Cùng chung một dòng máu Việt, sao cứ phải phân biệt kẻ Bắc người Nam?
Trong những ngày cuối tháng 4, khi nhân dân cả nước kỷ niệm ngày thống nhất đất nước 30/4 thì một số đối tượng xấu, chống đối, cơ hội chính trị lại gia tăng các hoạt động xuyên tạc, bóp méo lịch sử nhằm gợi lại nỗi đau của dân tộc, mong muốn đất nước chia cắt thêm một lần nữa.
Đã 46 năm trôi qua kể từ ngày thống nhất đất nước, Việt Nam đã có những sự phát triển toàn diện, về mọi mặt; tầm vóc, cơ đồ ngày càng được nâng cao. Trong các mối quan hệ quốc tế, những người từng “đứng bên kia chiến tuyến” đã gác lại hận thù, hướng đến tương lai, thiết lập mối quan hệ ngoại giao ngày càng khăng khít.
Tuy nhiên, bất chấp thực tế đó, các thế lực thù địch, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị cùng một số phần tử ảo tưởng vẫn chưa từ bỏ việc lợi dụng lịch sử để chống phá đất nước. Đến hẹn lại lên, mỗi dịp tháng 4 đến, các đối tượng xấu lại tiếp diễn tiến hành các hoạt động “chống cộng”, tung ra những luận điệu, quan điểm, nhận định, đánh giá sai lệch về cuộc chiến vệ quốc của nhân dân Việt Nam. Họ gọi ngày thống nhất đất nước 30/4 của Việt Nam là “tháng tư đen tối”. Họ cho rằng muốn hòa hợp, hòa giải dân tộc thì Việt Nam phải thay đổi thể chế chính trị theo hướng đa nguyên đa đảng. Họ yêu cầu Đảng cộng sản Việt Nam phải từ bỏ vai trò lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội. Họ xét lại lịch sử đưa ra yêu sách đòi hỏi Việt Nam phải xác nhận cuộc chiến vệ quốc là “cuộc nội chiến”, đòi “lấy lại danh dự cho quân Việt Nam cộng hòa”, đòi hỏi không được gọi chính quyền miền Nam là ngụy…
Lợi dụng luận điệu đó, các tổ chức nước ngoài đã cố tình khoét sâu mâu thuẫn, kích động sự thù hằn dân tộc của Việt Nam. Như ông Nghị sĩ tại Mỹ Tom Umberg mặc dù không có chút liên quan cũng đòi tiến hành các hoạt động “tưởng nhớ và vinh danh những người đã hy sinh cao cả trong chiến tranh Việt Nam; bao gồm các cựu chiến binh Hoa Kỳ, miền Nam Việt Nam, quân đội đồng minh, và những người tị nạn vượt biển tìm tự do”…
Thực tế, trong thời gian qua trên tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai; xoá bỏ mặc cảm, định kiến; chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; nhiều chỉ thị, nghị quyết đã được đưa ra. Đều nhấn mạnh về việc phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, yêu cầu các cơ quan chức năng quan tâm, sớm có giải pháp phù hợp để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trên tinh thần cởi mở, chân thành, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Với những người còn giữ định kiến, mặc cảm với Tổ quốc, Việt Nam luôn kiên trì vận động, thuyết phục để họ hiểu rõ chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó cởi bỏ các khúc mắc, tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thực tế, việc hòa hợp, hòa giải dân tộc của Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Ý thức tự hào dân tộc, lòng yêu nước, gắn bó với quê hương đất nước, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau của người Việt trên khắp thế giới được củng cố. Một số quan chức cấp cao trong chế độ cũ đã hướng về Tổ quốc, đơn cử như ông Nguyễn Cao Kỳ, nguyên Phó tổng thống của chính quyền Sài Gòn. Trong một phỏng vấn với Đài truyền hình VTV, ông Nguyễn Cao Kỳ nhấn mạnh: “Tôi đã nói với các anh em hải ngoại là tôi cùng từng chiến đấu với họ chứ. Và họ cũng như tôi đều có một mong muốn về chiến thắng cuối cùng để có thể thống nhất được xứ sở chứ. Bởi vì đó là nhiệm vụ lịch sử của mỗi một người công dân Việt cơ mà. Nhưng mà bây giờ tôi và họ đã không làm được chuyện đó, những người anh em ở phía bên kia đã làm được thì mình phải chấp nhận nó là lịch sử và đất nước đã được thống nhất rồi. Chứ còn nói phục quốc, phục quốc thì nước Việt Nam có mất có Tây, cho Tàu đâu mà nói phục quốc. Chưa kể một số người, cho là cả 3 triệu người ở hải ngoại này không thể nhân danh là Tổ quốc Việt Nam mà nói chuyện đất nước Việt Nam. Những chuyện phi lý như vậy tôi bảo họ là nếu mà họ yêu nước thì phải ngồi im mà biết suy nghĩ, đừng có hành động đi theo một lũ côn đồ, một lũ hám danh, hám lợi, lừa gạt mọi người”.
Rõ ràng, từ đó để thấy rằng các luận điệu xấu, tiêu cực, phí lý được nêu ở trên không phải xuất phát từ mong muốn hòa hợp, hòa giải dân tộc mà nó là một thủ đoạn nham hiểm để kích động, khoét sâu sự thù hận nhằm chống phá đất nước.
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm cả tác giả