Cúm mùa đông, bão mùa hè và mãnh liệt GDP
Khi cả thế giới chưa biết đặt tên “con” COVID-19 là gì, Việt Nam cũng vậy và có người gọi nó là cúm mùa đông. Cúm mùa đông vắt sang mùa hè, không phải cơn bão tử thần ở Việt Nam nhưng gây bão cho nền kinh tế.
Ra sức chèo chống “bão”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quả quyết, “không thể để nền kinh tế rơi cảnh đứt gãy, nhất là khi cả nước đang khí thế bước vào Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII”.
“Con” virus Corona cuối cùng vẫn chưa rời khỏi Việt Nam, vào lúc chạm ngưỡng 100 ngày Việt Nam không có ca mắc mới, thì Đà Nẵng trở thành cái tên để cả nước phải nín thở theo dõi vì xuất hiện ca nhiễm bệnh trong cộng đồng.
Cùng lúc, mưa lũ mù trời ở miền núi, hạn mặn khốc liệt ở miền Tây, hạn hán khô khát ở miền Trung, miền Bắc. Đáng ngại, tai nạn giao thông “leo thang”. Nếu như trong 7 tháng qua Việt Nam chưa có ai tử vong vì COVID-19 thì chỉ trong một khoảnh khắc của sáng ngày 26/7 tại huyện Bố Trạch, Quảng Bình, 15 người chết vì tai nạn giao thông.
Cỗ xe kinh tế lại đứng trước nguy cơ khựng lại, khi vừa mới sẵn sàng tăng tốc.
Áp lực chồng chất. Chiến đấu với dịch bệnh, Việt Nam chưa tạm yên vì bất cứ lúc nào “giặc” dịch bệnh cũng có thể quay trở lại, dù bạn bè quốc tế thường nhắc đến một Việt Nam chống dịch tốt nhất toàn cầu.
Bởi vậy, Chính phủ không nao núng nếu phải kích hoạt lại chế độ “thời chiến” để chống dịch COVID-19.
Chống “bão” cho nền kinh tế, Thủ tướng và Chính phủ càng không yên lòng dù Việt Nam vẫn là một trong số rất ít nước trên thế giới có tăng trưởng dương. “Dương nhưng phải ở con số nào?” bởi “quy mô nền kinh tế của chúng ta quá nhỏ bé, tăng trưởng quá thấp, thật sự rất đáng lo”.
Chính phủ chọn lĩnh vực giải ngân đầu tư công, con đường khó nhất nhưng là con đường ngắn nhất để thúc GDP bật dậy.
Giải ngân đầu tư công sẽ là dấu ấn lịch sử của nhiệm kỳ này, khi nó vừa là một bức tranh đầy sắc mầu về tinh thần trách nhiệm, vừa là một câu chuyện đầy kịch tính và mặc dù còn 25 tuần nữa mới đến hồi kết nhưng ngay lúc này, đã có thể dự cảm được, dẫu khó chồng khó nhưng đây chắc chắn là một câu chuyện có hậu.
Năm 2016, năm đầu tiên của nhiệm kỳ, xác định đầu tư công là một trong những điểm gây tắc nghẽn tăng trưởng, Chính phủ đã đưa ra những biện pháp cứng rắn nhất từ trước đến nay để tạo chuyển biến cho lĩnh vực này.
Thủ tướng Chính phủ ký ban hành 4 Nghị quyết và hàng loạt Công điện, Chỉ thị, đồng thời thành lập một “đội đặc nhiệm” đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Cứ mỗi khi bắt đầu năm mới, việc đầu tiên Chính phủ bàn tới là “phải từ bỏ cho được tâm lý “đầu năm thong thả”, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành địa phương, “sát sạt hơn nữa để tháo gỡ ngay trong những ngày đầu, tháng đầu, quý đầu của năm bởi chậm một ngày là thêm một ngày lãng phí tiền thuế của dân”.
Vào mùa hè năm ngoái, giải ngân đầu tư công bước vào giai đoạn cao trào nhất. Tình hình rất đỗi gay cấn, người đứng đầu Chính phủ phải triệu tập khẩn cấp một Hội nghị toàn quốc về giải ngân đầu tư công vào tháng 9/2019 để điểm mặt chỉ tên từng nơi còn đang đình trệ. Ngay sau Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 94 về thúc đẩy giải ngân đầu tư công.
Từ các giải pháp chỉ đạo quyết liệt của Nghị quyết 94, gắn trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư với tiến độ giải ngân vốn đầu tư công… chỉ sau 3 tháng thực hiện Nghị quyết 94, tiến độ giải ngân năm 2019 thực sự có bứt phá.
Một con đường đã khá bằng phẳng cho giải ngân đầu tư công tiến bước để vào lúc khó khăn này, Thủ tướng đủ cơ sở khẳng định, “đầu tư công phải là đòn bẩy cho nền kinh tế bật dậy sau đại dịch”.
Các địa phương trong cả nước đều lần lượt hứa với Chính phủ năm nay giải ngân 100% vốn đầu tư công.
12 tỉnh, thành phố đang có mức tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm 2020 quả quyết sẽ trở về mức tăng trưởng dương, kể cả các địa phương đang lao dốc rất sâu như Khánh Hòa (-12,02%), Quảng Nam (-11,51%).
Hai đầu tàu kinh tế của cả nước là Hà Nội và TPHCM cam kết sẽ đạt mức tăng trưởng cao gấp 3 lần bình quân chung của cả nước.
Từ câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công, nhìn lại 4 năm qua, Chính phủ đã rất nhiều lần đưa ra các quyết sách về đòn bẩy cho GDP.
Năm 2016, Thủ tướng ra “tối hậu thư” cho các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan chịu trách nhiệm giải trình trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội và Nhân dân nếu các chỉ tiêu thuộc ngành, lĩnh vực không đạt kế hoạch đề ra.
Năm 2017, Chính phủ quyết liệt tiến hành chặt lợi ích nhóm, cắt giấy phép con, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Cụm từ “chặt, cắt, giảm” nhanh chóng trở thành thương hiệu của Chính phủ nhiệm kỳ mới.
Trong tất cả cuộc họp hằng tháng của Chính phủ, đều có thảo luận và chỉ đạo cụ thể rà soát, đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh; cải cách các quy định về quản lý chuyên ngành.
Có những thời điểm chỉ trong vòng 4 tháng (từ tháng 7 đến tháng 10/2017), Chính phủ ban hành 14 Nghị quyết về đơn giản hóa thủ tục hành chính và giấy tờ công dân.
Để nền kinh tế năm 2018 “bật dậy”, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu thực hiện triệt để các giải pháp đột phá về cơ chế phân cấp, phân quyền và giao trách nhiệm cho địa phương để thúc đẩy tinh thần hành động quyết liệt, sự năng động, sáng tạo trong thực thi các chủ trương, chính sách, giải pháp đã được ban hành ở Trung ương.
Kết quả của các quyết sách về đòn bẩy cho nền kinh tế là sự trỗi dậy mãnh liệt của GDP. Năm 2019, GDP đạt được mức “chưa từng có trong lịch sử nước ta”, như đánh giá của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Bắt đầu bằng một cái tên hiền lành “cúm mùa đông”, COVID-19 trở thành cơn bão tử thần khi đến nay cướp đi sinh mạng của hơn 600 nghìn người trên thế giới và thế giới đã hơn 16 triệu ca nhiễm.
Việt Nam thành công trong chống đại dịch, với nguyên nhân đầu tiên dẫn đến thành công là “nếu để xảy ra dịch bệnh tràn lan, dân rất khổ”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 kể, từ khi bắt đầu nhen nhúm có căn bệnh mới, thế giới còn chưa biết tên con virus thì ở Việt Nam, từ tháng 12/2019, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngành y tế, tham vấn các tổ chức quốc tế, lên một kế hoạch để chống dịch rất căn cơ, bài bản.
“Lúc đó tôi còn nhớ những văn bản đầu tiên, Chính phủ gọi là chống bệnh dịch mùa Đông. Việt Nam đi sớm hơn một bước và cao hơn một bước so với khuyến nghị của các Tổ chức quốc tế”, Phó Thủ tướng cho hay, “chúng ta đã xác định được những giải pháp rất đúng, rất sớm, rất kiên quyết và hiệu quả kinh tế cao nhất. Phí tổn cho chống dịch của Việt Nam đến ngày hôm nay rất thấp”.
Rồi “cúm mùa đông” thành “bão mùa hè”, tiếp tục quần thảo. Cuộc chiến với dịch bệnh vẫn đang song hành công cuộc chống bão kinh tế.
Chính phủ quyết không lùi bước và luôn với một tinh thần khiêm tốn, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, “nguồn lực mong manh, nếu để xảy ra dịch bệnh tràn lan, dân rất khổ” và, “quy mô nền kinh tế của chúng ta quá nhỏ bé, tăng trưởng quá thấp, thật sự rất đáng lo”.
Dù chưa thể biển lặng trời yên, nhưng có thể tin, sau cúm mùa đông, bão mùa hè, tất yếu sẽ là sự trỗi dậy mãnh liệt của GDP.
Lê Châu/VGP