Cục an toàn thực phẩm tuýt còi Kovir, sao cục Quản lý y, dược cổ truyền đưa vào hỗ trợ điều trị Covid-19?
Những ngày qua, sau khi Bộ Y tế ban hành công văn số 5944/BYT-YDCT, trong đó công bố danh mục 12 thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu được sử dụng để phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19; đã xuất hiện hiện tượng một trong số các sản phẩm nằm trong danh mục này được “thổi phồng” công dụng và tăng giá một cách chóng mặt. Điển hình trong số đó là sản phẩm Viên nang Kovir của Công ty CP Sao Thái Dương.
Ngày 24/7/2021, Bộ Y tế ban hành công văn số 5944/BYT-YDCT về tăng cường phòng, chống bệnh dịch bệnh COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu. Trong đó có 12 loại thuốc cổ truyền phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19 cho F0 nhẹ, không triệu chứng, các y, bác sĩ tuyến đầu và các đối tượng cách ly F1.
Bộ yêu cầu căn cứ vào diễn biến lâm sàng của người bệnh, tùy từng mức độ lâm sàng và thể bệnh của y học cổ truyền mà sử dụng thuốc cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng công bố 9 sản phẩm được liệt kê vào nhóm thuốc sát khuẩn không khí, thuốc xịt họng, sát khuẩn tay trong phòng COVID-19; 5 sản phẩm hỗ trợ nâng cao sức khỏe.
Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tổ chức bào chế, sản xuất thuốc cổ truyền, các sản phẩm từ dược liệu nếu đáp ứng các điều kiện chế biến, bảo chế theo quy định.
Trước khi công văn số 5944/BYT-YDCT của Bộ Y tế được ban hành, sản phẩm Viên nang Kovir được bán với giá từ 250 – 300 nghìn đồng/1 hộp 45 viên.
Bộ Y tế cũng đề nghị các doanh nghiệp không tăng giá dược liệu, thuốc cổ truyền liên quan đến các biện pháp phòng, hỗ trợ điều trị COVID-19 kèm theo danh mục nói trên. Chi phí chế biến, bảo chế thuốc cổ truyền và chi phí khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền liên quan đến dịch bệnh COVID-19 thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, ngày sau khi ban hành, vì vấp phải sự phản ứng từ dư luận, sáng 26/7, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 5967/BYT-YDCT về việc thu hồi công văn số 5944/BYT-YDCT.
Trong số 12 loại thuốc cổ truyền phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19 và 9 sản phẩm được liệt kê vào nhóm thuốc sát khuẩn không khí, thuốc xịt họng, sát khuẩn tay trong phòng COVID-19, có một số sản phẩm của Công ty CP Sao Thái Dương. Điển hình trong số đó phải kể đến sản phẩm Viên nang Kovir.
Dù chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khoẻ và không có tác dụng chữa bệnh, nhưng ngay sau khi công văn số 5944/BYT-YDCT của Bộ Y tế ban hành, trên mạng xã hội và nhiều trang thương mại điện tử bỗng xuất hiện tình trạng sản phẩm Viên nang Kovir được “thổi phồng” công dụng.
Tại thời điểm hiện tại, sản phẩm Viên nang Kovir có giá lên tới 1 triệu đồng/hộp 30 viên.
Kèm theo đó, giá bán của sản phẩm Viên nang Kovir cũng tăng “chóng mặt”. Quá trình khảo sát cho thấy, trước thời điểm công văn số 5944 của Bộ Y tế được ban hành, tại các nhà thuốc và trên các trang thương mại điện tử, sản phẩm Viên nang Kovir được bán với giá từ 250 – 300 nghìn đồng/hộp 45 viên. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, sản phẩm này đã được đẩy giá tăng chóng mặt, lên tới 1 triệu đồng/1 hộp 30 viên.
Cụ thể, trên trang saothaiduong.com, sản phẩm viên nang cứng Kovir (hộp 2 vỉ x15 viên) đang được rao bán với giá là 1 triệu đồng. Trên một trang mạng khác là shop.saothaiduong.com.vn, sản phẩm viên nang cứng Kovir (hộp 1 chai × 60 viên) được rao bán giá 2 triệu đồng.
Quá trình tìm hiểu cho thấy, dù công văn số 5944/BYT-YDCT của Bộ Y tế được ban hành vào ngày 24/7/2021, nhưng trước đó vài ngày, Công ty CP Sao Thái Dương đã có văn bản thông báo điều chỉnh giá bán sản phẩm viên nang cứng Kovir là 1 triệu đồng/hộp 2 vỉ x 15 viên. Văn bản này do ông Nguyễn Hữu Thắng – Tổng Giám đốc Công ty CP Sao Thái Dương ký ngày 19/7/2021.
Đây không phải lần đầu tiên, sản phẩm Viên nang Kovir do Công ty Sao Thái Dương sản xuất vướng phải “lùm xùm”. Ngày 14/9/2020, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế (VFA) đã phát đi thông báo cảnh báo với thông tin quảng cáo Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kovir.
Theo VFA, trong thời gian trước đó trên một số phương tiện thông tin đại chúng và trang mạng xã hội có đưa thông tin sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kovir của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương có thể làm người tiêu dùng hiểu lầm sản phẩm trên có công dụng: hiệu quả cao đối với các bệnh Virus từ sau lần uống đầu tiên; hỗ trợ điều trị Covid-19. Cục An toàn thực phẩm khẳng định thông tin như vậy là không chính xác, không có loại thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào có công dụng dự phòng, điều trị hoặc hỗ trợ điều trị Covid -19. Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ ngành để xác minh, xử lý theo quy định.
Liên quan đến một số sản phẩm thuốc y học cổ truyền và dược liệu được công bố theo hướng dẫn này, chiều 25-7, PGS-TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế), chia sẻ trên báo Người Lao Động rằng 12 sản phẩm nêu trên không phải là danh mục thuốc, sản phẩm chỉ định cho dự phòng, điều trị, mà đó là danh mục các sản phẩm do các đơn vị tài trợ, ủng hộ cho phòng dịch Covid-19.
“Các đơn vị sản xuất các sản phẩm trên đây đã và đang đồng hành, ủng hộ ngành y tế và một số tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Bắc Ninh, TP HCM… để sử dụng hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng, mức độ nhẹ và vừa, cho các thầy thuốc tuyến đầu chống dịch và các F1 đang cách ly”- PGS Thịnh giải thích.
Về sản phẩm thuốc hoạt huyết (phòng và điều trị thiểu năng tuần hoàn não, mất thăng bằng, đau mỏi vai gáy, tê bì chân tay…) được đưa vào danh mục 12 thuốc nêu trên, trong khi Covid-19 là bệnh do SARS-CoV-2, lây qua đường hô hấp, PGS Thịnh, giải thích thêm: “Sản phẩm hoạt huyết không phải là thuốc điều trị Covid-19 mà là sản phẩm trong danh sách đơn vị tài trợ, nên chúng tôi hướng dẫn sử dụng”.
Ngoài ra, với sản phẩm Kovir (hướng dẫn phòng và điều trị các bệnh lý do virus lây lan qua đường hô hấp, tăng cường miễn dịch, điều hòa miễn dịch các bệnh lý do virus), PGS Thịnh cũng cho biết tất cả các sản phẩm đều đang trong giai đoạn nghiên cứu. “Hiện Bộ Y tế không công bố sản phẩm có tác dụng dự phòng, điều trị ca nhiễm SARS-CoV-2”- ông khẳng định.
Trước khi Bộ Y tế ban hành công văn, các bài PR, bài quảng cáo sản phẩm này đã được quảng cáo một cách mạnh mẽ. Rõ ràng, người dân có quyền nghi ngờ thông tin đã rò rỉ và có một chiến dịch bán hàng rõ ràng cho các mặt hàng trong danh sách. Các doanh nghiệp làm sản phẩm đương nhiên đều muốn bán tốt và chuyện quảng cáo là bình thường. Nhưng trong trường hợp tăng giá bán gấp nhiều lần để trục lợi từ đại dịch Covid thì nó lại là chuyện khác.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, cả đất nước và người dân đang “căng mình” để phòng chống dịch bệnh, vụ việc này làm dấy lên dấu hỏi lớn về việc liệu Công ty CP Sao Thái Dương có đang lợi dụng dịch bệnh COVID-19 và sức khoẻ của người dân để trục lợi bất chính?
Nguyễn Anh