+
Aa
-
like
comment

Cú sốc cuối đời của các quan chức “bất thình lình ngã ngựa”

22/09/2020 08:22

Phiên toà ngày 19/9, sau khi kết thúc phần tranh luận, trước khi HĐXX vào nghị án, các bị cáo được nói lời nói sau cùng. Đây cũng là phần diễn biến được công chúng đặc biệt quan tâm khi theo dõi.

Cú sốc cuối đời của các quan chức “bất thình lình ngã ngựa” - 1

Tường thuật của phóng viên pháp đình miêu tả lại: Bị cáo Nguyễn Thành Tài bước chậm lên bục khai báo và nói hết những tâm tư của của ông. Khi nói lời sau cùng nhiều lần ông không thể kìm nén được cảm xúc của mình, có lúc ông nghẹn ngào rồi bật khóc.

Ông Tài nói:

“Trong suốt quá trình công tác, tôi chưa bao giờ bị kỷ luật, nhưng đến cuối đời tôi lại vướng vào vòng lao lý. Đây là cú sốc tâm lý hết sức nặng nề, là trải nghiệm vô cùng cay đắng, nghiệt ngã”.

Đứng ở góc độ con người, “cú sốc” của ông Nguyễn Thành Tài là dễ hiểu. Có lẽ, rất nhiều quan chức khác cũng có cảm xúc tương tự khi “bất thình lình ngã ngựa”.

Càng là người “đức cao vọng trọng”, càng là người có chức tước và vai vế, có tiếng nói trong cơ quan, tổ chức… thì lại càng dễ sốc.

Trước khi bị khởi tố, bị tuyên án trước toà, họ hầu hết đều là người cha mẫu mực trong gia đình, người cán bộ có “uy” trong cơ quan, đơn vị. Họ hẳn rằng cũng đã nói và chỉ đạo “làm điều hay lẽ phải”, từng được coi là “tấm gương sáng” để cấp dưới noi theo.

Hình ảnh ông Nguyễn Thành Tài trước toà hôm 19/9 vừa rồi khiến người ta chợt nhớ đến nhiều cựu lãnh đạo cấp cao khác, phải trả giá vì những sai lầm khác nhau.

Còn nhớ đầu năm 2018, khi nói lời sau cùng, ông Đinh La Thăng cũng từng chua chát giãi bày: “Sau 35 năm công tác, trải qua nhiều cương vị khác nhau, bị cáo luôn cố gắng phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ được giao… Hôm nay, bị cáo không bao giờ nghĩ mình phải đứng trước phiên tòa để nói lời sau cùng như thế này. Đây thực sự là sự đau xót và bất hạnh đối với bị cáo và gia đình.”

Ông Thăng lúc đó mong mỏi xin được ăn cái Tết cuối cùng với gia đình, bạn bè, người thân rồi sau đó sẽ chấp hành án phạt tù mà chưa biết bao giờ mới được ra.

Cuối năm 2019, ở một phiên toà khác, một vụ án khác, một cựu bộ trưởng khác là ông Trương Minh Tuấn cũng nói trong ề chề: “Sau nhiều năm công tác, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình lại phải có ngày, có kết cay đắng như hôm nay, phải đứng trước tòa nói lời sau cùng tại phiên tòa với bản án sẽ dành cho sắp tới”.

Đó quả thực là những “trải nghiệm vô cùng cay đắng, nghiệt ngã” mà họ – những cựu quan chức cấp cao, đều “không bao giờ”, “chưa bao giờ”… nghĩ đến.

Cú rơi thẳng đứng từ đỉnh cao quyền lực xuống vực sâu, hỏi sao không “đau”, không “chua xót”, bẽ bàng…?!

Những “lời nói sau cùng” của các bị cáo tại toà sở dĩ thường khiến người ta chú ý là bởi ở vào thời điểm đó, họ (thông thường) sẽ bộc lộ những tâm tư, cảm xúc sâu kín, nói ra những lời gan ruột của bản thân, giãi bày không chỉ với toà mà với người thân, gia đình, đồng nghiệp… Ở vào thời điểm đó, họ thể hiện rất rõ con người họ.

Đáng tiếc là, ngay cả khi đã bị truy tố, nghe Viện Kiểm sát luận tội… nhiều vị vẫn “ngây thơ” không biết rằng mình đã làm sai, đã vi phạm pháp luật. Không biết có bao nhiêu phần trăm chân thật trong lời “thú nhận”, nhưng dù là gì thì cũng đều gây thất vọng.

Là những người đứng đầu một địa phương, một ngành mà không nắm được, không hiểu biết về pháp luật của lĩnh vực mình phụ trách… vậy có xứng đáng với niềm tin của người dân hay không?

Như vụ án khu đất 8-12 Lê Duẩn, ông Tài khai, tại thời điểm vụ án xảy ra thì không nhận ra sai phạm, nhưng hiện nay thì ông đã nhìn nhận lại vấn đề và thừa nhận những sai phạm mình và đồng phạm đã gây ra.

Hoá ra những người giới thiệu các vị ấy đã nhầm? Hay bản thân các bị cáo cũng tự nhầm lẫn về năng lực của bản thân? Vai trò của cơ quan tham mưu ở đâu? Hay cấp trên nói, cấp dưới cũng chỉ “dạ, thưa” và “tuân thủ, làm theo chỉ đạo”?

“Công thì phải thưởng, tội thì phải xử lý” – lời ông Tài nói rất chính xác. Dù trong số họ có những người đã cống hiến lớn, nhưng với sai phạm mà họ gây ra, đất nước tổn thất hàng nghìn tỷ đồng, con số thất thoát không biết bao giờ mới thu hồi đủ.

Những bản án được tuyên, mỗi người đều phải trả giá cho sai lầm của họ. Chỉ có điều, từ những bản án đó, từ những lời sau cuối, hối lỗi muộn mằn đó… liệu có khiến những người “chưa lộ” thấy sợ mà chùn tay, những người “thiếu hiểu biết” kịp bổ túc kiến thức hay không?

Bích Diệp/DT

Bài mới
Đọc nhiều