+
Aa
-
like
comment

Cúm gia cầm lây lan diện rộng đe dọa xuất khẩu động vật

18/02/2020 09:25

Từ đầu năm đến nay, các loại dịch bệnh nguy hiểm ở động vật như cúm gia cầm, lở mồm long móng xảy ra tại nhiều địa phương, tăng nguy cơ lây lan diện rộng làm ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi, an toàn thực phẩm, sức khỏe cộng đồng, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.

Ảnh minh họa

Bộ NN&PTNT vừa có Chỉ thị 1152/CT-BNN-TY về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm đến nay, các loại dịch bệnh nguy hiểm ở động vật như cúm gia cầm (đã xảy ra tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An và Trà Vinh), bệnh lở mồm long móng (đã xảy ra tại 7 tỉnh: Quảng Ninh, Yên Bái, Sơn La, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Ngãi và Tiền Giang) có diễn biến phức tạp.

Tình trạng này gia tăng nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng làm ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi, an toàn thực phẩm, sức khỏe cộng đồng, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.

Kết quả kiểm tra tại một số địa phương cho thấy hiện còn nhiều tồn tại, bất cập như: Công tác chủ động giám sát, phát hiện dịch bệnh còn rất hạn chế, nhiều nơi chưa nắm bắt kịp thời, chậm báo cáo tình hình dịch bệnh; việc xử lý các ổ dịch chưa được thực hiện triệt để, chưa bảo đảm đúng yêu cầu kỹ thuật; khoanh vùng, cảnh báo và quản lý ổ dịch còn khó khăn…

Để triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, Bộ trưởng Bộ NN&PTTN đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, UBND các cấp khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của Luật Thú y, Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, đối với các địa phương đang có dịch bệnh động vật (cúm gia cầm, lở mồm long móng): Tập trung các nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để lây lan, dây dưa kéo dài; trường hợp các ổ dịch có nguy cơ phát sinh, lây lan diện rộng, cần công bố dịch và tổ chức chống dịch theo đúng quy định của Luật thú y.

Đối với địa phương chưa có dịch, địa phương có nguy cơ cao: Tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch là chính; áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, vệ sinh, sát trùng phòng bệnh…

Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện đồng loạt cùng thời điểm (trong vòng 7-10 ngày) việc tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất tại các khu vực đã từng xuất hiện ổ dịch, khu vực chăn nuôi mật độ cao, các chợ, cơ sở buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm.

Tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cung ứng, buôn bán các loại vắc xin không bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật hiện hành; xử lý nghiêm các trường hợp cản trở, lợi dụng tình hình dịch bệnh, găm hàng gây khó khăn cho người chăn nuôi trong việc tiếp cận, mua vắc xin để tiêm phòng cho đàn vật nuôi.

Ngoài ra, chỉ đạo tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; đặc biệt có giải pháp cụ thể để ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép vào Việt Nam…

Thanh Nguyễn/HQO

Bài mới
Đọc nhiều