+
Aa
-
like
comment

Cử tri “đội mồ sống dậy” bỏ phiếu cho ông Biden, sự thật thế nào!?

06/11/2020 11:05

Văn phòng Đối ngoại tiểu bang Michigan vừa bác bỏ một thuyết âm mưu được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội trong những ngày qua về một người “chết vẫn đi bầu”.

Thuyết âm mưu nói trên do một tài khoản có tên Essential Fleccas (@Fleccas), một người có quan điểm ủng hộ phe bảo thủ, đăng tải trên mạng xã hội Twitter vào sáng 5/11 vừa qua (giờ địa phương). Theo đó, tài khoản này đã chỉ ra một trường hợp có tên là William Bradley đã bỏ phiếu vắng mặt tại hạt Wayne, bang Michigan, thực chất là người đàn ông đã qua đời vào năm 1984.

“Tình trạng này đã diễn ra trong bao lâu rồi?” – chủ tài khoản Essential Fleccas đặt ra câu hỏi trong bài đăng của mình, kèm theo những dẫn chứng bằng hình ảnh về thông tin của cử tri được cho là “đội mồ sống dậy” để đi bỏ phiếu nói trên.

Bài viết của Essential Fleccas đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của cư dân mạng, và thậm chí còn được con trai ông Trump là Donald Trump Jr. chia sẻ lại. Chỉ trong vòng chưa đến 24h, đã có hơn 50.000 lượt chia sẻ “thuyết âm mưu” này.

Bầu cử Mỹ: Sự thật về cử tri đội mồ sống dậy để bỏ phiếu ở bang chuyển xanh vì ông Biden? - Ảnh 1.

Lời giải thích của Michigan: Có thể là do… lỗi đánh máy?

Trang tin Business Insider đã liên hệ với ông Jake Rollow, người đứng đầu Văn phòng Đối ngoại của tiểu bang Michigan, để có được câu trả lời của giới chức địa phương về những nghi ngờ của cư dân mạng liên quan đến tính trung thực của các phiếu bầu tại bang này.

Theo đó, ông Rollow cho biết bang Michigan sẽ hủy phiếu bầu nếu phát hiện ra cử tri đó đã qua đời, tuy nhiên cũng có “một vài trường hợp rất hiếm khi phiếu bầu của người sống bị thống kê nhầm thông tin thành người chết”, gợi ý rằng đây có thể là lỗi nhập liệu hoặc lỗi hệ thống khiến William Bradley thật bị nhầm thông tin với người đã chết cùng tên.

Văn phòng Đối ngoại của tiểu bang Michigan sau đó cũng đã hồi âm trực tiếp tài khoản Essential Fleccas trên Twitter rằng thông tin người này đưa ra là “giả”, khẳng định “bang Michigan từ chối tiếp nhận phiếu bầu của người chết, ngay cả trong trường hợp người đó gửi phiếu bầu vắng mặt và qua đời trước Ngày Bầu cử”.

Mặc dù vậy, Business Insider xác nhận trang thống kê cử tri của Văn phòng Đối ngoại tiểu bang Michigan thực sự có ghi nhận trường hợp của William Bradley, sinh năm 1902 và đã bỏ phiếu qua thư trong cuộc bầu cử năm nay. Tuy nhiên, trang này chưa thể xác nhận thông tin về việc ông William Bradley đã qua đời vào năm 1984.

Ông Rollow đã đưa ra hai giả thuyết để lí giải về tình trạng này, nhưng cả hai đều không liên quan đến cáo buộc “gian lận” mà Tổng thống Donald Trump và phe Cộng hòa đã tuyên bố trong những ngày qua.

Trang thống kê RocketReach, ghi nhận có hai người cùng tên William Bradley sinh sống ở Detroit. Tuy nhiên, cả hai người này đều chưa trả lời email liên hệ của Business Insider về vấn đề bỏ phiếu. Một trang tìm kiếm thông tin khác là Spokeo cũng cho ra kết quả về William Bradley ở Detroit nhưng lại không cung cấp số điện thoại của người này.

Theo ông Rollow, một lá phiếu cũng có thể hiển thị sai thông tin cử tri là người đã chết, nếu như người đó ghi ngày sinh không chính xác, ví dụ thay vì năm 1990 thì người đó viết là năm 1890.

Báo cáo về gian lận cử tri năm 2007 của Trung tâm Công lý Brennan thuộc Đại học New York, một tổ chức tư vấn về chính sách công, lưu ý rằng chỉ có “một vài” trường hợp nhầm lẫn thông tin như vậy, thường là vì những lí do như ông Rollow đã nêu. Báo cáo năm 2007 đã tiến hành điều tra 100 “người chết đi bầu” và phát hiện ra các trường hợp này đều là do sai sót về dữ liệu, nhập liệu hoặc quá trình đối sánh.

Tổng thống Trump đã nhiều lần cáo buộc bỏ phiếu qua thư là hình thức dễ dẫn tới tình trạng gian lận trong bầu cử. Tuy nhiên, đảng Dân chủ và truyền thông đã bác bỏ cáo buộc của đương kim tổng thống Mỹ và khẳng định rằng gian lận là điều rất khó xảy ra, kể cả khi áp dụng hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện.

(Theo Trí Thức Trẻ)

Bài mới
Đọc nhiều