Cú sốc thứ 2 từ virus corona đang từng bước hạ gục các nhà máy ở Trung Quốc
Phục hồi sản xuất sau khi dịch bệnh bùng phát trên khắp đất nước, các nhà máy Trung Quốc lại đang hứng chịu thêm một cú sốc khi hàng loạt đơn hàng tới châu Âu và Mỹ bị hủy hoặc hoãn thanh toán vì dịch.
Cú đảo ngược đau đớn
Kể từ tuần trước, thư điện tử từ khách hàng nước ngoài ồ ạt đổ vào hòm thư của giám đốc xuát khẩu Grace Gao. Họ yêu cầu hoãn các đơn hàng đã được sản xuất, đề nghị việc giao hàng được đình chỉ tới khi có thông báo mới hoặc yêu cầu gia hạn thanh toán lên tới 2 tháng. Lý do được đưa ra là dịch bệnh đang bùng phát mạnh mẽ bên ngoài Trung Quốc, nơi từng là rốn dịch.
Gao làm việc cho Shandong Pangu Industrial Co., công ty chuyên sản xuất các dụng cụ như búa và rìu. 60% số hàng hóa của họ được xuất vào thị trường châu Âu. Khi virus tàn phá lục địa này, việc đóng cửa trên diện rộng đã diễn ra, buộc các nhà nhập khẩu phải hủy đơn hàng từ các nhà máy ở Trung Quốc. Trớ trêu thay, việc này diễn ra ngay khi các doanh nghiệp Trung Quốc quay trở lại sản xuất sau khi bị tàn phá nghiêm trọng trong đại dịch. Đó là câu chuyện không của riêng bất cứ doanh nghiệp Trung Quốc nào.
“Đó là một cú đảo ngược hoàn toàn đầy kịch tính. Tháng trước, khách hàng của chúng tôi ráo riết theo sát để xem chúng tôi có thể giao hàng đúng kế hoạch hay không. Bây giờ, chúng tôi phải ráo riết theo sát để hỏi họ xem chúng tôi có thể giao sản phẩm như đã hẹn hay không”, Gao than thở và ước tính doanh số bán hàng trong tháng 4 và tháng 5 của công ty sẽ giảm 40% so với năm ngoái.
Những gì đang diễn ra đe dọa nghiêm trọng nỗ lực phục hồi của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sau khi vật lộn với virus corona. Ngay cả khi các nhà hoạch định chính sách, bao gồm Thủ tướng Lý Khắc Cường, nói về sự phục hồi và đưa ra các biệ pháp hỗ trợ, các nhà kinh tế vẫn liên tục cắt giảm dự báo tăng trưởng của họ với nền kinh tế Trung Quốc.
“Đây chắc chắn sẽ là cú sốc thứ 2 cho nền kinh tế Trung Quốc. Việc dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến sản xuất của Trung Quốc ở cả 2 kênh: chuỗi cung ứng bị gián đoạn và nhu cầu bên ngoài sụt giảm”, ông Xing Zhaopeng, chuyên gia kinh tế tại Australia & New Zealand Banking Group, nhận định.
Nỗi đau chưa tìm thấy hồi kết
Người ta sẽ nhìn rõ nỗi đau, nhất là khi những số liệu chính thức đầu tiên về ngành công nghiệp Trung Quốc được công bố vào ngày 31/3. Trung Quốc đang phải đối mặt với sự sụt giảm theo quý đầu tiên trong nhiều thập kỷ và cũng là năm yếu nhất kể từ 1976. Việc hủy bỏ các sự kiện thể thao lớn, từ giải bóng rổ nhà nghề Mỹ tới Thế vận hội mùa Hè, tiếp tục làm đau đớn các nhà máy Trung Quốc.
“Một hoặc 2 tuần sau khi trở lại làm việc từ Tết Nguyên đán, chúng tôi bắt đầu cảm thấy đơn hàng của mình ít đi. Đầu tiên là sự sụt giảm ở Nhật Bản và sau đó là ở châu Âu và Mỹ”, Alice Zeng, lãnh đạo tại AQ Pins and Gifts Co., doanh nghiệp chuyên bán các đồ lưu niệm bằng kim loại, chia sẻ.
Xuất khẩu 100% số sản phẩm tạo ra, AQ Pins and Gifts Co. kỳ vọng một năm khởi sắc khi có cả Giải bóng đá Euro và Thế vận hội mùa hè Olympic cùng diễn ra trong năm 2020. Tuy nhiên, các sự kiện này đều đã bị hủy bỏ. Điều này khiến doanh nghiệp của Zeng, dù đang bận rộn ở thời điểm hiện tại, có lẽ sẽ không còn gì nhiều để làm trong tháng tới.
“Sụt giảm tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng tới là không thể tránh khỏi”, ông Lu Ting, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura International HK Ltd viết trong báo cáo gửi tới khách hàng. Dấu hiệu hồi sinh sau khi dịch bệnh được kiểm soát ngay lập tức bị xóa sổ khi dịch bệnh bùng lên mạnh mẽ ở châu Âu và Mỹ.
Những cơn đau đầu mới của doanh nghiệp Trung Quốc cũng từ đó mà xuất hiện. Dịch bệnh lan rộng khiến việc giao hàng trở nên không chắc chắn và tiền thanh toán thường bị trì hoãn. Điều này làm gia tăng cẳng thẳng ở những công ty nhỏ, với dòng tiền không lấy gì là dồi dào.
“Chúng tôi phải lưu kho các sản phẩm ngay cả khi chúng đã sẵn sàng được chuyển đi. Các khách hàng của chúng tôi thì không thể trả tiền đúng hạn bởi ngân hàng của họ đã bị đóng cửa và ngay cả bản thân họ cũng nhận được yêu cầu là phải ở nhà”, Janny Zhou, một giám đốc sản xuất tại nhà máy phụ tùng ô tô có 200 nhân công ở Thái Châu, cho biết.
Chính phủ Trung Quốc biết những gì đang xảy ra và đối phó với cuộc khủng hoảng mới xuất hiện bằng cách giữ các công nhân tiếp tục sản xuất ngay cả khi thu nhập của họ bị giảm. Các chính sách bao gồm hoãn thanh toán an sinh xã hội được áp dụng ở nhiều nơi. Tuy nhiên, chưa có biện pháp nào được đưa ra để giữ cho các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động trong khó khăn được công bố.
Bộ Thương mại Trung Quốc thừa nhận rằng một số đơn hàng xuất khẩu đã bị hủy trong bối cảnh bất ổn bên ngoài gia tăng nhưng cũng cam kết giúp các nhà xuất khẩu được giảm thuế, hỗ trợ bảo hiểm và tín dụng. Chúng phủ cũng hứa sẽ hỗ trợ các công ty xây dựng kho hàng tại một số quốc gia có giao thương chủ chốt với Trung Quốc cũng như hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục hải quan và các quy định khác.
“Điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra với xuất khẩu và chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Cho cả năm, xuất khẩu của Trung Quốc có thể giảm tới 10% hoặc hơn”, ông Larry Hu, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Group Ltd., cảnh báo.
(Theo CF)