vắng mặt của hàng chục người được triệu tập tới phiên tòa và trước đề nghị của đại diện cơ quan truy tố cùng những băn khoăn, lo ngại của các luật sư nên sau khi hội ý, Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND tỉnh Hà Giang đã quyết định hoãn xét xử, đồng thời ấn định thời gian mở lại phiên tòa này vào ngày 14-10 tới đây.
Cũng liên quan đến gian lận thi cử THPT năm 2018, ngày 16-9 vừa qua, TAND tỉnh Sơn La đã đưa 8 bị cáo ra xét xử sơ thẩm. Tòa triệu tập 47 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (gồm phụ huynh có con được nâng điểm) và 43 người làm chứng (gồm cả lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La). Thế nhưng phiên tòa sơ thẩm này đã phải rời ngày xử sang giữa tháng 10 tới đây, do vắng mặt quá nhiều người tham gia tố tụng.
Có phải đang có sự trêu ngươi, thách thức dư luận ở đây?
Không ai dám đảm bảo rằng, phiên tòa được triệu tập lại vào tháng 10 tới, những “nhân chứng quan trọng” sẽ đủ bản lĩnh đến tòa nếu như họ tiếp tục lấy cớ bị “đau, ốm”.
Không bức xúc sao được khi mỗi phiên tòa được tổ chức đồng nghĩa với sự tốn kém tiền bạc của nhân dân, lãng phí thời gian, công sức của biết bao người. Không phẫn nộ sao được khi vụ án mà dư luận thừa biết là có yếu tố mua bán, trao đổi điểm bằng tiền, bằng bạc nhưng mới chỉ xử ở tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Và đặc biệt bức xúc hơn khi những người có liên quan trực tiếp đến vụ án, được tòa triệu tập đến phiên xét xử, họ thích thì đến, không thích thì viện đủ mọi lý do vắng mặt. Trong đó, có cả những người trực tiếp “dính dáng” vào phi vụ gian lận nhưng vì thiếu bằng chứng, họ chỉ đến tòa với tư cách nhân chứng.
Cũng phải mất hơn một năm, sau khi dư luận cả nước sôi sục về vụ gian lận điểm trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 tại ba tỉnh Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới công bố xem xét kỷ luật 13 cán bộ, công chức thuộc biên chế cơ quan Bộ.
Theo danh sách công bố, Cục Quản lý chất lượng có 04 người; Thanh tra bộ có 06 người; Ba người còn lại là Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học.
Ngày 21/08/2018 Thứ trưởng ký ban hành Thông báo số 878/TB-BDĐT “Về việc xem xét kỷ luật công chức”. Cùng ngày Bộ trưởng ban hành Quyết định số 2450/QĐ-BGDĐT về việc thành lập 13 “Hội đồng kỷ luật công chức” thuộc Bộ.
Ngày 22/08/2019, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn số 3817/BGDĐT-TCCB triệu tập những cá nhân vi phạm đến dự phiên họp Hội đồng kỷ luật công chức vào lúc 8g00 ngày 04/09/2019.
Ngày 29/08/2019, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (Thanh tra bộ) đã có văn bản số 818/TTr-HCTH “phản pháo” lãnh đạo Bộ và Vụ Tổ chức cán bộ.
Trong văn bản số 818/TTr-HCTH, Thanh tra bộ đề nghị: “Hủy bỏ Quyết định số 2450/QĐ-BGDĐT ngày 21/08/2018” của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Dùng tiền để mong có tương lai sáng lạn cho con. Cầm tiền để làm những việc phi pháp, mờ ám khi mang danh “nhà giáo”. Nếu những vụ gian lận thi cử không được phanh phui thì không biết hậu quả gì sẽ mang đến cho xã hội. Chỉ một phi vụ mà các vị đã bỏ túi hàng tỷ đồng và nhiều hơn thế nữa.
Dư luận và những người quan tâm đến giáo dục đều cho rằng, nếu không xử nghiêm, không gọi đúng tội danh, không đưa những kẻ vi phạm pháp luật vào tù thì rất khó để thuyết phục người dân tin vào sự nghiêm minh của nền tư pháp.
Chúng ta cần phải xử đúng người, đúng tội và bản chất của nó là “nhận và đưa hối lộ” chứ không phải là “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” như đã nói ở trên. Điều đó đảm bảo sự công bằng xã hội và răn đe những kẻ coi thường đạo lý và luật pháp, đem lại niềm tin cho người dân và cho các công dân tương lai của đất nước.
Đinh Lực