+
Aa
-
like
comment

Cửa ngõ TP.HCM tiếp tục ‘tắc’: Vấn nạn chậm tiến độ, đội vốn

28/11/2019 07:05

Chậm tiến độ được coi là vấn nạn của ngành giao thông nói chung và các dự án hạ tầng nói riêng tại TP.HCM.

Các dự án chậm trễ không chỉ cản trở phát triển của TP mà còn khiến chi phí giải phóng mặt bằng đội lên rất nhiều, kéo theo điệp khúc đội vốn do trượt giá, biến động tỷ giá, tăng chi phí dự phòng…

Chỉ tính sơ qua một vài dự án mở rộng, xây dựng cầu đường mở rộng cửa ngõ TP có thể thấy, mỗi công trình từ lúc lập dự án cho đến khi mới “rục rịch” triển khai cũng đã đội vốn lên gấp 2 – 3, thậm chí 5 lần.

Đơn cử, dự án mở rộng QL13 đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước mặt cắt ngang từ 32 m lên 53 m được UBND TP.HCM đề xuất từ năm 2002. Khi đó, chi phí giải phóng mặt bằng chỉ mất khoảng 2.500 tỉ đồng, tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng.

Tắc cửa ngõ sẽ giảm cơ hội phát triển của TP.HCM

Sau 17 năm bất động, tổng mức đầu tư dự án này hiện nay đã lên tới 9.992 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng đội lên 8.176 tỉ đồng. Hai dự án xóa ùn tắc cửa ngõ phía tây nam gồm dự án nâng cấp, mở rộng đường Tân Kỳ – Tân Quý (đoạn từ Lê Trọng Tấn đến Cộng Hòa dài 644,5 m, rộng 30 m, 6 làn xe) với tổng mức đầu tư hơn 742 tỉ đồng và dự án nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh (đoạn từ Cộng Hòa đến Âu Cơ dài 904 m, rộng 60 m cho 10 – 12 làn xe) tổng mức đầu tư là 2.147 tỉ đồng cũng đã được triển khai cách đây 14 năm, từ năm 2005, với tổng mức đầu tư ban đầu cho cả 2 dự án chỉ khoảng gần 600 tỉ đồng, chỉ gần bằng 1/5 so với hiện nay.

Triển khai chậm so với quy hoạch, quá trình thi công tiếp tục trễ tiến độ, cá biệt như trường hợp dự án Bến xe Miền Đông mới, thi công hoàn thiện đến 90% nhưng vẫn chưa thể đưa vào hoạt động do chưa có giấy phép đồng ý cho thuê đất từ phía UBND TP. Dự án của TP, do TP quy hoạch, triển khai, nhưng đến “phút chót” vẫn bị vướng bởi TP. Dù ở giai đoạn nào, loạt dự án trọng điểm tại TP.HCM vẫn có đủ các lý do để chậm trễ.

Theo kỹ sư Vũ Thắng, nguyên Phó ban Chuẩn bị đầu tư hạ tầng cơ sở giao thông TP.HCM, nguyên nhân gốc rễ của tình trạng này là do lỗi hệ thống điều hành các dự án đầu tư không khớp với nhu cầu của sự phát triển.

Quy hoạch tràn lan, “vống” lên đủ các dự án nhưng không có sắp xếp trật tự ưu tiên, không xác định tầm quan trọng của từng dự án để tìm nguồn lực tương xứng. Trong quá trình triển khai, các lãnh đạo thường có tâm lý khoanh vùng, việc gì dễ, trong khả năng làm được sớm thì làm trước. Các vấn đề “khó nhằn” thì dù có là ưu tiên, trọng điểm vẫn bị dồn lại cho các giai đoạn, nhiệm kỳ sau.

“Muốn giải quyết các lỗi quản lý này, cần sự thay đổi toàn diện từ hệ thống lãnh đạo. Phải kiên quyết và minh bạch. Dự án nào, thuộc giai đoạn nào phải làm dứt điểm trong giai đoạn đó. Những dự án chậm trễ phải kiên quyết đình chỉ, thu hồi, quy rõ và xử lý trách nhiệm cụ thể từng cá nhân, đơn vị. Chỉ có như vậy, điệp khúc chậm tiến độ, đội vốn mới được chặn lại, TP.HCM mới có cơ hội phát triển”, kỹ sư Vũ Thắng đề xuất.

H.Mai/ Thanh Niên

Bài mới
Đọc nhiều