+
Aa
-
like
comment

Cú sốc “phi chính phủ” làm chao đảo lĩnh vực tiền số

Huy Hoàng - 28/07/2022 09:22

Nếu như đầu năm 2021, tiền số từng được mong chờ sẽ là một giải pháp thay thế lý tưởng cho việc thanh toán xuyên quốc gia. Thì năm 2022, khi cuộc đua tăng lãi suất diễn ra, không chỉ đồng nội tệ ở nhiều nước trượt giá mà các đồng tiền số phi chính phủ như Bitcoin, Ethereum,… cũng bốc hơi hơn hàng chục phần trăm giá trị. Song, rất khác với đồng tiền pháp định, cũng chính do không có chính phủ đứng sau bảo hộ và điều hành tỷ giá, nên khi các đồng coin bốc hơi, thì toàn ngành tiền số đã lao đao đứng bên bờ vực sụp đổ.

Giám đốc điều hành kiêm nhà đồng sáng lập của Celsius, Alex Mashinsky. (Ảnh: CNBC).

Tượng đài tiền số đệ đơn xin bảo hộ phá sản

Mới đây, Celsius Network LLC và 7 công ty con đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản lên Tòa Phá Sản Hoa Kỳ. Tập đoàn này cũng cho biết họ đã đình chỉ mọi hoạt động rút tiền của các khách hàng có gửi tiền tại công ty.

Đáng nói, trước khi xảy ra vụ việc trên, Celsius là một cái tên nổi tiếng trong lĩnh vực cho vay tiền số. Hiểu nôm na là khách hàng sẽ bỏ tiền thật ra để đổi lấy một loại tiền số, sau đó giao cho Celsius. Tổ chức này sẽ có nhiệm vụ cho vay, quản lý và cuối cùng là hoàn trả lại gốc lẫn lãi cho khách hàng theo đúng kỳ hạn.  Họ các cam kết lợi nhuận hấp dẫn, với tỷ suất lợi nhuận cao hơn gửi tiết kiệm trong các ngân hàng truyền thống.

Khi mới bắt đầu, việc nhiều đồng tiền số tăng giá đã giúp Celsius thành công, song mọi thứ đã thay đổi kể từ sau khi cuộc đua tăng lãi suất diễn ra. Nhiều đồng tiền số đã lao đầu xuống đáy, trong đó đồng Bitcoin đã mất hơn một nửa giá trị kể từ đầu năm đến nay. Việc tiền số lao dốc là nguyên nhân khiến cho khách hàng tháo chạy khỏi ngân hàng tiền số, tiền liên tục bị rút ra và các khoản đầu tư cho vay bằng tiền số của Celsius cũng không mang về lợi nhuận như mong đợi.

Và cuối cùng giữa tháng 7 đây, họ đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Sự sụp đổ chóng vánh của Celsius làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về sự thiếu an toàn của ngành tiền số. Và yếu tố cốt lõi nhất làm cho ngành tiền số thiếu bền vững chính là tính chất “phi chính phủ” của nó. Giờ đây khi mọi chuyện vỡ lỡ, nhiều người mới kịp nhận ra sự quan trọng to lớn đến từ các chính sách bảo hộ của chính phủ đối với lĩnh vực rủi ro như tiền số là như thế nào.

Yếu tố “Phi chính phủ” đào thải tiền kỹ thuật số

Trong một điều khoản rủi ro gửi đến người dùng, tại mục 3 về những rủi ro liên quan đến việc sử dụng các dịch vụ của mình, Celsius đã nêu rõ rằng, yếu tố phi chính phủ là rủi ro lớn nhất mà khách hàng phải đối mặt khi sử dụng dịch vụ của họ. Cũng có nghĩa Celius đang nói với chúng ta rằng, nếu bạn tin tôi, hãy giao tiền cho tôi, nhưng nếu có rủi ro gì xảy ra, bạn sẽ tự chịu trách nhiệm cho quyết định của chính mình. Chính bởi không có bất kỳ chính phủ nào bảo hộ đằng sau, nên giờ đây nếu Celius đệ đơn phá sản thì họ sẽ hoàn toàn không có nghĩa vụ hoàn trả lại bất cứ một khoản tiền nào. Tuy nhiên, phớt lờ những cảnh báo từ trước, lợi nhuận quá cao đã làm mờ mắt nhà đầu tư.

Hiện nay, dù Celius chỉ mới nộp đơn xin bảo hộ phá sản, nhưng khách hàng của họ cũng như đang ngồi trên đống lửa. Bởi theo luật phá sản của Mỹ, cho phép một công ty không có khả năng trả nợ có thể tái cơ cấu mà không phải chịu áp lực từ các chủ nợ. Điều này đồng nghĩa khách hàng vẫn sẽ không thể rút được tiền, các đơn kiện chờ giải quyết cũng sẽ bị kéo dài ra, thời gian càng dài, nguy cơ mất tiền càng lớn. Và với số lượng lớn tài sản đang nắm giữ và quản lý của mình, việc Celsius phá sản sẽ trở thành một cú nổ lớn cho thị trường tiền mã hóa. Khiến cho mục tiêu “phi chính phủ”, “tự do giao dịch không bị kiểm soát” ban đầu của toàn ngành trở thành một xu hướng thoái trào.

Sàn giao dịch tiền số Voyager Digital đệ đơn xin phá sản

Hướng đi mới cho lĩnh vực tiền mã hóa

Một tuần trước khi Celsius đệ đơn xin bảo hộ phá sản, thì 2 công ty khác, trong đó một công ty cho vay tiền điện tử là Voyager Digital cũng đã nộp đơn xin phá sản và tạm ngừng cho khách hàng rút và gửi tiền. Quỹ đầu cơ Three Arrows Capital (3AC) cũng làm thủ tục phá sản khi vỡ nợ hoàn toàn.

Những tổ chức phi chính phủ đã lộ ra điểm yếu kém của mình, đó là khả năng chịu trách nhiệm kém, đẩy hết mọi rủi ro về phía khách hàng, thiếu bền vững và sức chống chọi yếu ớt trước các biện pháp tài khóa của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Không khó để đoán rằng sau cú nổ của Celsius, lĩnh vực tiền số sẽ tiếp tục đào thải mạnh mẽ, nhiều đồng tiền sẽ biến mất và nhiều ngành ăn theo cũng thoái trào. Tiền số có lẽ vẫn tồn tại nhưng nó buộc phải thay đổi để trở nên đáng tin cậy hơn.

Tại Việt Nam, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhiều lần phát đi thông điệp: Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và phương thức thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền điện tử tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi không đúng với pháp luật hiện hành. Còn trên thế giới, bên cạnh việc ngó lơ và chê trách, thì chính phủ các nước cũng đang tích cực thử nghiệm đồng tiền số của riêng mình, điều này đồng nghĩa ngành tiền số phi chính phủ ngày nào sẽ đi dần đến chính phủ hóa, nằm trong tầm kiểm soát và trở thành một đồng tiền thực sự, thay vì là một sản phẩm đầu cơ thuần túy như hiện nay. Mùa đông tiền mã hóa đang đến gần, dự báo toàn ngành sẽ rẽ hướng đi về dưới bàn tay bảo hộ của chính phủ các nước.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều