Chiến lược đặc biệt của Việt Nam án ngữ lòng tham của Trung Quốc
Bản đồ thế giới đã ghép Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng, có chung đường biên giới vì vậy gã hàng xóm có xấu thế hay xấu hơn nữa thì chúng ta cũng phải chấp nhận sống chung với họ. Đó là sự thật không thể phủ nhận! Và lẽ dĩ nhiên sống bên cạnh gã hàng xóm vừa to béo, nhiều tiền lại lắm âm mưu, tư tưởng bành trướng đã ăn vào máu thì Việt Nam phải thường xuyên cảnh giác, tăng cường các biện pháp phòng vệ để không phải mặc bẫy mà Trung Quốc đang giăng ra.
Ngày 05/11/2019, Việt Nam công bố “Sách Trắng Quốc phòng”, mặc dù nhắc lại chính sách “không tham gia liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam và không liên kết với một nước thứ hai để chống bên thứ ba”. Thế nhưng, chính sách này vẫn để ngỏ khả năng mở rộng quan hệ quốc phòng với các nước, cân nhắc thay đổi chiến lược bất kỳ lúc nào nếu Việt Nam đối mặt với các mối đe dọa không thể chấp nhận được.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà Việt Nam ký kết mấy chục văn kiện quân sự với Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Ấn Độ… và tăng tần suất cho các tàu quân sự của các nước vào Cảng Cam Ranh. Cũng chẳng phải bỗng dưng mà Việt Nam liên tục mua sắm vũ khí, trang thiết bị cho quân đội, gần đây nhất là mua sắm máy bay, tàu ngầm hiện đại nhất, đầu tư cho quân đội có thể nói là rất nhiều. Và cũng không phải vô cớ mà Việt Nam lại có mối quan hệ khăng khít với các quốc gia “máu mặt” đang có tranh cãi về lãnh thổ với Trung Quốc như Ấn Độ, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản trên tất cả bình diện kinh tế, ngoại giao, quốc phòng. Nền tảng mà Việt Nam xây dựng không phải là “quan hệ đồng minh” mà là “đối tác”. Việt Nam biết rõ rằng các quốc gia này luôn cảnh giác với Trung Quốc, các mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia này có thể thuận tiện hơn việc thu hút viện trợ, tài chính, vũ khí, khí tài.
Có sự trùng hợp nào không mà trong năm 2020, Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, cũng là lúc những nước có chung quyền lợi ở biển Đông tìm thấy tiếng nói chung? Khi mà cả Malaysia, Indonesia và Philipines cùng Việt Nam đồng thanh gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối đòi hỏi phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông? Và hôm 01/06 Thủ tướng Campuchia Hun Sen lên tiếng bác tin nước này cho phép Trung Quốc sử dụng độc quyền căn cứ hải quân Ream ở vịnh Thái Lan. Hay mới đây thôi, Mỹ lên tiếng, gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc, phản đối các yêu sách sai trái của Trung Quốc trên biển Đông. Sự lên tiếng của cường quốc số 1 thế giới đã như một cơn sóng cộng hưởng với tiếng nói của Việt Nam và các nước ASEAN trước đó đã “tạo sóng” cho dư luận trước sự bành trướng, ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông.
Có thể thấy, với gã láng giềng vừa mạnh, vừa cùn, vừa đầy dã tâm chuyên đi bắt nạt kẻ yếu, coi thường luật pháp quốc tế thì không phải cứ gào thét đối đầu là hay, là dũng cảm. Để đối phó với Trung Quốc, quốc gia luôn biết cách tính toán để viện cớ “đóng vai nạn nhân”, thì chúng ta phải hết sức bình tĩnh và khôn khéo. Trên bàn ngoại giao, Việt Nam từng bước tận dụng vị thế, kêu gọi các quốc gia trong khu vực và thế giới đoàn kết, lên tiếng đấu tranh với Trung Quốc.
Nói thật, làm sao để giữ được chủ quyền mà không gây tổn hại đến ngoại giao, kinh tế, vị thế đất nước mới khó, chứ rắn mặt đánh nhau thì dễ vô cùng. Thế nhưng, nên nhớ căng thẳng trên biển Đông, bên nào nổ súng trước thì bên đó đã tự giết chính mình. Chính Trung Quốc cũng đang “thèm khát” chiến tranh nổ ra trên biển, nhưng gã phương bắc xảo quyệt này cũng rất sợ và không dám khai hỏa trước, bởi như vậy họ sẽ trở thành kẻ đi xâm lược. Vậy nên thời gian qua, Trung Quốc luôn dùng mọi thủ đoạn đẩy chúng ta vào thế đối đầu quân sự và nếu các lực lượng chấp pháp của ta không tỉnh táo, khéo léo nổ súng trước, thì hậu quả là Trung Quốc sẽ nuốt trọn biển Đông mà lúc đó dư luận quốc tế khó lên tiếng kết tội Trung Quốc xâm chiếm “vườn nhà” của Việt Nam được.
Thế nên mới thấy công cuộc bảo vệ chủ quyền hiện nay không hề đơn giản, không thể nóng vội, lại càng không thể ấu trĩ về tư duy. “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng mọi biện pháp đối với các hoạt động vi phạm chủ quyền trên biển” – như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, vẫn là chiến lược hợp lý nhất. Những gì cần phải làm để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng, Việt Nam đã và đang làm.
Có thể thấy, “sóng” trên biển Đông những năm gần đây cuộn lên giữ dội, “sóng” từ biển tràn vào phòng nghị sự, không những thế còn tràn lên cả bàn phím, vào cả mồm của mấy anh chị “dân chủ” kêu gào nói rằng “người Việt Nam hèn nhát”; “sao không thấy người Việt biểu tình”… Thật lạ lùng, đang lúc dầu sôi lửa bỏng, gã phương bắc ngang ngược xâm lấn chủ quyền, Chính phủ đang đau đầu vắt óc nghĩ kế đối phó, lẽ ra phải đồng tâm hiệp lực cùng lãnh đạo lo chuyện quốc sự. Đằng này, lại có những kẻ lãng phí công sức phát đi những ý nghĩ, tư tưởng, lời cay độc, kích động mâu thuẫn, mất đoàn kết, chia rẽ nhà nước với người dân. Thế mà bảo là hết lòng vì nước, có trách nhiệm vì tổ quốc, nên gọi là thành phần tiếp tay khiến đất nước xáo trộn, lòng dân ly tán, tạo cơ hội để ngoại bang xâm chiếm lãnh thổ thì đúng hơn!
Chẳng cần phải khua chiên múa trống, kêu gọi người dân ra đường biểu tình, miệng thì gào thét chống Trung Quốc mà tay thì cầm biển với dòng chữ “đả đảo Chính quyền Việt Nam” mới gọi là yêu nước. Cứ nhìn video gần nhất của nhóm 1977 Vlog, hình ảnh bản đồ với đầy đủ 2 quần đảo đã được chiếu rộng rãi, tạo nên sức lan tỏa rất lớn. Trước đó chừng 1 tháng, sữa đậu lành Fami cũng đã có một clip quảng cáo đi vào lòng người vào 2 quần đảo nhìn từ vũ trụ. Không đao to búa lớn, những người lính vẫn khẳng định chủ quyền biển đảo thông qua từ viên gạch cho đến những công trình nhà ở. Tất cả để nhắc con cháu về chủ quyền biển đảo nước ta. Nói ra vậy để thấy rằng, người làm thì không nói, mà kẻ nói lại không làm!
Nhớ nhé các bạn, đừng để lòng yêu nước của chúng ta bị bọn xấu, bọn cơ hội chính trị lợi dụng. Nếu không may xảy ra chiến tranh thì những kẻ đó sẽ cao chạy xa bay đầu tiên hoặc lại làm tay sai cho ngoại bang mà thôi. Đất nước hòa bình, phát triển, dân giàu thì nước mới mạnh và khi chúng ta giàu có, tiền nhiều, vũ khí hiện đại, quân đội hùng mạnh thì nước nào nhìn vào cũng phải “ngán”.
Thế Khoa