+
Aa
-
like
comment

Cú sốc của Vinamilk: Tỷ USD bốc hơi, bí ẩn lộ diện

Văn Dân - 04/12/2019 13:25

Mạng xã hội mấy ngày qua nóng chuyện “sữa Vinamilk nhập nguyên liệu không an toàn, bò nuôi ít, chất lượng không đảm bảo” khiến dư luận hoang mang. “Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa”, tin đồn trên nhanh chóng “đánh sập” cổ phiếu VNM của “bà lớn” ngành sữa chỉ trong 2 ngày,Vinamilk đã “bốc hơi” gần 9.000 tỷ đồng. Vậy nhưng, con số này vẫn chưa dừng lại… 

Khởi xướng câu chuyện này được dẫn dắt từ một số hot facebooker như Nguyễn Sin, Đặng Như Quỳnh, Hoàng Linh, Đỗ Tuấn Minh, Nguyễn Như Phong… đăng những tấm ảnh chụp được cho là danh sách nhập khẩu nguyên liệu của Vinamilk rồi đồ rằng “sữa của Vinamilk không phải là sữa tươi như quảng cáo và ghi trên bao bì”. Sữa là mặt hàng đặc biệt thông dụng và cần thiết đối với mọi gia đình, và các trường học với chương trình sữa học đường nên ngay lập tức những thông tin trên nhận được hàng chục nghìn lượt chia sẻ trên FB, người tiêu dùng tẩy chay, doanh nghiệp điên đảo. Mặc dù, nhiều người nói với tôi, họ biết Vinamilk là một thương hiệu uy tín, nhưng cứ nghe và thấy nhiều người chia sẻ trên FB thì họ không thể không tin.

Vinamilk đã kịp thời phản pháo bằng cách ra một thông cáo báo chí bác bỏ toàn bộ cáo buộc, khẳng định chất lượng sữa an toàn, được đăng tải trên nhiều báo chí chính thống.

Bằng bản lĩnh của một tập đoàn lớn đứng trước khủng hoảng truyền thông, Vinamilk đã kịp thời phản pháo bằng cách ra một thông cáo báo chí bác bỏ toàn bộ cáo buộc, khẳng định chất lượng sữa an toàn, được đăng tải trên nhiều báo chí chính thống. FB Nguyễn Như Phong cũng đã gỡ bỏ hai status liên quan đến vụ việc. Đáng tiếc là có quá ít người đủ tỉnh táo phân tích thông tin, đánh giá sự việc một cách khách quan, công tâm. 5.500 tỷ đồng bốc hơi chỉ vì lời đồn thất thiệt từ những “tay viết IS” – khủng bố doanh nghiệp. Một con số không hề nhỏ, nhưng vẫn chắc hẳn vẫn còn chưa dừng lại. Hôm nay có thể là cái tên Vinamilk nhưng ngày mai, ngày mốt rất có thể là những doanh nghiệp khác bị hạ gục bởi những “máy chửi chạy bằng cơm” khi mà mạng xã hội đã đang trở thành “vùng vô luật”.

Thông cáo báo chi Vinamilk thông tin về nguồn gốc sữa

Còn nhớ, cách đây 6 năm, cũng với chiêu bài “bảo vệ sức khỏe của mẹ và trẻ”, một người đàn bà (không rõ là thiếu hiểu biết hay có chủ đích) đã dẫn dụ được cả một cộng đồng Webtretho tấn công sữa bột Danlait bằng những thông tin thêu dệt. Sữa bột Danlait – một sản phẩm mà sau này được chứng minh là chất lượng hoàn toàn tốt, được bảo đảm bởi nhiều tổ chức quốc tế uy tín đã hoàn toàn gục ngã trước tin vịt chỉ vì “đám đông cuồng nộ”. Nhưng lúc đó thì sao, “gỡ được vạ thì má đã sưng”, một triệu người được tiếp cận thông tin rằng “sữa bột Danlait bẩn, độc hại” nhưng chỉ 1% trong số đó đọc được thông tin minh oan, Danlait đã hoàn toàn sụp đổ.

Đến đây có thể thấy, cái gọi là chiến lược PR – Maketing, bán hàng bằng cách dùng truyền thông đánh vào “tâm lý sợ hãi” của người dân không còn quá xa lạ với nhiều người, và giá trị của nó luôn được phát huy trong một thị trường khan hiếm tin sạch như ở Việt Nam. Vậy thì những ai đứng sau đạo diễn những “đòn bẩn” kiểu này. Có thể rất rất nhiều, nhưng một trong số đó đúng như Tiến sỹ Lưu Hồng Minh, từng thẳng thắn nói: “Tất cả những tin đồn thất thiệt này không phải ngẫu nhiên mà được tung ra trên diện rộng. Bàn tay đứng sau điều khiển chúng có thể là PR đen (Black PR). Điều này phổ biến trong kinh doanh, một số công ty sử dụng thủ pháp này để triệt hạ đối thủ. Không phải lúc nào chúng ta cũng phát hiện ra các phi vụ PR đen bởi phàm những đơn vị đã có khả năng thực hiện chúng thường thực hiện rất tinh vi”.

Những “tay viết IS” và những “âm binh” của mạng xã hội đang gây khuynh đảo truyền thông. Đây là một nỗi lo hiện hữu không chỉ đối với doanh nghiệp mà còn cả với việc quản trị xã hội.

Nhiều người hẳn vẫn chưa quên, Massan đã rất thành công khi giết chết tươi nước tương truyền thống, và suýt thành công khi giết chết nước mắm truyền thống. Đến lúc này, liệu có phải đang có một âm mưu nào đó chĩa về phía VinaMilk?

Đi tìm thế lực đứng sau tin đồn phá hoại uy tín doanh nghiệp chắc chắn là việc mà phía Vinamilk tới đây sẽ phối hợp cùng cơ quan chức năng để làm sáng tỏ. Nhưng vấn đề đặt ra là đã có không ít doanh nghiệp bị giết chết vì những tin giả như vậy, vậy thì làm sao ngăn chặn cái xấu, bảo vệ những người làm ăn chân chính? Nếu như tin đưa sai trên báo chí chính thống thì còn có cửa để thưa kiện, đính chính, còn share trên mạng xã hội thì thưa ai, kiện ai? Chưa kể, chưa kiện thắng được một vụ việc, thì doanh nghiệp đã sập tiệm hoặc có thắng kiện cũng không có khả năng lấy lại uy tín thương hiệu. Pháp luật cần chạm đến những góc cạnh này, để tạo hành lang cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính và hạn chế những hành vi tiêu cực tiềm tàng.

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều