‘Cú sốc virus thứ hai’ khiến các nhà máy Trung Quốc lao đao
Đã mở cửa trở lại nhưng các nhà máy sản xuất ở Trung Quốc điêu đứng vì hàng loạt công ty tại Mỹ và châu Âu hủy đặt hàng, hoãn thanh toán.
Theo Bloomberg, từ tuần trước, các đối tác nước ngoài liên tục gửi email cho ông Grace Gao, CEO hãng xuất khẩu Pangu Industrial ở Sơn Đông, thông báo hoãn hoặc hủy đặt hàng. Số hàng sẵn sàng được chuyển đi từ Pangu giờ nằm lì trong kho.
Các đối tác nước ngoài cũng đề nghị hoãn thanh toán cho Pangu trong ít nhất 2 tháng nữa. Pangu là nhà sản xuất các dụng cụ như rìu và búa. Khoảng 60% tổng số hàng của hãng được xuất khẩu sang châu Âu.
Dịch virus corona chủng mới đang hoành hành tại nhiều nước châu Âu như Tây Ban Nha, Italy, Anh và Đức. Do đó, các khách hàng châu Âu đồng loạt hủy hoặc hoãn đặt hàng từ các nhà máy Trung Quốc mới hoạt động trở lại.
CEO Gao ước tính doanh số tiêu thụ tháng 4 và 5 sẽ giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. “Tình hình đảo chiều quá nhanh. Tháng trước, khách hàng nước ngoài còn liên tục giục chúng tôi đẩy tiến độ giao hàng. Giờ chúng tôi phải ‘truy đuổi’ họ để biết có thể giao hàng hay không”, ông than thở.
Đe dọa sự phục hồi của kinh tế Trung QuốcTheo Bloomberg, đây là vấn đề ảnh hưởng đến hàng loạt công ty khắp Trung Quốc, đe dọa nỗ lực khôi phục nền kinh tế của nước này sau gần 2 tháng tê liệt vì dịch bệnh. Thủ tướng Lý Khắc Cường công bố biện pháp hỗ trợ kinh tế và gửi đi thông điệp lạc quan, nhưng các chuyên gia kinh tế vẫn cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc.
“Đây chắc chắn là cú sốc thứ hai đối với nền kinh tế Trung Quốc”, Bloomberg dẫn lời nhà kinh tế Xing Zhaopeng thuộc Australia & New Zealand Banking Group nhận định. “Virus lây lan toàn cầu sẽ tàn phá sản xuất của Trung Quốc thông qua hai kênh là làm gián đoạn chuỗi cung ứng và kéo tụt nhu cầu của thị trường quốc tế”.
Ngày 31/1, chính quyền Trung Quốc sẽ công bố chỉ số quản lý thu mua sản xuất của tháng 3. Khi đó, bức tranh về ngành sản xuất Trung Quốc sẽ trở nên rõ ràng hơn. Tuy nhiên, giới phân tích dự báo tình trạng sụt giảm của 2 tháng đầu năm sẽ tiếp diễn.
Rất nhiều doanh nghiệp than thở tình trạng khách hàng nước ngoài hủy đơn đặt hàng và chậm thanh toán là vấn đề rất nghiêm trọng. “Nhiều trường hợp khách hàng nước ngoài không thể nhận hàng vì hải quan các nước siết chặt kiểm soát”, ông Dong Liu, Phó chủ tịch Công ty Công nghệ dệt Phúc Kiến, cho biết.
Công ty của ông Dong hiện sản xuất với công suất gần 100% sau khi các công nhân trở về từ tỉnh Hồ Bắc, tâm chấn ban đầu của dịch Covid-19. “Việc các đơn đặt hàng xuất khẩu bị hủy là rất nghiêm trọng”, ông nhấn mạnh.
Theo ước tính của Bloomberg Economics, trong trường hợp xấu nhất, ước tính nền kinh tế toàn cầu có thể thiệt hại 2.700 tỷ USD sản lượng vì dịch bệnh tàn phá khu vực kinh tế Mỹ, EU và Nhật Bản.
Hàng loạt sự kiện thể thao lớn bị hoãn lại hoặc hủy bỏ như giải bóng rổ NBA của Mỹ và Olympics Tokyo 2020 cũng đều tác động nghiêm trọng đến các nhà máy sản xuất ở Trung Quốc.
“Bắt đầu từ trung tuần tháng 2, chúng tôi chứng kiến các đơn hàng bị hủy. Đầu tiên, nguyên nhân là một số giải marathon ở Nhật Bản bị hủy. Sau đó, các đơn hàng ở châu Âu rồi đến Mỹ biến mất”, bà Alice Zeng thuộc AQ Pins an Gifts than thở.
Doanh nghiệp nhỏ đối mặt tương lai u ámAQ Pins an Gifts xuất khẩu 100% sản phẩm đầu ra và từng hy vọng giành một hợp đồng cung cấp hàng cho Euro 2020. Giải đấu bóng đá châu Âu cũng bị hoãn 1 năm vì dịch bệnh. Các nhà máy của công ty ở Đông Hoản vẫn đang hoạt động, nhưng rất khát đơn hàng.
“Xuất khẩu Trung Quốc lao dốc trong những tháng tới là điều không thể tránh khỏi”, nhà kinh tế trưởng Lu Ting thuộc Nomura International viết trong báo cáo gửi khách hàng hôm 24/3.
Những ngày qua, chính quyền Trung Quốc liên tục kêu gọi các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất sau khi tạm thời khống chế dịch Covid-19. Khảo sát của Bloomberg cho thấy các hoạt động sản xuất của Trung Quốc quả thực đã nhích lên từ mức đáy hồi tháng 2.
Nhưng giờ các nhà sản xuất Trung Quốc lao đao với việc thị trường quốc tế bị thu hẹp. Tại Thiệu Hưng thuộc tỉnh Chiết Giang, nơi nổi tiếng với mặt hàng dệt may, chủ các nhà máy đứng ngồi không yên vì số đơn hàng bị hủy tăng lên mức kỷ lục.
Vừa mở cửa trở lại trong tháng này, 78% doanh nghiệp phản ánh tình trạng đơn hàng sụt giảm và 65% thông báo đơn hàng bị hủy. Các doanh nghiệp nhỏ và thiếu nguồn lực tài chính càng khốn đốn vì hàng hóa tồn động, khách hàng trì hoãn trả tiền.
“Hàng hóa bị tồn đọng quá nhiều. Khách hàng không thể chuyển tiền cho chúng tôi vì các ngân hàng đóng cửa, nhân viên phải làm việc từ nhà”, ông Janny Zhou thuộc một công ty sản xuất phụ tùng với 200 nhân viên ở Thái Châu buồn bã nói.
Hiện, chính quyền Trung Quốc đang tập trung hỗ trợ người lao động giữ công ăn việc làm dù thu nhập sụt giảm. Chính quyền các địa phương cho phép doanh nghiệp chậm nộp tiền bảo hiểm xã hội, nhưng vẫn chưa có thêm biện pháp cụ thể nào để giúp các công ty sản xuất đối phó với tình trạng hiện tại.
Mới đây, Bộ Thương mại Trung Quốc thừa nhận tình trạng hủy đơn hàng leo thang và cam kết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu bằng những biện pháp như giảm thuế, bảo hiểm và cung cấp tín dụng. Bắc Kinh cũng hứa giúp doanh nghiệp xây kho ngoại quan, hợp lý hóa thủ tục hải quan…
Nhà kinh tế Harry Hu thuộc Macquarie Group cảnh báo: “Điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra với xuất khẩu và chuỗi cung ứng. Trong cả năm nay, xuất khẩu của Trung Quốc chắc chắn sẽ giảm 10% hoặc hơn”.
An Chi/ZNS