+
Aa
-
like
comment

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất tác động ra sao đến Việt Nam?

Huy Hoàng - 24/03/2022 14:22

Phát biểu sau 2 ngày họp bàn chính sách, ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hôm 24/3 cho biết: “Những yếu tố giúp kiềm hãm lạm phát như chuỗi cung ứng bớt tắc nghẽn và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tăng lên đã không diễn ra. Vì thế FED buộc phải hành động”. Tình trạng lạm phát ở Mỹ đang ở mức cao nhất trong bốn thập kỷ. 

Ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Vì sao FED tăng lãi suất?

Nguyên nhân đến từ việc chuỗi cung ứng bị tàn phá do dịch đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột ở châu Âu. Chuỗi cung ứng đứt gãy khiến hàng hóa tại Mỹ rơi vào tình trạng khan hiếm, trong khi tiền thì lại dư thừa do các chính sách bơm tiền ồ ạt của Mỹ hồi đầu năm 2021. Vòng xoay “thiếu hàng” và “dư tiền” sẽ buộc người dân Mỹ phải bỏ ra nhiều tiền hơn cho việc chi tiêu.

Lạm phát đã không giảm như nhiều chuyên gia đã dự báo, do chuỗi cung ứng không thể hồi phục khi mà làn sóng bất ổn cứ nối đuôi nhau diễn ra. Nhưng điều đó gây hại gì cho kinh tế Mỹ?

Lạm phát cao sẽ buộc người tiêu dùng Mỹ chi nhiều tiền hơn để trả các hóa đơn và phục vụ nhu cầu thiết yếu. Khi bạn bỏ quá nhiều tiền ra để chi trả cho các nhu cầu thiết yếu, thì đồng nghĩa sức tiêu thụ các mặt hàng khác sẽ giảm. Nếu tình trạng này kéo dài, phần lớn hàng hóa ở nước Mỹ sẽ không được lưu thông, do người dân phải thắt chặt chi tiêu, chỉ ưu tiên cho các nhu cầu thiết yếu.

Lạm phát kéo dài sẽ phần lớn hàng hóa ở nước Mỹ không được lưu thông, do người dân phải thắt chặt chi tiêu, chỉ ưu tiên cho các nhu cầu thiết yếu.

Sức mua của nền kinh tế Mỹ theo đó sẽ tụt giảm, các nhà máy, doanh nghiệp nhập khẩu… cũng sẽ chẳng có lý do để sản xuất hay nhập thêm hàng về để bán. Không có hàng thì cũng các nhà máy, xí nghiệp cũng chẳng cần có thêm công nhân. Hậu quả trước mắt là nền kinh tế Mỹ sẽ không đạt được mức phục hồi như kỳ vọng, hoặc thậm chí kéo dài cuộc suy thoái.

Vậy việc tăng lãi suất của FED sẽ giúp kiềm chế lạm phát như thế nào?

Việc FED tăng lãi suất sẽ làm chi phí đi vay tăng lên. Các khoản vay thế chấp hay vay tiêu dùng, mua ô tô… sẽ không còn có lãi suất thấp. Lãi suất cho vay tăng đồng nghĩa lãi suất gửi tiết kiệm cũng tăng. Lúc này, số tiền chảy từ ngân hàng ra thị trường sẽ bị thắt chặt, do việc vay vốn trở nên khó khăn còn tiền đang lưu hành trong thị trường thì chạy ngược vào ngân hàng do sức hấp dẫn của các gói gửi tiết kiệm. Lượng tiền ở nước Mỹ tất yếu sẽ bớt “dư thừa” hơn.

Lãi suất tăng sẽ khiến dòng tiền chảy về các ngân hàng.

Khi lượng tiền trong thị trường về tay các ngân hàng và Cục Dự trữ Liên bang, chúng sẽ được dùng để điều tiết thị trường. Cụ thể là hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp, trợ giá xăng dầu để chi phí logistics hạ nhiệt, can thiệp mạnh để khôi phục lại chuỗi cung ứng… Việc chủ động điều tiết và quản lý sẽ điều chính cung cầu về ngưỡng cân bằng, từ đó đưa lạm phát trở về mức an toàn và mau chóng giúp nền kinh tế hồi phục.

Trước đây, FED thường không muốn điều chỉnh lãi suất khi thế giới đang nổ ra các cuộc xung đột chính trị do lo ngại tác động không đáng có. Tuy nhiên, đây là một ngoại lệ khi lạm phát ở Mỹ tăng cao chưa từng thấy buộc FED phải hành động. Đây là lần tăng lãi suất hiếm hoi của FED, kể từ tháng 12/2018. Và việc FED “mạnh tay” can thiệp vào lúc này có thể được xem là tin tốt với nước Mỹ.

Dòng tiền về tay các ngân hàng và FED sẽ được dùng để điều tiết thị trường như trợ giá xăng dầu để chi phí logistics hạ nhiệt.

Thông thường, FED không muốn điều chỉnh lãi suất khi thế giới đang nổ ra các cuộc xung đột chính trị, do lo ngại tác động không đáng có. Tuy nhiên, lạm phát ở Mỹ tăng cao chưa từng thấy buộc FED phải hành động. Đây là lần tăng lãi suất hiếm hoi của FED, kể từ tháng 12/2018. Và việc FED “mạnh tay” can thiệp vào lúc này có thể được xem là tin tốt với nước Mỹ.

Chủ tịch Jerome Powell nói FED có thể sẽ tăng lãi suất thêm 6 lần trong năm nay, dẫn tới khả năng lãi suất quỹ liên bang trung bình có thể lên tới mức 1,9% vào cuối năm.

Trung Quốc lo lắng?

Việc FED tăng lãi suất tốt cho nước Mỹ, nhưng hệ quả là nhu cầu tiêu dùng sẽ bị “hãm phanh” trong ngắn hạn, do người Mỹ sẽ ưu tiên dùng tiền để gửi ngân hàng lấy lãi. Trung Quốc vì thế sẽ mất đi nguồn thu ngoại tệ, do hàng hóa của họ sẽ nằm trên kệ lâu hơn vì nhu cầu sụt giảm.

Nhu cầu tiêu thụ ở Mỹ sụt giảm do chính sách của FED khác với nhu cầu sụt giảm do lạm phát. Lạm phát khiến tiền bị mất giá trong khi không có khoản thu bù vào. Nhưng chính sách của FED sẽ mang lại một khoản tiền lãi hằng năm cho số tiền người Mỹ trong ngân hàng. Nhu cầu tiêu dùng giảm do FED chỉ trong ngắn hạn, một bước đệm để lấy lại cân bằng trong cán cân cung cầu. Đó là tốt cho nước Mỹ, nhưng lại không tốt cho kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc.

Việc FED tăng lãi suất tốt cho Mỹ, nhưng lại không tốt cho kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc.

Và không chỉ Trung Quốc, Việt Nam và các quốc gia phụ thuộc xuất khẩu vào Mỹ, tất cả đều sẽ bị ảnh hưởng.

Tác động “nghiêm trọng” đến Việt Nam?

Lãi suất tăng sẽ làm lượng tiền mệnh giá USD trên thế giới sụt giảm, hệ quả là khiến giá trị của nó theo đó mà bật tăng. Việc thắt chặt nguồn cung tiền tệ của FED thường khiến đồng USD mạnh lên, vô tình làm cho đồng nội tệ các quốc gia đang phát triển bị mất giá. Đây cũng chính là yếu tố tác động lớn nhất đến Việt Nam và thế giới mỗi khi FED tăng lãi suất.

Ví dụ, đầu năm 2018, tỷ giá giữa VND và USD ở mức 22.847 đồng cho 1 USD. Tuy nhiên, vào ngày 13/6/2018, FED tăng lãi suất thêm 0,25%, từ 1,75% lên 2%. Giá trị đồng USD đã theo đó tăng lên 1%, tức để đổi lấy 1 USD khi đó, chúng ta sẽ phải bỏ ra gần 23.075 VNĐ.

Đồng tiền của các nước đang phát triển thường có mức tỷ giá rất thấp so với USD để thuận lợi cho việc xuất khẩu.

Tình trạng “bỗng nhiên trượt giá” không chỉ với đồng tiền Việt, mà là với mọi loại tiền tệ, bao gồm cả Nhân dân tệ. Đặc biệt, đồng tiền của các nước đang phát triển – thường có mức tỷ giá rất thấp so với USD để thuận lợi cho việc xuất khẩu – sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trung Quốc là một trong số đó, họ từng nhiều lần hạ thấp giá trị Nhân dân tệ để tạo thuận lợi cho hàng giá rẻ của mình trước các đối thủ cạnh tranh. Do đó, khi FED tăng lãi suất, Trung Quốc là quốc gia lên tiếng “lo ngại” nhất.

Việc đồng nội tệ bị mất giá sẽ tác động đa chiều đến nền kinh tế Việt Nam. Dễ thấy nhất là ở nhập khẩu và nợ công nước ngoài. Cả hai trường hợp đều buộc Chính phủ, doanh nghiệp phải bỏ ra nhiều tiền hơn để thanh toán. Các doanh nghiệp sẽ phải dùng nhiều VND hơn để đổi lấy USD thanh toán cho các đơn hàng nhập khẩu. Thiệt hại sau đó tất yếu sẽ giáng xuống túi tiền của người tiêu dùng trong nước, giá cả sẽ leo thang và lạm phát lại tăng.

Ngoài ra, nếu để tỷ giá VND bị giảm sâu so với đồng USD, dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ không tìm tới Việt Nam nữa, mà thay vào đó là đổ xô đến Mỹ để được hưởng lãi suất cao. Thực ra, điều đó xảy ra với mọi loại tiền tệ, do đó mỗi khi FED tăng lãi suất, cả thế giới đều lo lắng. Chính phủ các nước sẽ phải đề ra các biện pháp để cân bằng tỷ giá đồng tiền của mình với đồng USD. Việc này không nhằm hạ thấp giá trị đồng USD mà chỉ để ngăn tác động từ Mỹ ảnh hưởng đến kinh tế quốc gia.

Tuy nhiên, đó là lý thuyết và có thể xảy ra. Còn thực tế, theo các chuyên gia, việc tăng lãi suất của FED lên 0,25% vẫn chưa đáng lo ngại. Bởi sau thông báo tăng lãi suất từ FED, tính tới ngày 23/3, tỷ giá VND-USD vẫn giao dịch tương đối ổn định. Trong đó, trên thị trường liên ngân hàng, giá USD giao dịch ổn định quanh mức 22.870 đồng.

Điều này là do Việt Nam vẫn duy trì được nguồn cung ngoại tệ dồi dào đến từ FDI, xuất siêu và kiều hối. Nguồn thu ngoại tệ, đặc biệt là USD sẽ giúp Việt Nam dễ dàng có dòng tiền để xoay sở trong năm tài chính hết sức biến động này. Dòng vốn ngoại vẫn duy trì ở mức ổn định trong 2 tháng đầu năm 2022.

Việt Nam vẫn duy trì được nguồn cung ngoại tệ dồi dào đến từ FDI, xuất siêu và kiều hối.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI thực hiện tại Việt Nam 2 tháng ước tính đạt 2,68 tỷ USD, tăng khoảng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, dự trữ ngoại hối nước ta cho đến nay cũng đã đạt 110 tỉ USD, đây là một bước đệm vững chắc để giữ cho đồng nội tệ không bị mất giá so với đồng bạc xanh.

Hiện nay, Việt Nam chưa chịu tác động nhiều do mức tăng lãi suất vừa qua của FED là không lớn, không đủ để tác động đến Việt Nam. Và yếu tố quan trọng nhất vẫn là do nguồn thu ngoại tệ Việt Nam cao, chính yếu tố này sẽ giúp đồng nội tệ ổn định bất chấp sự tăng giá của đồng USD.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều